Chú trọng nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp ở Hướng Hóa

Hoàng Tiến Sĩ |

Nhờ có lợi thế về tài nguyên đất đai nên Hướng Hóa (Quảng Trị) là địa phương phát triển mạnh về cây công nghiệp dài ngày. Đặc biệt trong những năm trở lại đây, huyện đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa và tổ chức sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm lợi thế của huyện; khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.

Đến nay huyện Hướng Hóa đã định hình được một số cây trồng chủ lực gồm 4.451,8 ha cà phê, 1.154,8 ha cao su; 238,7 ha hồ tiêu; 425 ha mắc ca; 4.706,9 ha sắn, 3.631,2 ha cây ăn quả (riêng chuối đạt 3.560 ha với sản lượng hơn 16.120 tấn/năm)…

Thu hoạch cà phê ở Hướng Hóa - Ảnh: H.T.S​
Thu hoạch cà phê ở Hướng Hóa - Ảnh: H.T.S​

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch theo hướng tập trung thâm canh, chuyên canh. Đặc biệt là đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật-công nghệ để tăng năng suất, chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả, tinh bột sắn, gia súc, gia cầm… Phát triển kinh tế nông nghiệp đúng với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của huyện cũng như quy hoạch của ngành nông nghiệp; gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm…

Bên cạnh đó, huyện Hướng Hóa cũng đã xây dựng và triển khai hiệu quả đề án “Hỗ trợ chuyển đổi một số diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác giai đoạn năm 2017-2020 đối với các xã vùng Lìa…” nhằm chuyển đổi diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây hoa màu, cây công nghiệp khác như gừng, nghệ, ngô, cao su…Trong đó đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng, sản lượng cây cà phê, với mục tiêu trước mắt là đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào thâm canh cây cà phê…

Đối với những vườn cà phê già cỗi, kém chất lượng, huyện tích cực hỗ trợ người dân đầu tư tái canh, cải tạo vườn đi đôi với sử dụng giống mới chất lượng, thích nghi với điều kiện sinh thái của từng vùng, khu vực, địa phương để từ đó từng bước nâng cao chất lượng và sản lượng cây cà phê. Dự kiến đến năm 2025 sẽ triển khai tái canh khoảng 1.910 ha trên địa bàn toàn huyện…Hiện nay, bằng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2017 đến nay huyện Hướng Hóa đã hỗ trợ người dân tái canh 385 ha cà phê, trồng mới 86,5 ha cao su, chuyển đổi 65 ha đất trồng lúa thiếu nước sang trồng ngô, xây dựng 1 vườn ươm giống cây cà phê công nghệ cao.

Để từng bước nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới huyện Hướng Hóa sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: Tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04 - NQ/TU, ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tổ chức sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, sản xuất hàng hóa; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án về chuyển đổi đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác, phát triển cây cao su, tái canh cây cà phê…;

Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tập trung chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, nhất là các giống mới có năng suất, chất lượng cao; nghiên cứu và đưa vào sản xuất thử nghiệm các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; duy trì các loại cây trồng chủ lực của huyện như cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn, chuối…; tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách về đất đai để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình… thuê đất, cấp giống để phát triển sản xuất; tăng nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư từ ngân sách nhà nước bằng nguồn vốn các chương trình, dự án… ;

Huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp đầu tư cũng như sự đóng góp của người dân; tiếp tục ưu tiên dành nguồn vốn tín dụng, các chính sách tín dụng ưu đãi khác cho lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp; tăng cường nghiên cứu, dự báo thông tin thị trường các sản phẩm nông nghiệp và vật tư nông nghiệp; đẩy mạnh việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; tổ chức liên kết liên doanh trong sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng, phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; đảm bảo giá trị sản phẩm nông nghiệp luôn có đầu ra ổn định; đẩy mạnh công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng thương mại để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp nội địa và nhiều giải pháp khác.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nhớ cà phê Tộ

Yên Mã Sơn |

Mỗi lần ghé Huế, dù vội vàng đến mấy cũng sắp xếp cho bằng được quỹ thời gian ít ỏi để ngồi uống một tách cà phê. Chỗ lý tưởng nhất chẳng phải là nơi cao sang mà phải là quán vỉa hè, nơi có thể nhìn dòng xe chạy ngược xuôi và thậm chí… ngửi được bụi đường thì xem như mãn nguyện.

Thị trường nông sản tuần qua: Giá cà phê tiếp tục phục hồi

Bích Hồng-Minh Hằng |

Theo Diễn đàn của người làm cà phê, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 7/11 dao động trong khung 32.800-33.400 đồng/kg, tăng 300-400 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Lào xuất khẩu 100 triệu USD cà phê mỗi năm

Tổng hợp |

Cà phê đang là mặt hàng quan trọng và là mặt hàng xuất khẩu tạo nguồn thu khổng lồ, trung bình kim ngạch xuất khẩu cà phê của Lào đạt 100 triệu USD/ năm, và tạo việc làm cho hàng trăm nghìn người dân.

Thử nghiệm giống cà phê mới trên đất Hướng Hóa

Trần Anh Minh |

Cây cà phê chè catimo có mặt trên đất Hướng Hóa (Quảng Trị) đã hơn 20 năm. Sự có mặt quá lâu năm này cùng với việc ít phục tráng giống đã làm cho giống cà phê chè catimo thơm ngon dần bị thoái hóa, cho năng suất thấp, chất lượng quả không cao. Để lựa chọn giống cà phê mới phù hợp hơn đối với vùng Hướng Hóa, Sở Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt dự án “Nghiên cứu xây dựng mô hình thí nghiệm một số giống cà phê chè có triển vọng trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị” do Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị thực hiện trong thời gian 36 tháng, kể từ tháng 5/2018.