Nghĩ từ việc “nấu cháo” cho bò ăn

Tùng Lâm |

Những đợt mưa lũ lịch sử tháng 10 vừa qua làm thiệt hại rất lớn về người và tài sản của Nhân dân. Hầu hết trên tất cả các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nhưng ngành nông nghiệp là chịu tổn thất nặng nề nhất. Sau mưa lũ, cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân khẩn trương khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Nhưng cũng từ thực tiễn đã làm lộ ra nhiều vấn đề mà lâu nay cứ nghĩ là an toàn, thuận lợi, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nên chưa lường định đến. Câu chuyện nuôi bò nhốt chuồng dưới đây là một ví dụ.

Thôn Bắc Bình (nay là thôn Bình Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) có bãi đất rộng lớn là điều kiện thuận lợi cho việc trồng cỏ nuôi bò. Được sự hỗ trợ của Đại học Nông lâm Huế về giống, kỹ thuật trồng cỏ, cách chăn nuôi bò nhốt chuồng, nên từ nhiều năm nay người dân thôn Bắc Bình đã lựa chọn mô hình nuôi bò nhốt chuồng thay cho cách nuôi chăn thả truyền thống.

 

Bên cạnh thuận lợi thì thôn Bắc Bình có bất lợi là nằm ở vị trí địa hình thấp, dễ bị ngập lụt, nguy cơ cao cho thiệt hại tài sản vật nuôi. Khắc phục bất lợi này, người dân làm chuồng bò rất cao để tránh lụt, hay gọi vui là xây nhà tầng cho bò ở. Và đợt lũ lụt vừa qua đã chứng minh hiệu quả khi cả thôn Bắc Bình ngập chìm trong nước, hư hỏng, mất mát nhiều tài sản nhưng bò thì “tuyệt đối an toàn”.

Phát huy lợi thế, khắc phục được bất lợi, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên có đến 50% hộ dân trong thôn lựa chọn mô hình nuôi bò nhốt chuồng để phát triển kinh tế và đó cũng là nguồn thu nhập chính của các gia đình. Do ra đời sớm, lại có số lượng lớn nên thôn Bắc Bình được xem như “trung tâm nuôi bò nhốt chuồng” của tỉnh Quảng Trị, được người dân các nơi đến học hỏi, làm theo.

Thế nhưng, sau đợt lũ lụt vừa qua, toàn bộ 7,5 ha cỏ trồng nguồn thức ăn chính và đồng cỏ tự nhiên khoảng 20 ha của thôn đều bị hư hỏng, đất vùi lấp, thiệt hại 100%; số thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp dự trữ như rơm khô cũng bị ướt, hỏng… nên nguồn thức ăn cho hàng trăm con bò nuôi nhốt cạn kiệt. Người dân phải vào rừng cắt cỏ, chặt cây chuối trong vườn… cho bò ăn. Nhưng rồi cỏ, chuối cũng hết, phải lấy gạo “nấu cháo” cho bò cầm hơi.

Ông Đoàn Ánh Phước - người từng nhiều năm nuôi bò nhốt chuồng ở thôn Bắc Bình - cho biết, nhiều lúc không còn thức ăn đành lấy bắp cải, su hào cùng với gạo nấu cháo hòa vào nước cho bò uống để cầm cự qua ngày. Nhìn những con bò trước đây mập béo, giờ ốm trơ xương thật lo lắng vì biết chắc là lỗ vốn nặng nhưng không làm gì được.

Trước tình thế đó, mặc dù chưa đến lúc xuất chuồng nhưng nhiều người đành phải bán bò “non”. Nhưng nghiệt nỗi thương lái biết khó khăn này nên bắt ép, giá mua chỉ bằng khoảng 70% - 80%, có khi bị ép xuống còn 60% - 65% so với mức giá bình thường. Người chăn nuôi “tiến thoái lưỡng nan”- bán thì quá lỗ, không bán thì bò chết, càng lỗ hơn. Để giảm lỗ, với những con bò đực người dân mổ để bán thịt. Nhưng còn bò cái và bò đang nhỏ thì bán không ai mua, mổ thịt không có giá trị kinh tế nên phải tiếp tục nuôi.

Một mô hình kinh tế ổn định lâu nay, hiệu quả cao nên nghĩ rằng cứ thế mà phát triển. Thế nhưng, mưa lụt đã làm lộ ra những “điểm yếu”, lung lay sự lựa chọn phương kế làm ăn của người dân. Trong lũ lụt, dù thật khó khăn vất vả vẫn vượt qua được, nhưng câu chuyện nuôi bò nhốt chuồng lại ở sau lụt- nguồn thức ăn “bền vững” cho bò. Hiện người dân thôn Bắc Bình (và cả những nơi khác có nuôi bò nhốt chuồng) đang rơi vào thế khó, loay hoay tìm lối thoát. Có tiếp tục lựa chọn làm ăn kinh tế bằng mô hình nuôi bò nhốt chuồng hay không là bài toán phải cân nhắc kỹ.

Trước mắt, người dân rất cần được hỗ trợ cỏ giống để trồng, phục vụ tái đàn, khi chưa có phương án khác khả dĩ thay thế. Còn về lâu dài, chính quyền, cơ quan chuyên môn và người dân cần tính lại kế sách bền vững để nuôi bò nhốt chuồng trong điều kiện xảy ra thiên tai. Chẳng hạn chăn nuôi theo mùa vụ, giảm số lượng bò nuôi khi đến mùa mưa lũ rồi tăng đàn trở lại sau đó; trồng ít cỏ ở vùng cao để bảo tồn giống khi bị lũ lụt; tăng dự trữ thức ăn phụ phẩm nông nghiệp… Giải được bài toán về nguồn thức ăn sau mưa lụt cho bò thì người chăn nuôi sẽ không lâm vào cảnh ngộ như câu chuyện trên.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tiếp tục sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả

Phan Việt Toàn |

Năm 2020 sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với ảnh hưởng COVID-19, vụ hè thu diễn ra tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó một số loại dịch bệnh phát sinh gây hại trên cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt các trận lũ lớn và bão đã gây ra thiệt hại hết sức nặng nề trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với sự chủ động của Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị trong việc kịp thời tham mưu tỉnh ban hành nhiều đề án, phương án sát đúng với tình hình thực tế sản xuất cũng như phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả nên toàn ngành nông nghiệp Quảng Trị đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Nhân giống bằng nuôi cấy mô, hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Trần Anh Minh |

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là hướng phát triển tất yếu hiện nay. Tại Quảng Trị, việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) cao mới bắt đầu thực hiện và ở quy mô chưa lớn nhưng đã khẳng định hiệu quả và thích nghi tốt đối với trình độ của nông dân. Ứng dụng KH&CN cao trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh đã được thực hiện trong cả quá trình sinh trưởng của cây trồng nhằm hạn chế sự tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, đồng đều, trong đó có kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật.

Chú trọng nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp ở Hướng Hóa

Hoàng Tiến Sĩ |

Nhờ có lợi thế về tài nguyên đất đai nên Hướng Hóa (Quảng Trị) là địa phương phát triển mạnh về cây công nghiệp dài ngày. Đặc biệt trong những năm trở lại đây, huyện đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa và tổ chức sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm lợi thế của huyện; khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.

Nông nghiệp công nghệ cao, một xu hướng tất yếu

Thanh Trúc |

Ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất được xem là khâu đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra các sản phẩm an toàn cho các sản phẩm nông nghiệp. Do đó, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC, đồng thời ngành nông nghiệp và các địa phương luôn nỗ lực để đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông sản.