Người nặng lòng với thương hiệu tiêu Cùa

Anh Vũ |

Dù cây hồ tiêu có những lúc thăng trầm theo giá cả thị trường, thiên tai, dịch bệnh nhưng ông Trần Hà, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ hồ tiêu Cùa, huyện Cam Lộ  (Quảng Trị) luôn là người tâm huyết, nặng lòng với loại cây truyền thống này. Bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa của mình, ông quyết tâm đưa thương hiệu tiêu Cùa vươn xa.

Chúng tôi được ông Hà hẹn gặp ở văn phòng HTX, căn phòng làm việc của ông dù không rộng nhưng được bài trí khoa học.

Ngoài chỗ đặt bàn làm việc, ông dành một góc đặt tủ trưng bày nhiều sản phẩm hồ tiêu để giới thiệu đến khách hàng; trên tường treo rất nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích sản xuất, kinh doanh của HTX, các loại giấy chứng nhận về thương hiệu, chất lượng sản phẩm tiêu Cùa.

Ông Hà cho biết, năm nay đã gần 70 tuổi và cuộc đời của ông gần như gắn liền với cây tiêu cũng như hành trình xây dựng thương hiệu tiêu Cùa.

Làm Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ hồ tiêu Cùa từ năm 2001, đến nay đã hơn 22 năm nhưng khoảng thời gian dài trước đó ông Hà đều làm những công việc liên quan đến cây tiêu như chủ nhiệm HTX nông nghiệp, phó chủ tịch hội nông dân, rồi cán bộ nông nghiệp xã Cam Nghĩa... Quá trình công tác, dù trong hoàn cảnh nào ông cũng tận tâm, tận lực với cơ sở, gắn bó với nông dân và cây hồ tiêu.

Ông Trần Hà (bên trái) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây hồ tiêu cho nông dân -Ảnh: ANH VŨ
Ông Trần Hà (bên trái) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây hồ tiêu cho nông dân -Ảnh: ANH VŨ
Có những thời điểm, giá hạt tiêu trên thị trường xuống thấp, thời tiết bất lợi nên phần lớn diện tích hồ tiêu bị sâu bệnh gây hại nghiêm trọng, người dân bỏ bê ít chăm sóc nên nhiều vườn tiêu chết sạch.

Là người gắn bó với cây tiêu, được đưa sản phẩm tiêu Cùa tham gia nhiều hội chợ thương mại trong nước, thấy nhiều chuyên gia, khách hàng đánh giá cao về chất lượng, ông càng trăn trở tìm cách khôi phục cây hồ tiêu và xây dựng thương hiệu tiêu Cùa.

Với cương vị là Giám đốc HTX, ông tích cực tuyên truyền vận động xã viên khôi phục vườn tiêu, thường xuyên hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, phòng trừ sâu bệnh; kêu gọi, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, dự án, Hội Hồ tiêu Quảng Trị, Trường Đại học Nông lâm Huế hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật cho người dân.

Hợp tác với các sở, ngành liên quan để được hỗ trợ về khoa học công nghệ như máy tuốt tiêu, máy sấy, máy đóng gói sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Đặc biệt, mặc dù lớn tuổi nhưng năm 2002, khi huyện Cam Lộ phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Huế mở lớp đại học chuyên ngành Nông học, ông đăng ký tham gia học để có thêm kiến thức phục vụ sản xuất và điều hành HTX.

Thời điểm UBND huyện có đề án cải tạo và phục hồi vườn tiêu, ông chủ động đi nhiều địa phương để mua giống tiêu sạch bệnh, có năng suất cao về làm mô hình ươm giống phục vụ việc trồng mới của gia đình cũng như các thành viên HTX.

Anh Trần Xuân Thành, nông dân ở thôn Thượng Nghĩa chia sẻ, để duy trì được diện tích cây hồ tiêu ở vùng Cùa như hiện nay, ngoài sự nỗ lực của nông dân, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì ông Hà là người có nhiều đóng góp trong việc giúp dân cải tạo, phục hồi cây tiêu. Đặc biệt là việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, tìm kiếm đầu ra thị trường, xây dựng thương hiệu, mẫu mã bao bì, nhãn mác… cho sản phẩm tiêu Cùa.

Với sự nỗ lực của ông Trần Hà và Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp dịch vụ tiêu Cùa, năm 2018 vùng sản xuất hồ tiêu Cùa được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận chỉ dẫn địa lý.

Từ đây, HTX đã xây dựng chuỗi giá trị, liên kết và hỗ trợ cho các hộ dân về quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc; sản phẩm hạt tiêu Cùa được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đã công bố tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đến nay, HTX không ngừng xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, tham gia hội chợ và giao thương với các tỉnh bạn. Hiện tại, mỗi năm HTX Nông nghiệp dịch vụ tiêu Cùa bán ra thị trường khoảng 2 tấn tiêu đen đóng gói và 5 tấn tiêu thường.

Hạt tiêu Cùa đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cấp giấy chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn - HACCP. Sản phẩm tiêu Cùa được bày bán tại các cửa hàng OCOP và bưu điện một số tỉnh, thành phố trong nước.

Ông Hà cho biết, hiện nay ông đang tiếp tục hợp tác và liên kết với một số doanh nghiệp để mở rộng tìm kiếm thị trường cho sản phẩm tiêu Cùa; đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu để có cơ hội xuất khẩu ra thị trường thế giới, góp phần giúp người dân giữ vững loại cây truyền thống này, mong muốn thương hiệu tiêu Cùa tiếp tục vươn xa.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Sản phẩm tiêu Cùa được cấp Giấy chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn

Anh Vũ |

Giám đốc HTX Dịch vụ hồ tiêu Cùa Trần Hà cho biết, sản phẩm hồ tiêu của HTX (Cam Lộ, Quảng Trị) vừa được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cấp Giấy chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (Hazard Analysis and Critical Control Points - HACCP).

Người chuyên ươm tiêu giống ở vùng Cùa

Anh Vũ |

Những năm trở lại đây, nhu cầu về cây tiêu giống để người dân phục hồi, cải tạo diện tích hồ tiêu bị chết do sâu bệnh, mưa bão trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Cam Lộ nói riêng khá cao. Nhanh nhạy, nắm bắt thị trường, chị Trần Thị Yến, ở thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ đã đầu tư vườn ươm tiêu giống bài bản để phục vụ người trồng tiêu trong toàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Mô hình ươm tiêu giống của chị Yến vừa tạo được nguồn thu nhập ổn định, vừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Xứ Cùa trù phú

Nguyễn Phúc |

Từ thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), muốn vào Cùa phải di chuyển theo con đường độc đạo len lỏi giữa trùng điệp núi đồi, hai bên là rừng keo lai xanh rì.

Người tiên phong thử nghiệm nhiều cây trồng mới trên đất Cùa

Anh Vũ |

Năm nay đã 62 tuổi nhưng ông Nguyễn Ngọc Thỉnh, ở thôn Đoàn Kết, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) vẫn là một trong những hội viên nông dân tích cực, đi đầu trong đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới để nâng cao thu nhập cho gia đình, trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi ở vùng Cùa.