Nửa nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do COVID-19 diễn biến phức tạp, hạn hán, mưa lũ gây hậu quả nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, nhưng các cấp hội nông dân trong tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực triển khai hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Phong trào đã khích lệ, động viên nông dân đổi mới nếp nghĩ, cách làm và khai thác tốt các điều kiện, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế.
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo, hằng năm, các cấp hội nông dân xây dựng kế hoạch để triển khai phong trào và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ với nhiều giải pháp phù hợp, thiết thực. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tích cực vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện chủ trương của tỉnh về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương. Triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới vào sản xuất, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo 6 cây, 2 con chủ lực của tỉnh, tạo những vùng sản xuất chuyên canh, liên kết, áp dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều điển hình như mô hình trang trại tổng hợp của ông Cáp Quốc Hà, xã Hải Chánh (Hải Lăng) với 157 ha rừng trồng, cây ăn quả, cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thu nhập 1,25 tỉ đồng/năm; ông Thái Thúc Quốc ở xã Tà Rụt (Đakrông) với mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp cho lợi nhuận mỗi năm từ 700 - 800 triệu đồng; ông Võ Văn Thới ở Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt (Gio Linh) đánh bắt thủy hải sản và kinh doanh ngư cụ, thu nhập mỗi năm 1,8 tỉ đồng…
Trên địa bàn các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông, với sự hỗ trợ của các nguồn vốn khuyến nông, nhiều nông dân đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Được sự hỗ trợ từ chương trình trao lợn giống, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học theo hướng hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Hội Nông dân thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông thực hiện, gia đình ông Nguyễn Văn Thành, ở Khóm 2, thị trấn Krông Klang triển khai mô hình chăn nuôi lợn bằng đệm lót sinh học. Với quy mô 30 con lợn giống thương phẩm, mô hình có kinh phí đầu tư là 247 triệu đồng, trong đó người dân đối ứng 30%. Ông Thành cho biết, mô hình chăn nuôi lợn bằng đệm lót sinh học có nhiều ưu điểm như giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất, hạn chế nguy cơ dịch bệnh và chi phí phòng, điều trị bệnh, giảm lượng thức ăn, rút ngắn thời gian nuôi và có lượng phân hữu cơ rất lớn để bón cho cây trồng.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trong hai năm qua, hội nông dân các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị, doanh nghiệp triển khai tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân. Đã có 1.216 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và hàng trăm buổi hội thảo đầu bờ giúp nông dân nắm bắt kiến thức về chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật trồng và bảo quản rau an toàn, ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, sử dụng máy nông nghiệp...
Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Công thương hỗ trợ các cơ sở mộc mỹ nghệ ở Phường 1 (thành phố Đông Hà), các xã Triệu Ái, Triệu Hòa (huyện Triệu Phong), thị trấn Krông Klang (Đakrông), xã Phong Bình (Gio Linh)… đưa thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức 11 lớp tập huấn sử dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất và xử lý môi trường, cung cấp 350 kg chế phẩm vi sinh cho hội viên nông dân dùng làm đệm lót sinh học, ủ phân và xử lý môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Các cấp hội phối hợp với các viện khoa học, trung tâm, các doanh nghiệp, các ngành xây dựng nhiều mô hình trình diễn, đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Tổ chức cho cán bộ, hội viên đi tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh để có điều kiện triển khai nhân rộng. Nông dân đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hiệu quả, xây dựng thành công 112 mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, gắn sản xuất, kinh doanh nông nghiệp với du lịch nông thôn. Đó là các mô hình sản xuất như: Tiêu Cùa, gà Cùa, bột sắn dây, tinh bột nghệ, cao dược liệu, nước mắm… Toàn tỉnh có 53 sản phẩm nông nghiệp được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao, 46 sản phẩm đạt 3 sao.
Đóng vai trò không nhỏ trong việc hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tổ chức cho nông dân tham gia các hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hội chợ nông sản. Hội Nông dân tỉnh và nhiều huyện, thị, thành hội tổ chức gian hàng trưng bày nông sản an toàn tại các lễ hội, hỗ trợ đăng ký, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm như chuối, bơ Hướng Hóa, rượu men lá Ba Nang (Đakrông), rượu cần Nhất Hùng, dưa hấu ở các xã Vĩnh Tú, Vĩnh Giang (Vĩnh Linh), Phong Bình (Gio Linh)... Đồng thời chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Văn Bến cho biết: “Trong nửa nhiệm kỳ qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa lớn. Các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, nhất là hoạt động hỗ trợ vốn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp được đẩy mạnh, xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình, nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Trong thời gian tới, các cấp hội chú trọng việc vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, nông nghiệp hữu cơ, kinh doanh nông nghiệp gắn với du lịch. Hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Tổ chức giới thiệu, trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nông dân”.
Cùng với việc tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ công tác hội, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh chú trọng công tác vận động nông dân liên kết để tập trung ruộng đất nâng quy mô sản xuất, hình thành và mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh, đầu tư phát triển những cây, con chủ lực, có lợi thế của từng địa phương. Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao, giúp hội viên, nông dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất. Vận động nông dân tham gia tích cực vào chương trình OCOP, tham gia thành lập mới tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)