Hơn 1,5 tháng TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội vì COVID-19, nhiều người con Quảng Trị đang học tập, làm việc trên mảnh đất này đã tình nguyện tổ chức những bếp ăn đặc biệt để cung cấp hàng ngàn suất cơm vừa ngon, vừa đảm bảo dinh dưỡng mỗi ngày cho lực lượng tuyến đầu chống dịch ở các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung; công nhân nghèo thất nghiệp hay những người lao động tự do, bán vé số, xe ôm… không có thu nhập trong các khu vực phong tỏa.
Càng nấu càng thương
Những ngày qua, gian bếp của chị Nguyễn Thị Thu Trang luôn đỏ lửa. Thu Trang sinh năm 1994 ở huyện Vĩnh Linh - người khởi xướng dự án “Cơm thứ Sáu yêu thương” từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 6 năm về trước.
Vì duyên nợ ấy mà Trang quá quen thuộc với những người lao động khó khăn mưu sinh giữa đất Sài thành. Ngay từ những ngày đầu TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội vì COVID-19, Trang đã tất bật với chuyện bếp núc để thực hiện những chuyến thiện nguyện mang những phần cơm yêu thương đến với mảnh đời bất hạnh trong các con hẻm nhỏ. Ban đầu, Trang và mọi người trong nhóm tính mỗi ngày nấu khoảng 50 phần cơm nhưng càng làm càng gặp nhiều người khó khăn nên số phần ăn cứ thế tăng thêm. Bây giờ, mỗi ngày nhóm của chị Trang đã nấu hơn gần 1.000 suất cơm. Dịch bệnh ngày càng phức tạp, nguồn cung thực phẩm trên địa bàn thành phố rất khan hiếm nhưng nhờ có kinh nghiệm và mối cung cấp nguồn hàng từ trước nên bếp ăn thiện nguyện của chị Trang luôn có thực phẩm tươi ngon để chế biến.
Thu Trang chia sẻ: “Có rất nhiều việc phải làm như kêu gọi ủng hộ, tìm nguyên liệu, chế biến thức ăn đến việc công khai thu, chi mỗi ngày trên trang cá nhân... Cũng may, nhờ công nghệ phát triển nên mọi tương tác, giao dịch đều diễn ra trên không gian mạng, chỉ có việc chế biến, nấu nướng là diễn ra trực tiếp nhưng mọi người đều ở trong nhà để thực hiện nên vẫn đảm bảo an toàn. Khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thì nấu nướng xong chúng tôi tỏa đi các hướng để phát cơm, nhiều khi không kịp lên mạng xã hội nhờ tình nguyện viên trợ giúp nhưng từ ngày 9/7/2021, áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 thì chúng tôi liên hệ xe của các phường tới nhận”.
Lan tỏa nguồn năng lượng tích cực
TP. Hồ Chí Minh “đổ bệnh” khiến không ít người dân lao đao, nhất là những người lao động chân tay, mưu sinh hằng ngày để lo từng bữa ăn thì giãn cách xã hội càng khiến cuộc sống của họ chồng chất khó khăn. Cùng hướng tới những mảnh đời này, nhiều bạn trẻ Quảng Trị đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây quyết tâm bám trụ giữa tâm dịch để nấu những bữa ăn yêu thương như chị Trang.
Gần nửa tháng nay quán Cà Mèn - chuyên phục vụ những món đặc sản Quảng Trị ở TP. Hồ Chí Minh treo biển tạm nghỉ bán vì dịch bệnh nhưng bên trong thì lửa vẫn đỏ. Ông chủ Nguyễn Đức Nhật Thuận, sinh năm 1990, quê ở Hải Lăng và nhân viên của quán vẫn hoạt động hết công suất để nấu 400-500 suất cơm, chuẩn bị 200 ổ mì mỗi ngày cho đội ngũ nhân viên y tế ở các bệnh viện dã chiến và lao động tự do, người vô gia cư trên địa bàn thành phố.
“Những phần cơm của chúng em không thể giúp đỡ bà con hết khó khăn nhưng sẽ tiếp thêm tinh thần, nguồn năng lượng tích cực để mọi người cùng vượt qua giai đoạn ngặt nghèo này”, Thuận chia sẻ. Cũng vì tâm nguyện ấy nên Thuận và các thành viên trong nhóm cố gắng chuẩn bị bữa cơm tươm tất nhất có thể. Ngoài cơm, rau, cá thịt, trứng… chia theo khẩu phần ăn mỗi ngày, Thuận còn kêu gọi thêm sữa, trái cây… kèm theo từng suất ăn gửi tặng những người khó khăn. Ngoài những phần cơm yêu thương, mỗi ngày nhóm của Thuận còn dành những phần quà có khi là đòn bánh tét, hủ muối sả, vài ký gạo, ít rau củ quả… do bà con ở quê gửi vào cho nhóm để chia sẻ với một số trường hợp người Quảng Trị đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh gặp khó khăn do dịch bệnh. Chị Nguyễn Nga chia sẻ lên trang cá nhân của mình: TP. Hồ Chí Minh những ngày này khó khăn vô cùng, càng khó khăn hơn cho mấy em sinh viên sống xa nhà. Mấy ngày nay nhận được tin nhắn nhờ giúp đỡ của các em mà nghẹn lòng. May là trong một lần nhắn tin với anh Nguyễn Đức Nhật Thuận - chủ quán ăn Cà Mèn, được anh gợi ý biết bạn nào khó khăn nhắn để cố gắng gửi cho các bạn ít quà quê. Mừng như bắt được vàng. Tối qua làm vội cái link cho mấy em đăng ký, hôm nay đã nhận được hết rồi…”.
Dù là người Quảng Trị hay bất cứ ai sống ở TP. Hồ Chí Minh gặp khó khăn trong lúc này đều là đối tượng hướng đến của những bữa cơm yêu thương mà các bạn trẻ Quảng Trị đang bám trụ giữa tâm dịch để thực hiện. Sự chia sẻ, tình yêu thương ấy đang ngày càng được lan tỏa. Kinh phí nấu hàng ngàn phần cơm của các bếp ăn cho những người khó khăn ở TP. Hồ Chí Minh suốt thời gian qua đều do những nhà hảo tâm, bạn bè, người thân của các bạn trẻ luôn tin tưởng và ủng hộ. Giữa bộn bề vất vả, lo toan những dòng chữ “Sài Gòn ơi! cố lên”, “Sài Gòn sớm vượt qua nhé!”, “Sài Gòn mau hết bệnh nhé!” hay “Sài Gòn dễ thương, kiên cường chống dịch” tràn ngập trên mạng xã hội, được người dân truyền tay nhau càng tiếp thêm sức mạnh to lớn cho cuộc chiến chống COVID-19 của dân tộc.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)