Hiệu quả từ mô hình trồng cây cam Vinh trên đất Cam Lộ

Anh Vũ |

Những năm trở lại đây, phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu gắn với xây dựng nông thôn mới được huyện Cam Lộ (Quảng Trị) quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân thực hiện các mô hình trồng cây ăn quả.

Trong đó, mô hình trồng cây cam Vinh của gia đình anh Đào Văn Khánh, ở thôn Cam Phú, xã Cam Thành đã mang lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ tạo nguồn thu nhập cao mà còn góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Với lợi thế ở vùng gò đồi đất đỏ ba dan, cách đây 4 năm, sau khi thấy vườn tiêu của gia đình bị sâu bệnh liên tục, khó có khả năng khôi phục, anh Khánh quyết định phá bỏ để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả theo chủ trương cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu của chính quyền địa phương.

Qua tìm hiểu trên sách báo, internet, thấy cây cam Vinh (cụ thể là giống cam V2 và cam Xã Đoài) có giá trị kinh tế cao và có khả năng thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu ở vùng đất Quảng Trị; trước đó gia đình anh cũng trồng thử nghiệm một số cây cam cho năng suất cao, lên đến 1 tạ quả/cây nên anh quyết định cải tạo toàn bộ diện tích 1,3 ha để đầu tư trồng cam Vinh.

Anh Khánh cho biết, để đảm bảo trồng đúng quy trình kỹ thuật, anh thuê xe cơ giới cải tạo lại mặt bằng, đào hố kích thước khoảng 1 mét, xử lý vôi, phơi hố trong thời gian một tháng, sau đó mỗi hố trộn 30 kg phân chuồng đã xử lý hoai mục kết hợp với 0,5 kg phân lân để trồng. Với diện tích 1,3 ha, anh đã trồng được 800 gốc. Giống cây cũng được anh ra tận Nghệ An mua về trồng.

Anh Đào Văn Khánh đang thu hoạch cam -Ảnh: ANH VŨ
Anh Đào Văn Khánh đang thu hoạch cam -Ảnh: ANH VŨ

Khi cam bước vào năm thứ 2, được sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Trạm Khuyến nông huyện, anh đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhờ hệ thống tưới này mà vườn cam phát triển nhanh, tốt, đồng thời giảm được rất nhiều chi phí nhân công vào mùa nắng hạn. Theo anh Khánh để cây cam phát triển tốt, không bị sâu bệnh gây hại, ngoài việc bón phân, tưới nước, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, anh phải thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của cây. Đặc biệt, đối với cây cam rất dễ bị sâu vẽ bùa gây hại nên khi phát hiện là phải xử lý dứt điểm ngay.

“Đến năm thứ 3, cam bắt đầu thời kỳ ra hoa và bói quả. Tuy nhiên, để cây cam không bị mất sức và phát triển ổn định phải cắt hết quả, chỉ để lại một ít thử nghiệm. Sang năm thứ 4, khi cây trưởng thành mới cho đậu quả bình thường”, anh Khánh chia sẻ. Ngoài ra, để cam ra nhiều hoa và sai quả, từ tháng 10, anh bắt đầu tỉa cành, bón phân chuồng, phân vi sinh. Mục đích của việc bón phân thời điểm này là để khi cam nảy lộc mới, cây đủ dinh dưỡng, hoa sẽ to và dễ đậu quả.

Hiện nay, vườn cam của anh Khánh đang bước vào vụ thu hoạch đầu tiên. Nhờ đầu tư chăm sóc bài bản theo quy trình VietGAP, sử dụng các loại phân hữu cơ và phân vi sinh nên cây nào cũng sai quả và ngọt, kèm vị chua nhẹ, đảm bảo an toàn. Anh Khánh cho biết, mặc dù là năm đầu tiên nhưng vụ cam này cho sản lượng khoảng hơn 5 tấn; giá cam được thương lái đến thu mua tại vườn là 20.000 đồng/ kg nên gia đình anh có thu nhập trên 100 triệu đồng từ cam.

“Đây mới là vụ đầu tiên, năng suất chưa phải là cao nhưng so với các loại cây trồng khác, cây cam cho hiệu quả cao hơn nhiều. Đặc biệt, việc thu hoạch dễ dàng hơn so với cây hồ tiêu, cao su. Thị trường đầu ra cũng ổn định, hiện tại mỗi ngày gia đình tôi đều bán từ 2-3 tạ cam”, anh Khánh cho biết.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho rằng, đến thời điểm này có thể khẳng định cây cam Vinh đã đứng vững trên vùng đất Cam Lộ, bởi qua 4 năm trồng tại vườn của anh Khánh cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, đặc biệt cho năng suất, sản lượng cao, chất lượng cam ngon… “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND huyện trong việc quy hoạch các khu vực trồng cây ăn quả nói chung, cây cam nói riêng theo hướng liên vùng; có cơ chế hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ các hộ dân trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP…”, ông Thanh cho biết thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Rộn ràng Lễ hội thu hoạch cá tại trằm Trà Lộc

PV |

Ngày 3 tháng 9 năm 2022, hàng trăm người nô nức tham gia Lễ hội phá trằm tại khu du lịch sinh thái trằm Trà Lộc (xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ hè thu

Lê An |

Ngày 17/8, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị Trần Thanh Hiền cho biết, đến thời điểm này toàn tỉnh đã có hơn 20.000 ha lúa vụ hè thu đang ở giai đoạn trổ - chín, đạt trên 87% diện tích gieo cấy. Dự kiến, sẽ thu hoạch đại trà từ ngày 25/8 – 10/9, chậm hơn so với lịch thời vụ đề ra từ 5 – 10 ngày.

Khẩn trương thu hoạch lúa vụ đông xuân

Lê An |

Khắc phục những thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, những ngày này, nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang tập trung ra đồng thu hoạch lúa vụ đông xuân với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” và khẩn trương triển khai sản xuất vụ hè thu.

Bắt đầu thu hoạch 1,4 ngàn hecta sắn nguyên liệu

Nguyễn Trang |

Hiện nay, nông dân huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đang bước vào vụ thu hoạch khoảng 1,4 ngàn hecta sắn. Tuy năng suất, sản lượng năm nay bị ảnh hưởng do mưa bão, dịch bệnh nhưng giá thu mua sắn nguyên liệu ổn định ở mức khoảng 1,7- 2 ngàn đồng/kg.