Ung thư tuyến nước bọt xuất hiện ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người.
Nhưng trên thực tế, nhiều bệnh nhân chủ quan không điều trị. Chỉ đến khi u to lên mới đi khám thì đã muộn.
Khối u vùng dưới hàm phải từ hơn chục năm không điều trị
Theo thông tin từ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân mắc ung thư tuyến nước bọt dưới hàm giai đoạn 4. Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó hơn chục năm về trước, bệnh nhân phát hiện khối u vùng dưới hàm phải, theo thời gian khối u to dần lên âm thầm, không gây khó chịu nên bệnh nhân cũng không khám và điều trị. Thời gian gần đây, u to lên nhanh và có dấu hiệu không di động thì mới đi khám.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được điều trị phẫu thuật cắt rộng u, tạo hình lại vùng dưới hàm do u xâm lấn rộng ra da và xạ trị sau mổ. Điều đáng tiếc là nếu bệnh nhân đến sớm thì việc điều trị phẫu thuật không quá phức tạp, thậm chí, sau khi phẫu thuật không cần điều trị thêm mà chỉ cần theo dõi, đặc biệt tiên lượng lại tốt. Tuy nhiên, do đến muộn nên điều trị phức tạp, tiên lượng cũng không được khả quan.
Hiếm gặp nhưng lại cực kỳ nguy hiểm
U tuyến nước bọt là loại khối u hiếm gặp có ở trong tuyến nước bọt tại khoang miệng, chiếm ít hơn 10% của tất cả các khối u đầu và cổ. Trong đó, ung thư tuyến nước bọt dưới hàm chỉ chiếm khoảng 8-15% trong tổng số người bệnh.
Ung thư tuyến nước bọt tuy là căn bệnh hiếm gặp nhưng lại cực kỳ nguy hiểm và có khả năng gây tử vong cao. Vì vậy, người bệnh cần lắng nghe cơ thể để phát hiện sớm các dấu hiệu và triệu chứng.
Các dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng ung thư tuyến nước bọt thường có các biểu hiện có cục hoặc sưng trong miệng, má, hàm hoặc cổ. Đau ở miệng, má, hàm, tai hoặc cổ mà không đỡ. Có sự khác biệt giữa kích thước và/hoặc hình dạng của bên trái và bên phải của khuôn mặt hoặc cổ trước khi có khối u. Tê ở một phần khuôn mặt. Yếu các cơ ở một bên mặt. Khó mở miệng rộng hơn. Có dịch bất thường chảy ra từ tai. Khó nuốt.
Theo nghiên cứu, khoảng 70-80% khối ung thư tuyến nước bọt xuất hiện ở khu vực mang tai. Khi mới bắt đầu xuất hiện, khối u sẽ không có biểu hiện gì nguy hại. Người bệnh cũng không thể phát hiện được các triệu chứng của ung thư tuyến nước bọt. Ban đầu, các tế bào ung thư xuất hiện ở khu vực mang tai và dần dần xâm lấn khu vực đầu khiến người bệnh cảm thấy tê liệt và nhức mỏi. Đồng thời sẽ xuất hiện những cục hạch to ở vùng mang tai, vùng đầu cũng như một số khu vực khác như họng, mũi...
Khối u xuất hiện ở dưới hàm chiếm khoảng 10-15% trên tổng số người bị bệnh ung thư tuyến nước bọt. Khi khối u xuất hiện ở vị trí này rất khó nhận biết và đến khi bệnh nhân ở giai đoạn nặng mới phát hiện một số triệu chứng như: miệng cảm thấy khó chịu, đau nhức thường xuyên; đau khi ăn uống. Một số trường hợp lưỡi bị tê cứng.
Triệu chứng ung thư tuyến nước bọt nhỏ sẽ xuất hiện ở vùng mũi, thanh quản... Người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu, mệt mỏi với các biểu hiện: ngạt mũi, khó thở; vùng khoang miệng bị đau nhức.
Một số dấu hiệu và triệu chứng trên cũng có thể gây ra bởi các khối u tuyến nước bọt lành tính (không phải ung thư) hoặc do các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ vấn đề nào trong số này, người bệnh cần phải đi khám chuyên khoa ung bướu để có thể được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Ung thư tuyến nước bọt trải qua 4 giai đoạn chính:
Giai đoạn I: Đây là giai đoạn mới bắt đầu các tế bào ung thư xuất hiện và chưa có bất cứ biểu hiện nào để người bệnh cảm nhận được.
Giai đoạn II: Các tế bào ung thư bắt đầu phát triển và lây lan sang một số vùng lân cận.
Giai đoạn III: Các tế bào ung thư phát triển mạnh mẽ và bệnh nhân cảm nhận được dấu hiệu mệt mỏi, đau nhức và khó chịu.
Giai đoạn IV: Giai đoạn cuối của ung thư tuyến nước bọt và bệnh nhân không có khả năng chữa trị cũng như cơ hội sống sót thấp.
(Nguồn: Sức khỏe & Đời sống)