Từ một cậu bé vùng cao quen với khô rát vị gió Lào, anh Trương Thanh Hùng (sinh năm 1979) đã vươn lên trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia VSMA (trực thuộc VCCI). Hành trình của người con quê hương Quảng Trị được nối dài bằng rất nhiều sự nỗ lực và nhiệt huyết.
Trưởng thành từ thử thách
Tham dự hội thảo khoa học định hướng thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, nhiều người ấn tượng với một vị khách mời tuấn tú, dường như có “lửa” trong mỗi lời nói, hành động. Vị khách đặc biệt ấy chính là anh Trương Thanh Hùng. Sinh ra, lớn lên ở đại ngàn phía Tây Quảng Trị, anh Hùng luôn mong muốn trở về, đóng góp điều gì đó cho quê hương. Mong muốn ấy nay đã trở thành hiện thực.
Chuyện trò bên lề hội thảo, anh Hùng xúc động khi nhắc đến tuổi thơ. Cũng như phần lớn đứa trẻ miền núi thời điểm ấy, anh lớn lên trong bộn bề khó khăn. Ba mẹ đều là công chức, vậy mà nồi cơm của gia đình hầu như lúc nào cũng phải trộn thêm khoai, sắn.
Thấy ba mẹ vất vả, anh Hùng sớm biết san sẻ gánh nặng. Sau buổi đến trường, anh đi hái cà phê, bốc gạch, chăn trâu thuê... “Tôi chưa bao giờ lãng quên, ngược lại luôn biết ơn năm tháng gian khó và những thử thách lớn mình đã vượt qua. Nếu không có nó, tôi khó trưởng thành”, anh Hùng bộc bạch.
Theo anh Hùng, chính những khó khăn đã giúp bản thân hình thành năng lực tự chủ từ bé. Anh sớm hiểu ý nghĩa của đồng tiền, công việc để rồi tự tìm ra lối đi. Sau này, anh nhận ra, đó chính là biểu hiện ban đầu của tinh thần khởi nghiệp.
Đặc biệt, những trải nghiệm thiệt thòi của cuộc sống miền núi còn giúp anh Hùng hiểu sâu sắc rằng, học tập chính là chiếc vé hạng A cho bất kỳ ai nếu muốn leo lên chuyến tàu thành công. Vì thế, anh luôn miệt mài đèn sách, xác định học tập trọn đời.
Tốt nghiệp THPT, nỗ lực chinh phục con chữ đã giúp anh Hùng sở hữu chiếc chìa khóa mở cánh cửa 3 ngôi trường đại học. Sau khi cân nhắc, anh gửi gắm giấc mơ của mình vào Trường Đại học Kinh tế Huế. Qua tầm nửa năm nhập học, nhận thức sâu sắc vai trò của tiếng Anh đối với một sinh viên kinh tế, anh Hùng tiếp tục thi và đỗ vào chuyên ngành Tiếng Anh, Trường Đại học Khoa học Huế.
Từ đó, chàng trai Quảng Trị thực sự bước vào một “cuộc đua”. Vậy mà, anh luôn hoàn thành tốt các bài thi, thường xuyên đạt học bổng và tốt nghiệp hai ngôi trường chính quy với tấm bằng như ý. Sau này, ước mơ được học tập nhiều hơn đã thôi thúc anh Hùng bước tiếp và hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ứng dụng IMC KREMS ở Áo.
Từ bỏ để đột phá
Với nụ cười thường trực trên môi, anh Hùng cho biết, thời trai trẻ mình từng chuyển đổi khá nhiều công việc, từ môi trường doanh nghiệp đến các tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế và cũng từng vài lần khởi nghiệp. Thực ra, với năng lực và kinh nghiệm sẵn có, anh Hùng không khó để tìm thấy một công việc ổn định.
Thế nhưng, những vị trí việc làm ngồi một chỗ, cho một tổ chức thường khó níu chân anh. Bởi, không đơn thuần làm việc vì thu nhập, anh Hùng luôn tìm kiếm những công việc tạo ra nhiều giá trị, có sức tác động đối với xã hội. Anh cũng luôn mong muốn được học tập, trải nghiệm, thử thách và cống hiến nhiều hơn.
Có thời điểm, anh Hùng được một doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn làm giám đốc điều hành cho công ty mới mở ở Việt Nam. Ở tuổi 30, đây có thể là vị trí mong muốn của rất nhiều người. Bản thân anh Hùng cũng tự thấy mình may mắn.
Tuy nhiên, khi bước vào guồng quay của công việc cũng là lúc người giám đốc trẻ khởi đầu hành trình “tỉnh thức”. Để có những thành quả, trong 3 năm liền, anh phải đối diện, vượt qua áp lực triền miên. Có lần, vừa về đến nhà, anh Hùng đã khuỵu xuống. Một câu hỏi xuất hiện trong đầu anh: “Chẳng lẽ mình cứ mãi tiếp tục cuộc đời như vậy sao?”.
Thế rồi, anh Hùng đã có một quyết định khiến nhiều người bất ngờ là tạm dừng công việc. Nói về điều này, anh cho biết, từ lúc tập trung điều hành, bản thân vẫn luôn muốn có thời gian dừng nghỉ để nhìn lại chặng đường đã qua và tìm ra nguyên lý vận hành mới, sáng tạo, hiệu quả. Anh hy vọng tìm ra lối đi an nhiên hơn, không chỉ cho doanh nghiệp mình điều hành mà cả cộng đồng, nhất là các doanh nhân ngoài kia. Anh biết, nhiều người trong số họ cũng đang ngụp lặn như mình đã từng.
Sau mỗi lần quyết định “làm lại từ đầu”, điều may mắn là những cơ hội mới lại đến với anh Hùng. Trong đó, cơ hội quý giá nhất chính là Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP). Chính niềm tin lớn và sự đau đáu đi tìm con đường đổi mới sáng tạo hơn trong cách làm mọi việc đã dẫn dắt anh Hùng đến với thông tin tuyển chọn quán quân đổi mới sáng tạo của IPP.
Sau khi nộp hồ sơ ứng tuyển và trải qua các vòng thi, anh xuất sắc trở thành một trong 10 quán quân đổi mới sáng tạo. Với kết quả này, anh Hùng bước vào khóa huấn luyện, đào tạo, thực tập kéo dài hơn 8 tháng.
“Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in cảm xúc không thể diễn tả bằng lời khi cầm trên tay tấm giấy chứng nhận chuyên gia tư vấn đổi mới sáng tạo do Đại sứ quán Phần Lan và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cấp. Tôi là người miền Trung duy nhất có vinh dự này”, anh Hùng cho biết.
Đau đáu với quê hương
Trải qua thời gian dài tôi rèn cùng các chuyên gia quốc tế đến từ châu Âu và Mỹ, anh Hùng cùng các quán quân khác sớm nhận thức sâu sắc sứ mệnh của mình là góp sức xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Không chút chần chừ, họ nhanh chóng bắt tay xây dựng và triển khai chương trình hành động. Bất kỳ tỉnh, thành nào cần hỗ trợ, các chuyên gia đều có mặt. Nhờ thế, hệ sinh thái khởi nghiệp ở một số địa phương đã hình thành, vận hành có hiệu quả.
Là Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới quốc gia phụ trách khu vực miền Trung, anh Hùng ý thức sâu sắc vai trò, nhiệm vụ của mình. Đến giờ, anh không thể nhớ hết số địa phương mà bản thân từng đồng hành, hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái hay tư vấn, đào tạo cho các cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp, giảng viên, doanh nhân...
Bao giờ cũng vậy, bài giảng của anh Hùng luôn có sức hút đặc biệt bởi đi từ thực tiễn sinh động và kinh nghiệm đúc kết từ nhiều năm. Từ nguyện vọng của học viên, năm 2018, anh đã cùng cộng sự thành lập Công ty Cổ phần Tư vấn đổi mới sáng tạo FiNNO.
Trong tháng ngày đồng hành với nhiều tỉnh, thành trên cả nước, điều khiến anh Hùng luôn canh cánh là chưa đóng góp được gì nhiều cho quê hương. Vì thế, mỗi lần tham gia chia sẻ tại các diễn đàn quốc gia, biết có đại biểu Quảng Trị đến dự, anh đều chủ động đến bắt chuyện, chia sẻ mong muốn trở về.
Gặp học viên người Quảng Trị nào tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện, anh phấn khởi như tìm thấy chính mình của nhiều năm về trước. Điều khiến anh Hùng dậy lên niềm tin là ngày có càng nhiều bạn trẻ đồng hương quan tâm đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đau đáu hướng về quê hương là vậy nên anh Hùng rất vui mừng khi nhận được lời mời tham dự hội thảo khoa học định hướng thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Trị đến năm 2025. Không chỉ vui vì được trở về, anh ấm lòng bởi thấy các cấp, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh đã quan tâm đến việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn đã mạnh dạn khởi nghiệp và gặt hái thành công dựa trên nền tảng khai thác, nâng tầm tài nguyên bản địa. “Từ kinh nghiệm, tôi nhận thấy, những mảnh đất còn nhiều khó khăn chính là thiên đường của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Vì thế, tôi sẽ cùng những người con xa quê có cùng chí hướng và các chuyên gia, nhà đầu tư trong mạng lưới dành hết tâm sức giúp Quảng Trị trở thành một điểm đến khởi nghiệp đáng ghi nhận trong bức tranh tổng thể hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia”, anh Hùng nói với ánh mắt tràn ngập niềm tin.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)