Nghĩa tình đôi bờ Sê Pôn

Hiếu Giang |

Sau 10 năm kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị (Việt Nam) với bản Phường, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào), mối quan hệ gắn bó, tình hữu nghị đặc biệt giữa chính quyền và Nhân dân hai bên ngày càng được thắt chặt. 

Mô hình kết nghĩa bản - bản này cũng chính là sự cụ thể hóa chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp mỗi bên nhằm xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó keo sơn giữa hai đất nước Việt - Lào anh em.

Những ngày cuối năm, thị trấn vùng biên Lao Bảo rợp cờ hoa với không khí sôi nổi chào đón những sự kiện lớn, trong đó có sự kiện sơ kết 10 năm kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa khóm Duy Tân và bản Phường.

Khóm Duy Tân hiện có 197 hộ/930 nhân khẩu. Cơ sở hạ tầng của khóm được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang và khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Ở bên kia dòng sông Sê Pôn thuộc nước bạn Lào, bản Phường có diện tích 10.500 ha, chủ yếu là rừng núi, tiếp giáp với khóm Duy Tân về phía Đông. Bản có 83 hộ/550 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc chính (Lào Thơng chiếm 55%, Lào Lùm chiếm 44%, 1% là Việt kiều). Người dân nơi đây chủ yếu làm nương rẫy, trồng rừng, hợp tác trồng cây chuối với Nhân dân biên giới Việt Nam, ngoài ra một bộ phận hộ dân buôn bán nhỏ lẻ.

Trao tặng bò giống sinh kế cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn của khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa - Ảnh: Đ.V
Trao tặng bò giống sinh kế cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn của khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa - Ảnh: Đ.V

Ngày 29/11/2012, khóm Duy Tân và bản Phường vinh dự được hai huyện Hướng Hóa - Sê Pôn cho phép tổ chức lễ kết nghĩa. Hai bên đã thống nhất thông qua quy chế hoạt động kết nghĩa với 12 nội dung, đúng Hiệp định quy chế biên giới Việt Nam - Lào, pháp luật của mỗi nước và phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc hai bên biên giới. Trong 10 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chính sách ưu đãi Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo; Khu Kinh tế Densavan, người dân hai bên đã phối hợp phát triển thêm các dịch vụ buôn bán nhỏ lẻ, thường xuyên qua lại giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả, từ đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân khóm Duy Tân và bản Phường ngày càng được nâng lên. Người dân hai bên đã tham gia tích cực vào các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản… góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Tỉnh Quảng Trị có chung đường biên giới với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào) với chiều dài 179,345 km. Từ mô hình kết nghĩa bản-bản đầu tiên giữa khóm Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) với bản Densavan (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet) vào ngày 28/4/2005, đến tháng 11/2012, có 24 cặp bản đối diện hai bên biên giới giữa tỉnh Quảng Trị với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan được tổ chức kết nghĩa.

Già làng bản Phường Khăm Khóng có mặt tại lễ sơ kết xúc động cho biết, 10 năm qua, thông qua quy chế kết nghĩa bản - bản, cam kết của các hộ dân sống hai bên biên giới đã giải quyết thấu tình, hợp lý những mâu thuẫn, khúc mắc trong đời sống hằng ngày của người dân; xóa bỏ dứt điểm tình trạng xâm canh, xâm cư, di dân tự do, kết hôn xuyên biên giới chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật… mà trước đây thường xảy ra.

Bên cạnh đó, người dân hai bên cùng giúp nhau phát triển sản xuất, phòng trừ dịch bệnh, cấp cứu, chữa bệnh, trao đổi học tập kinh nghiệm, phòng chống thiên tai; mối quan hệ tương thân tương ái giữa hai bên được tăng cường hơn. Khi người dân bản Phường gặp thiên tai, chính quyền, người dân, lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) đóng quân trên địa bàn huyện Hướng Hóa kịp thời giúp đỡ hàng chục tấn gạo, quần áo, chăn màn; huy động hàng trăm nhân công sang làm nhà, gửi tấm lợp, giúp các gia đình trong bản dựng lại nhà. Và ngược lại, khi bà con khóm Duy Tân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, người dân bản Phường cũng đã kịp thời hỗ trợ cả về vật chất lẫn nhân công.

Ngoài ra, việc kết nghĩa bản - bản cũng giúp công tác tuyên truyền, vận động người dân hai bên, nhất là lớp trẻ hiểu được truyền thống văn hóa, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào; mối quan hệ thân tộc giữa các bản làng dọc tuyến biên giới, qua đó xây đắp ý thức trách nhiệm cho thế hệ trẻ hôm nay trong bảo vệ, xây dựng tuyến biên giới bình yên, hữu nghị. “Thay mặt người dân bản Phường, tôi chân thành cảm ơn Đảng, chính quyền, lực lượng BĐBP Việt Nam đã hỗ trợ giúp đỡ cho người dân hai bên nói chung và bản Phường nói riêng trong suốt 10 năm qua. Mong rằng Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục nhân rộng mô hình kết nghĩa này cho các bản giáp biên giới. Chúng tôi hứa sẽ đoàn kết, quyết tâm xây dựng mối quan hệ gắn bó thủy chung đặc biệt Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”, già làng Khăm Khóng phấn chấn cho biết.

Trưởng khóm Duy Tân Trần Thanh Lộc cho biết thêm, suốt 10 năm qua, nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo thị trấn Lao Bảo, lực lượng BĐBP, chính quyền địa phương hai huyện Hướng Hóa và Sê Pôn mà hai bên đã thực hiện tốt quy chế kết nghĩa bản - bản và cam kết của các hộ dân sống hai bên biên giới. Nhân dân hai bên đã ý thức được về quốc gia, quốc giới, nắm và tự giác thực hiện tốt Hiệp định về biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào. Những việc trước đây thường xuyên xảy ra như: Đánh bắt cá trên sông Sê Pôn trái phép, buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép ở khu vực vành đai biên giới… đã được người dân hai bên cam kết và chấp hành, thực hiện tốt sau khi kết nghĩa. Trong 10 năm qua, khóm Duy Tân đã giúp bản Phường 12 máy cắt cỏ, tổ chức khám chữa bệnh cho hơn 1.026 lượt người, cấp phát hơn 45 lượt thuốc sốt rét, tặng 5.600 khẩu trang, 1.200 chai sát khuẩn phòng COVID-19; 12.000 gốc sắn KM94, 250 kg hạt ngô lai LV10, 30.000 cây giống các loại…

Đặc biệt trong đợt lũ lịch sử năm 2019, Nhân dân khóm Duy Tân và chính quyền thị trấn Lao Bảo đã hỗ trợ cho bản Phường 5 tấn gạo, 100 kg cá khô cùng nhiều loại nhu yếu phẩm khác để giúp bạn vượt qua khó khăn trước mắt. Cán bộ, người dân hai bên cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà nhân các sự kiện trọng đại của hai nước, 2 địa phương, tham gia thi đấu giao hữu bóng đá, bóng chuyền, văn hóa, văn nghệ…

“Thông qua hoạt động kết nghĩa, người dân hai bên đã nâng cao nhận thức, góp phần thúc đẩy phong trào quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc; giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản. Từ đó, tình hình an ninh đường biên và mốc quốc giới được đảm bảo, góp phần ổn định trật tự trị an khu vực dân cư hai bên biên giới; hạn chế nhiều tệ nạn xã hội có nguy cơ nảy sinh, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm. Đặc biệt là tạo được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, nhằm tập trung nâng cao cảnh giác chống âm mưu phá hoại của thế lực thù địch”, ông Lộc khẳng định.

Phong trào hoạt động kết nghĩa bản - bản nói trên đã góp phần củng cố và vun đắp mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân Việt Nam - Lào. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng hai bên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mỗi bên, nhất là nghị định về đường biên giới và mốc quốc giới giữa hai nước. Chủ động đấu tranh, kiên quyết ngăn chặn các thế lực thù địch kích động, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ tình đoàn kết anh em giữa hai nước Việt - Lào.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khám chữa bệnh miễn phí cho người dân khu vực biên giới huyện Sê Pôn

Đình Tiến |

Từ ngày 5/12 đến 6/12/2021, tại Trạm xá Đen Sa Vẳn, huyện Sê Pôn, tỉnh Xa Vẳn Na Khệt (Lào), Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bệnh viện: 354, 4, 268 của Quân đội Nhân dân Việt Nam và chính quyền địa phương tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân trên địa bàn huyện Sê Pôn.

Nước sông Sê Pôn dâng cao, nhiều địa phương lên kế hoạch di dời dân

Điếu Ngao |

Do ảnh hưởng của bão số 5 (CONSON), ngày 12/9/2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa lơn kéo dài làm nhiều địa bàn ở huyện Hướng Hoá, Đakrông bị chia cắt, có nguy cơ ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.

Những mô hình ấm áp nghĩa tình trong mùa dịch

Diệu Thuần |

Những mô hình “ATM gạo”, “Siêu thị 0 đồng”, "Tủ lạnh cộng đồng"… đã góp phần lan tỏa nghĩa tình cao đẹp, giúp người dân vượt qua khó khăn trong mùa dịch.

Nghĩa tình người Quảng Trị giữa tâm dịch

Lâm Thanh |

Hơn 1,5 tháng TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội vì COVID-19, nhiều người con Quảng Trị đang học tập, làm việc trên mảnh đất này đã tình nguyện tổ chức những bếp ăn đặc biệt để cung cấp hàng ngàn suất cơm vừa ngon, vừa đảm bảo dinh dưỡng mỗi ngày cho lực lượng tuyến đầu chống dịch ở các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung; công nhân nghèo thất nghiệp hay những người lao động tự do, bán vé số, xe ôm… không có thu nhập trong các khu vực phong tỏa.