Nhóm của chúng tôi gồm năm bạn nữ, làm đủ ngành nghề tự do. Mỗi quý, chúng tôi cùng sắp xếp công việc để lên lịch cho một cuộc hành trình. Khi trào lưu “vừa đi du lịch vừa gieo hạt” được lan tỏa, nhiều cá nhân, nhóm, hội hưởng ứng bởi những giá trị về việc tái tạo màu xanh cho bầu sinh quyển.
“Thay vì vứt các hạt vào thùng rác, xin hãy rửa sạch, phơi khô, sau đó giữ chúng trong giấy báo. Bất cứ khi nào bạn đi du lịch hoặc đi đâu, hãy mang chúng đi và vứt chúng vào đất, như đất ven đường, đất trống, đất hoang tại các vùng quê... Những hạt giống này sẽ dễ dàng nảy mầm khi mùa mưa tới”, chủ nhân của sáng kiến, Vũ Cát Cát chia sẻ trên trang cá nhân của mình. Hưởng ứng phong trào, tôi và các bạn cũng đã chuẩn bị sẵn những hạt giống tốt lành, thế nhưng không may dịch Covid lần nữa bùng phát, nội bất xuất ngoại bất nhập, chúng tôi trở thành những người trẻ bị chôn chân.
Từng đọc ở đâu đó rằng, nếu không thay đổi được hoàn cảnh thì ta có thể thay đổi thái độ khi đối mặt với hoàn cảnh đó. Nhóm chúng tôi rỉ tai nhau hay mình cũng trồng cây, nhưng là trồng cây quanh nhà, xung quanh nơi chúng ta đang sống.
Nếu như trên những ngọn đồi hoang rộng lớn, nắng, mưa, gió và đất sẽ thay ta nuôi dưỡng và tưới tắm cho đám cây khôn lớn thì trong một không gian nhỏ hơn, chính lòng yêu thương và sự chăm chút, chính hơi người ấm áp sẽ giúp những mầm xanh cựa quậy và vươn mình. Ngoài ra, khi trồng cây ở phạm vi gần, chúng ta không chỉ “cho” mà đôi khi còn được “nhận” nhiều hơn. Ta có thể nhận ra hình dáng của một ngọn gió trời thông qua lần rung ngân khe khẽ của những đường gân. Nếu tinh ý chọn lựa thì có rất nhiều giống cây còn tỏa ra mùi thơm, những loại hương tinh dầu đặc biệt giúp con người tỉnh táo và khoan khoái. Dưới tán cây chính là căn phòng spa giúp ta thư giãn và buông bỏ mọi muộn phiền. Hay nữa, trong một buổi chiều êm, khi phố ngoài kia vắng lặng vì thưa người, ta trầm mình vào bóng râm của những chiếc lá để mường tượng và níu giữ những ký ức đẹp đẽ về thời thơ ấu ngỡ đã vụt mất tự bao giờ.
Ngày xưa, ở quê, nhà nội tôi có một khu vườn tạp. Gọi là tạp vì nó có đủ loại cây và nó được trồng bởi nhiều người. Sau một lần ăn ngon, ông nội sẽ giữ lại hạt giống loài mít Thái, chờ một cơn mưa rồi gieo xuống đất. Bà thì thích trồng những loài cây có mùi như sả, như chanh,... và các loài hoa. Riêng mợ cứ vài ngày lại giém giém mấy đọt lang, mấy cây rau húng quế vào chỗ đất ẩm xung quanh giếng nước. Thì thế, rõ ràng là có loại sau vài hôm có thể ăn ngay, có cây cần chờ vài tháng, như cây của ông thì chờ đến cả chục năm. Thế nhưng mỗi lần nghe đến việc trồng cây và gieo hạt, sẽ chẳng ai nề hà và tỏ thái độ cấp tập, mong ngóng. Trồng cây với nội, với mợ cứ như một sự quen tay.
Quảng Trị sẽ tổ chức Tết trồng cây năm 2021 tại bờ Bắc sông Thạch Hãn
Trồng và chiết xuất thành công tinh dầu từ cây hương nhu
Thật sự, tôi không hình dung nổi cuộc sống con người sẽ ra sao nếu trên trái đất chỉ còn lại sa mạc. Nhưng có lẽ tôi biết tâm trạng của hầu hết mọi người sẽ thế nào nếu không gian xung quanh chúng ta được lấp đầy bởi màu xanh và sự sống của những mầm cây, tán lá. Đó là một thế giới an yên và mát lành bởi những bóng râm. Là một thế giới hứa hẹn những chỗ trú ngụ an toàn cho muôn loài nhờ lá phổi xanh khổng lồ biết thanh lọc không khí. Là một thế giới đẫm sắc của hoa và hương thơm của trái chín, nơi mà mọi xúc giác của con người sẽ được đánh thức, khai mở, đền đáp trọn vẹn và tươi nguyên.
Vậy thì, trong những ngày ở nhà trốn dịch, các thành viên trong mỗi gia đình nhỏ hãy cùng động viên nhau trồng thêm những cái cây. Con trai nhỏ trồng cà chua bi, chị hai trồng những cây hành thơm tho trên tấm xốp ẩm, bố kết giàn bên hông ngôi nhà trồng hoa đậu biếc, còn những người mẹ, nếu không may hết đất và hết không gian để gieo hạt thì họ vẫn có thể ủ luôn mấy mầm giống về lòng nhẫn nại, thiện lành,… vào bên trong tâm hồn mình.
Mỗi ngày không ngừng nuôi dưỡng, vun xới, chắc hẳn một ngày không xa, hương thơm và mật ngọt của những yêu thương, sự tử tế sẽ tràn đầy, lan tỏa và tưới tắm cho toàn bộ gia đình. Tôi tin bên cạnh sự hữu ích của những liều vắcxin phòng bệnh thì nguồn năng lượng tích cực được bào chế từ lòng yêu thương và sự tử tế cũng sẽ giúp con người tạo ra những kháng thể có lợi và cần thiết, để chúng ta đối mặt với những cơn đại dịch, khủng hoảng một cách bền bỉ nhất.
Những ngày ở nhà, ta hãy trồng một cái cây. Cây sẽ dạy chúng ta bài học về sống chậm, bài học về sự đâm chồi sau giông bão, về nguồn sức mạnh để bắt đầu dựng xây điều gì đó phải luôn nằm ở chính bộ rễ. Chúng ta chỉ có thể xuất phát từ nơi ta đang đứng chứ không phải là nơi ta hướng về. Hãy bắt đầu chắt chiu từ những điều khó khăn, cằn cỗi và bình dị nhất để nuôi dưỡng bao tán lá, mầm xanh, dâng lên những mùa hoa thơm và quả ngọt.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)