Có một thực tế là công nghệ thông tin ngày càng phát triển, đời sống càng được nâng cao thì văn hóa đọc của người dân lại ít được chú trọng. Song, tại các thư viện huyện vẫn có những người miệt mài bảo quản sách, báo, tài liệu; lặng thầm lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Họ là những nhân viên thư viện.
Ngày 18/4/2022, Trường THPT Gio Linh (Quảng Trị) trở nên rộn ràng, náo nhiệt hơn ngày thường. Hôm ấy, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gio Linh phối hợp với nhà trường tổ chức chương trình “Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4”. Tại chương trình, có trên 2.000 quyển sách được trưng bày với nội dung liên quan đến lịch sử đảng bộ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban tổ chức cũng trao tặng nhiều đầu sách cho 3 trường học trên địa bàn huyện. Ít ai biết rằng, để chương trình được tổ chức thành công, trước đó vài ngày, nhân viên thư viện huyện Gio Linh Bùi Thị Thanh Thủy đã chuẩn bị, vận chuyển và tỉ mẩn sắp xếp sách thành các mô hình để phục vụ bạn đọc.
Chị Thủy được phân công phụ trách Thư viện huyện Gio Linh từ năm 2015 đến nay. Hiện tại, thư viện có gần 3.000 bản sách, nhiều loại báo, tạp chí. Chị Thủy phân loại sách theo thể loại nên bạn đọc có thể tìm kiếm dễ dàng và nhanh chóng. Đối tượng đến mượn sách chủ yếu là cán bộ hưu trí và học sinh. Ông Trương Quốc Việt (sinh năm 1957) ở thị trấn Gio Linh cho biết: “Tôi thường xuyên đến thư viện huyện để mượn sách đọc. Sách ở thư viện huyện rất phong phú, cách sắp xếp ngăn nắp, thuận lợi cho việc tìm kiếm. Ngoài ra, tôi còn được nhân viên thư viện giới thiệu những quyển sách hay, sách mới và hướng dẫn tận tình trong việc tìm kiếm sách, báo, tài liệu. Là cán bộ hưu trí nên việc đọc sách, báo giúp tôi cập nhật thông tin, rèn luyện trí não”.
Những người thích đọc sách, thường xuyên đến thư viện đã quá quen thuộc với hình ảnh chị Thủy ân cần hướng dẫn người đọc mượn sách. Công việc hằng ngày của chị là sắp xếp, bố trí sách, cho mượn sách và tu sửa lại những quyển sách bị hư hỏng. Ngoài ra, chị Thủy còn góp phần mở rộng phạm vi hoạt động của thư viện bằng cách hướng dẫn nghiệp vụ xử lý tài liệu cho thư viện cơ sở; thường xuyên hỗ trợ, trao tặng sách cho các tủ sách ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn…
Từ những việc làm tích cực của chị Thủy đã tạo sức lan tỏa và hỗ trợ đắc lực cho các địa phương có điều kiện xây dựng, phát triển các thư viện, tủ sách; phục vụ nhu cầu đọc sách, tìm kiếm các thông tin về hướng dẫn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người dân.
“Mặc dù cơ sở hạ tầng của thư viện cơ bản đáp ứng được công tác lưu trữ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản sách, báo, tài liệu. Số lượng đầu sách còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. Vì vậy, tôi mong muốn cấp trên quan tâm, hỗ trợ về cơ sở vật chất và bổ sung thêm sách để phục vụ bạn đọc tốt hơn”, chị Thủy chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hương Giang, nhân viên Thư viện huyện Vĩnh Linh là một trong những người có thâm niên trong nghề. Bởi tính đến nay chị làm việc tại thư viện huyện đã 22 năm. Hiện nay, Thư viện huyện Vĩnh Linh có khoảng 10.000 đầu sách. Nhiều năm qua, ngoài công việc chuyên môn phục vụ bạn đọc tại thư viện, chị Giang thường xuyên phối hợp tổ chức các hội thi về xếp sách, kể chuyện theo sách... để lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng.
Trước thực tế ngày càng ít người tìm đến thư viện đọc và mượn sách, chị Giang trăn trở tìm giải pháp để lan tỏa văn hóa đọc. Chị tích cực phối hợp tổ chức các hội thi giới thiệu sách để lồng ghép tuyên truyền, vận động người dân về lợi ích của sách. Từ đó, người dân hiểu được rằng sách là nguồn kiến thức vô tận. Đọc sách là cách tốt nhất để tiếp thu văn hóa, làm giàu thêm vốn hiểu biết của bản thân.
Một trong những việc làm của chị Giang góp phần làn tỏa phong trào đọc sách được người dân ghi nhận là phục vụ sách lưu động. Chị tự mình sắp xếp sách lên xe máy rồi vận chuyển về các thôn, xã phục vụ bạn đọc.
“Đó là một ngày đầu năm 2016. Thấy người đến thư viện mượn sách ngày càng ít nên tôi tìm hiểu và biết được tại các thôn, xã vẫn có nhiều em nhỏ, thanh niên, cụ già thích đọc sách nhưng vì khoảng cách địa lý, công việc gia đình nên họ không có điều kiện tiếp cận sách, báo. Vì vậy, tôi quyết định chở sách trên chiếc xe máy cũ của mình để đem sách về tận nơi cho bạn đọc mượn. Để thực thiện trôi tròn, tôi phối hợp với lực lượng đoàn viên, thanh niên địa phương”, chị Giang nhớ lại.
Nhờ “tủ sách lưu động” của chị Giang mà bạn đọc ở nhiều lứa tuổi tại các thôn, làng xa xôi, hẻo lánh được tiếp cận với sách, báo, tạp chí. Việc phục vụ sách lưu động được chị Giang thực hiện liên tục trong 3 năm. Đến năm 2018, vì nhiều lý do khách quan nên chị tạm ngưng. Chị Giang chia sẻ rằng sẽ tiếp tục đưa sách về với người dân ở các thôn, xã khi có điều kiện.
Qua tiếp xúc, tìm hiểu và trò chuyện, tôi hiểu được niềm vui của chị Thủy, chị Giang hay nhiều nhân viên thư viện khác là thấy bạn đọc đến với thư viện để mượn sách; trao đổi kinh nghiệm đọc sách; chia sẻ về những cuốn sách hay với bạn bè, đồng nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay số lượng bạn đọc đến mượn sách tại các thư viện ngày càng ít đi. Đó là mặt trái của việc công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển nhanh chóng. Khi mỗi người đều có điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy vi tính thì họ có thể tìm đọc, kiểm tra thông tin ở mọi nơi, mọi lúc.
Với nỗ lực lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng, lưu giữ văn hóa đọc truyền thống, những nhân viên thư viện trên địa bàn tỉnh đang ngày đêm lặng thầm tuyên truyền, vận động người dân đọc sách, tiếp cận thông tin để góp phần nâng cao dân trí, làm tốt đẹp thêm đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)