Vào mùa mưa bão, công tác phòng chống COVID-19, ngăn chặn việc xuất nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới càng gian nan gấp bội phần. Nếu như có không ít trường hợp vẫn tìm cách vượt biên trái phép theo đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới Quảng Trị thì một số khác lại nhắm đến đường sông, qua con sông Sê Pôn. Chính vì thế, một số người chèo thuyền, lái đò trên sông được móc nối hoặc trở thành mắt xích không thể thiếu trong hoạt động của đối tượng tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép thời gian qua.
1. Vụ án Ng.T.K. (sinh năm 1984), trú tại huyện Vĩnh Linh cùng 3 đồng phạm khác bị Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Trị đưa ra xét xử mới đây về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” là một ví dụ điển hình. Trong số các bị cáo, có P. (sinh năm 1977), trú tại huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào. 2 trường hợp còn lại là K.H. (sinh năm 1981) và K.V. (sinh 1986), đều trú tại huyện Hướng Hóa, là lao động tự do tại khu vực giáp biên xã Tân Thành. P. mưu sinh bằng nghề lái đò máy chở hàng, chở người và phương tiện qua về sông Sê Pôn.

P. không có tiền án tiền sự nhưng xét về nhân thân, vào năm 2009 từng bị TAND tỉnh Quảng Trị xử phạt 7 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý”. Sau khi chấp hành xong, P. về lại bản bên bờ sông Sê Pôn, làm nghề lái đò máy, chở chuối, sắn, cả người và xe máy qua về sông Sê Pôn, chủ yếu là các bến đò ở xã Tân Thành. Cuộc sống bình yên như thế cho đến khi COVID -19 bùng phát, khiến công việc mưu sinh thường ngày của P. dừng lại, đời sống trở nên chật vật. Tại phiên tòa,
P. cho biết, bình thường người dân xã Tân Thành, Tân Long, Lao Bảo… sang thuê rẫy trồng chuối, sắn tại Lào rất lớn nên công việc dù vất vả vẫn cho thu thập ổn định. Tiền công chở người và phương tiện mỗi lượt là 10 ngàn đồng, chở sắn cũng chỉ 10 ngàn đồng, riêng chuối là 20 ngàn đồng/lượt. Khi COVID - 19 ập đến, cửa khẩu đóng, đường biên được kiểm soát chặt, P. chật vật kiếm miếng cơm.
Theo hồ sơ và lời khai tại tòa, vào tháng 11/2020, K. nhận lời đưa 3 người muốn sang Lào để tìm việc, tiền công là 7 triệu đồng/người. K. gọi điện cho P. đợi thời điểm để đón người sang Lào bằng đò máy. Giữa lúc khó khăn, P. nhận lời. Chuyến đò của P. nhanh chóng đưa nhóm vượt biên sang bờ, sau đó họ lên chuyến đò máy khác tiếp tục hành trình. Ngày hôm sau, P. sang xã Tân Thành nhận tiền công 3,3 triệu đồng từ H. và mang về trả cho người lái đò chở nối tiếp là 1,7 triệu đồng. Đây là vụ việc trót lọt, được P. và K. tự thú sau khi phi vụ sau bị đổ bể. Cụ thể, đầu tháng 12/2020, có người tên là Duy Minh (trú Hải Lăng) liên hệ với K. để tìm cách đưa sang Lào.
Cũng như lần trước, K. liên hệ với P. để đưa người sang Lào bằng đò máy qua sông Sê Pôn, tiền công chưa nói cụ thể. Theo hẹn, khách sẽ đến bến đò ở địa bàn xã Tân Thành để P. chở sang. Cùng ngày này, P. liên hệ với V. chở giúp 3 người khách quê Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Nghệ An đến bến đò thuộc địa phận xã Tân Thành để đưa sang Lào. V. gọi thêm H. để cùng chở, tổng tiền công là 150 ngàn đồng. H. và V. mới chở khách tới bến đò, chưa kịp sang thì nhóm người trên bị lực lượng chức năng phát hiện. Kế hoạch đưa người tên Duy Minh sang sông cũng đổ bể, P. và K. sau đó bị bắt.
Trong 3 vụ trên, chỉ có 1 vụ ngày 18/1/2020 là trót lọt, nhưng hành vi của các bị cáo đã đủ cấu thành tội danh tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép. Quá trình lượng hình và xem xét vai trò, tính chất phạm tội, nhân thân và hoàn cảnh từng bị cáo, Tòa tuyên phạt P. 4 năm tù; K. 3 năm 6 tháng tù; H. 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; V. 16 tháng cải tạo không giam giữ.
2. Nếu như vụ án trên là đưa người xuất cảnh thì vụ án do Ng.V.D. (sinh năm 1981), trú tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An và H.V.R (sinh năm 1978), trú tại huyện Hướng Hóa lại tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép từ Lào về trong bối cảnh COVID-19 phức tạp. Nhưng phương thức cũng “mượn” sông Sê Pôn để đưa khách hồi hương nhằm lấy tiền công. Nơi được chọn là khúc sông qua địa bàn xã Thanh, huyện Hướng Hóa.
D. vốn là lao động tại Lào, còn R. sinh sống ở tuyến Lìa, nhà bên con sông Sê Pôn. Khi chưa có dịch bệnh, R. cũng hay sang bên kia biên giới để thăm thân, có khi làm rẫy. Con đò là phương tiện không thể thiếu để qua lại và chở nông sản. Trên cơ sở điều tra, xác minh được, vào tháng 1/2021, có 6 người dân quê Nghệ An đang lao động tại Viêng - Chăn (Lào) muốn hồi hương mà không phải bị cách ly phòng, chống COVID - 19 nên liên hệ với D. để tìm cách nhập cảnh trái phép, thoả thuận mỗi người 6 triệu đồng.
D. liên hệ với R. và hẹn chập tối 5/1/2021 sẽ đưa người qua sông Sê Pôn bằng đò, tiền công 400 ngàn Kip/người. Sau khi gặp nhau tại huyện Sê Pôn, D. cùng 6 người quê Nghệ An di chuyển đến bản Denvilay huyện Sê Pôn để xuống bờ sông, đối diện khu vực xã Thanh. R. chèo đò, mỗi chuyến đưa 3 người sang sông và được D. trả cho hơn 2,5 triệu tiền Kip. Cũng chính R. dùng xe máy chở nhóm 3 người ra Quốc lộ 9 và nhờ một người khác giúp chở nốt số khách còn lại thì bị Bộ đội Biên phòng Quảng Trị phát hiện.
Ngày 14/1/2021, D. bị Công an huyện Tà Ôi, tỉnh Salavan (Lào) bắt giữ và chuyển lực lượng chức năng Quảng Trị tiếp nhận giải quyết. Các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn. Bị cáo D. có nhiều tình tiết giảm nhẹ được áp dụng, Tòa đã tuyên phạt D. 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng. Bị cáo R. mức án 20 tháng tù.
Ở thời điểm này, khi không còn bao xa nữa là cận kề Tết Nguyên đán, số người có nhu cầu tìm việc làm sau thời gian dài thất nghiệp vì COVID-19 hay hồi hương sớm để đoàn tụ gia đình ngày càng tăng. Chính vì thế, những vụ án trên là bài học cảnh tỉnh cho bất kỳ ai bất chấp quy định phòng chống dịch, vượt biên trái phép.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)