Từ một loài cây mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân các xã phía Bắc huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) xóa đói giảm nghèo, hiện các hộ dân trồng cây bời lời đang mắc kẹt ở thế “tiến thoái lưỡng nan”. Giá bời lời giảm sâu kể từ năm 2018 đến nay chưa có dấu hiệu tăng trở lại khiến người dân muốn chặt bỏ cũng không được, giữ cũng không xong.
Thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa là thôn có diện tích trồng bời lời lớn nhất của xã với hơn 100 ha của 133 hộ dân. Người tiên phong mang cây bời lời trồng trên đất Cù Bai từ năm 1999 là ông Lê Đình Hoan. Từ mô hình hiệu quả cho giá trị kinh tế cao này, ông Hoan đã khuyến khích người dân trong thôn trồng cây bời lời để có nguồn thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Là một trong những hộ dân có diện tích trồng bời lời lớn với 10 ha, chị Hồ Thị Linh cho biết, trước đây gia đình chị rất khó khăn. Nhận thấy giá trị kinh tế của loài cây này mang lại, chị mạnh dạn vay vốn mua cây giống về trồng. Nhờ chăm chỉ chăm sóc, cây bời lời đã mang về cho gia đình nguồn thu nhập tương đối ổn định, hơn hẳn so với trồng sắn. Những năm trước khi vỏ bời lời được thương lái thu mua với giá cao, từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 25.000 đồng/kg vỏ tươi, bình quân mỗi héc ta cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm cho một lần khai thác.
Từ cuối năm 2017, giá vỏ cây bời lời bắt đầu giảm dần và đến nay chỉ còn khoảng 7 - 8 triệu đồng/tấn. Việc giá xuống thấp đã khiến người trồng bời lời bỏ bê việc khai thác. Không chỉ vậy, thay vì thu mua toàn bộ rễ, thân, vỏ, lá bời lời như trước đây, bây giờ thương lái chỉ thu mua vỏ, nhưng muốn bán cũng khó có người mua.
“Với giá thấp như hiện nay, đi làm thuê thu nhập còn cao hơn việc khai thác bời lời của gia đình đi bán. Hầu hết các hộ dân trong thôn nhà nào ít nhiều gì cũng đều có trồng cây bời lời, bởi trước đây trong thôn ai cũng xác định bời lời chính là một trong những cây xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Trước đây nhiều gia đình chuyển đổi diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây bời lời. Bây giờ mắc kẹt với bời lời, không có diện tích sản xuất nhưng không thể phá bỏ”, anh Hồ Văn Quân, hộ dân hiện có hơn 3 ha cây bời lời chia sẻ.
Theo người dân, một cây bời lời giống có giá 2.000 đồng, người trồng đầu tư công chăm sóc, cắt tỉa cành, chu kỳ đầu tiên phải mất 5 - 7 năm mới cho thu hoạch, sau đó cây tái sinh bằng chồi và thời gian thu hoạch từ 3 - 5 năm. Đặc biệt, trong thời gian cây chưa phủ tán, đang tái sinh có thể trồng xen thêm nhiều loại cây ngắn ngày như sắn, khoai, gieo lúa rẫy để tăng thêm thu nhập. Với 4 ha cây bời lời đã đến kỳ thu hoạch từ lâu nhưng đã 6 năm nay, anh Hồ Văn Phùng không tiến hành khai thác vỏ để bán.
“Giá vỏ cây tươi hiện còn khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg, trong khi công khai thác còn nhiều hơn nên gia đình tôi và những người dân trồng bời lời trong thôn đã không khai thác từ vài năm nay. Giá vỏ bời lời xuống thấp, địa bàn xã cách xa trung tâm, đi lại khó khăn nên thương lái hạn chế thu mua”, anh Phùng cho biết.
Cũng theo anh Phùng, vừa qua, huyện đã có mời một doanh nghiệp về khảo sát diện tích cây bời lời trên địa bàn xã để có hướng thu mua cho người dân, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể. Người dân rất trông chờ chính quyền địa phương có hướng mời gọi, liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị để thu mua vỏ bời lời, tháo gỡ khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Lập Hồ Văn Hải cho biết, trước tình hình khó tiêu thụ sản phẩm vỏ bời lời, giá bán xuống quá thấp ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu nhập của người dân, xã đã kiến nghị để huyện tìm giải pháp tháo gỡ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phương án khả thi.
Trên địa bàn huyện Hướng Hóa, cây bời lời chủ yếu được trồng tập trung ở các xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn, Hướng Tân và các xã vùng Lìa như A Xing, A Dơi, Ba Tầng, Xy với tổng diện tích hơn 1.200 ha. Giống bời lời được đưa vào trồng phổ biến ở các xã chủ yếu là bời lời đỏ với ưu thế là không mất quá nhiều công chăm sóc, không cần bón phân, tưới nước, có độ tái sinh cao.
Không thể phủ nhận lợi ích kinh tế mà cây bời lời mang lại cho người trồng ở các xã miền núi những năm trước đây. Tuy nhiên, với tình trạng rớt giá đối với vỏ cây bời lời kéo dài qua nhiều năm khiến người dân không mặn mà khai thác, trong khi diện tích trồng bời lời ở các xã như Hướng Lập, Hướng Việt là tương đối lớn, cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng hỗ trợ kết nối đầu ra cho sản phẩm.
Không chỉ riêng cây bời lời, thời gian qua, người trồng cao su cũng gặp nhiều khó khăn do giá mủ cao su giảm mạnh. Ngoài nguyên nhân khách quan do giá cả, nhu cầu thực tế của thị trường, cần phải nhìn nhận việc thiếu quản lý chặt chẽ trong việc quy hoạch, phát triển diện tích các loại cây trồng và tìm đầu ra lâu dài cho sản phẩm cũng là yếu tố dẫn đến tình trạng cung vượt cầu đối với các mặt hàng nông, lâm sản.
Trước mắt, người trồng bời lời của các xã trên địa bàn huyện Hướng Hóa cần sự quan tâm, hỗ trợ kết nối đầu ra tiêu thụ sản phẩm của ngành chức năng và chính quyền địa phương để giải quyết khó khăn về thu nhập, góp phần cải thiện đời sống.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)