Những nồi cháo nghĩa tình nơi biên cương

Trúc Phương |

Được triển khai từ giữa tháng 2/2020, mô hình “Nồi cháo nghĩa tình” do cán bộ, chiến sĩ Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị phối hợp với Công đoàn Cơ sở 2 Tà Rụt, Trung tâm Y tế huyện Đakrông tổ chức thực hiện không chỉ làm ấm lòng những bệnh nhân nghèo mà còn góp phần thắt chặt nghĩa tình quân - dân nơi biên cương.

Đã hơn một năm qua, nhiều bệnh nhân điều trị tại Cơ sở 2 Tà Rụt, Trung tâm Y tế huyện Đakrông (Cơ sở 2 Tà Rụt) đã quen với hình ảnh người lính quân hàm xanh xuất hiện cùng những nồi cháo nóng hổi, đủ chất dinh dưỡng. Đây là món quà ý nghĩa của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Cơ sở Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) La Lay và Công đoàn Cơ sở 2 Tà Rụt phối hợp thực hiện thông qua mô hình “Nồi cháo nghĩa tình” để dành tặng cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại đây. Cầm bát cháo còn nóng hổi trên tay, bà Hồ Thị Dê (sinh năm 1962), ở thôn Ro Ró 1, xã A Vao xúc động nói: “Nhà tôi nghèo lắm, mọi ngày không được ăn cháo bò, cháo gà như thế này. May nhờ có các chú bộ đội biên phòng phát cháo, tôi vừa được no cái bụng, vừa được bồi bổ để nhanh khỏe lại”. Ngồi đối diện bà Dê, ông Hồ Y Rế (sinh năm 1957), sống tại thôn Ta Hy, xã Tà Long cũng tấm tắc khen ngợi: “Cháo do các chú bộ đội nấu rất ngon. Chúng tôi thấy vui, cảm ơn mọi người nhiều lắm”.

Bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nhận cháo từ “Nồi cháo nghĩa tình” - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP​
Bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nhận cháo từ “Nồi cháo nghĩa tình” - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP​

Được biết, mô hình “Nồi cháo nghĩa tình” được 2 đơn vị bắt tay thực hiện từ giữa tháng 2/2020, nguồn kinh phí chủ yếu do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT La Lay và cán bộ, nhân viên Cơ sở 2 Tà Rụt đóng góp. Nói về sự ra đời của mô hình “Nồi cháo nghĩa tình”, Đại úy Nguyễn Xuân Trường, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng CKQT La Lay cho biết: “Cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người dù ốm nặng nhưng nhất quyết không đi bệnh viện để điều trị vì không đủ tiền ăn uống hằng ngày. Thấu hiểu nỗi khổ của bà con, chúng tôi quyết định phối hợp xây dựng mô hình mang nhiều ý nghĩa này để chia sẻ phần nào khó khăn của đồng bào”.

Ban đầu, mô hình “Nồi cháo nghĩa tình” được dự định thực hiện luân phiên giữa 2 đơn vị theo định kỳ 2 lần/ tháng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn điều trị tại Cơ sở 2 Tà Rụt rất lớn mà chừng ấy suất ăn thì không đủ. Vậy là đến tháng 6/2020, Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng CKQT La Lay quyết định bổ sung thêm 2 nồi cháo nữa, duy trì mô hình đều đặn 4 lần/tháng. Có dịp chứng kiến các cán bộ, chiến sĩ đơn vị tự tay nấu cháo, chúng tôi không khỏi xúc động trước tình nghĩa quân - dân nơi vùng cao biên giới này. Để nấu được nồi cháo thơm ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng, ngay sau giờ làm việc, mỗi người một tay tất bật chuẩn bị sẵn nguyên vật liệu. Điều thú vị ở đây, dù là hoạt động của đoàn thanh niên nhưng mọi người, là đoàn viên hay không cũng đều hào hứng tham gia.

Từ nguồn nguyên liệu đơn vị sản xuất được như thịt lợn, thịt gà, rau màu và thực phẩm do các chiến sĩ mua từ chợ từ hôm trước, vào sáng thứ 6 hằng tuần, những người lính lại tất bật dậy từ 4 giờ sáng để nấu kịp giờ mang cháo đến cho các bệnh nhân. Vừa nhanh tay trút cháo vào thùng giữ ấm, binh nhất Phan Văn Anh Tuấn vừa vui vẻ nói: “Từ đơn vị đến Cơ sở 2 Tà Rụt chừng 17 cây số toàn đường toàn đèo dốc mất nhiều thời gian nên phải bảo quản cháo như thế này. Còn nhớ trong trận lũ lịch sử tháng 10/2020 vừa qua, do mưa lớn kéo dài gây sạt lở nhiều nơi nên chúng tôi không thể vận chuyển cháo bằng xe được. Thế là mọi người thay nhau đi bộ bê cháo đến những đoạn an toàn rồi mượn xe máy của người dân đi tiếp. Dù vất vả nhưng nghĩ đến niềm vui của các bệnh nhân khi được nhận cháo, chúng tôi cảm thấy vô cùng ấm lòng, cứ mong chờ đến thứ ngày 6 hằng tuần để đến thăm mọi người”.

Đại úy Nguyễn Duy Danh, Bí thư Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng CKQT La Lay cho biết, thời gian qua, nhờ chủ động được nguồn lực nên dù dịch bệnh hay thiên tai, mô hình “Nồi cháo nghĩa tình” vẫn được thực hiện đều đặn. Tuy nhiên, để duy trì, phát triển tốt hơn, mô hình này cần có sự đóng góp, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm. “Chúng tôi quyết tâm tiếp tục phối hợp triển khai mô hình ý nghĩa này, và đang tính đến khả năng tăng tần suất phát cháo cho bệnh nhân lên 2,3 lần/tuần để giúp đỡ thiết thực hơn cho những hoàn cảnh khó khăn nếu đủ khả năng. Đây không chỉ là sự động viên, chia sẻ đối với đồng bào nghèo mà còn là việc làm ý nghĩa để thắt chặt hơn tình nghĩa quân - dân nơi biên cương”, Đại úy Danh khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nhớ món cháo cá “vạt giường” Quảng Trị

Thái Hòa |

Với những người Quảng Trị xa quê, khi nhắc đến món ngon quê mình, chắc hẳn nhiều người thường nhớ về món bánh canh cá lóc hay còn gọi là cháo bột, cháo “vạt giường”, đây là món ăn đặc trưng, dân dã mà ngon đến chi lạ. Trong những ngày cuối đông giáp Tết, khi hướng mắt về quê xa càng thêm nhớ hương vị nồi bánh canh đặc sản.

Nghĩ từ việc “nấu cháo” cho bò ăn

Tùng Lâm |

Những đợt mưa lũ lịch sử tháng 10 vừa qua làm thiệt hại rất lớn về người và tài sản của Nhân dân. Hầu hết trên tất cả các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nhưng ngành nông nghiệp là chịu tổn thất nặng nề nhất. Sau mưa lũ, cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân khẩn trương khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Nhưng cũng từ thực tiễn đã làm lộ ra nhiều vấn đề mà lâu nay cứ nghĩ là an toàn, thuận lợi, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nên chưa lường định đến. Câu chuyện nuôi bò nhốt chuồng dưới đây là một ví dụ.

Cháo vạc giường Diên Sanh trên dặm dài thiên lý

Lê Thị Thu Thanh |

Hẳn những ai qua Quảng Trị không thể không đến Thành Cổ một thời hoa lửa. Sao không xuôi về phía nam thêm 10 km nữa, ghé vào Diên Sanh (Hải Lăng) thưởng thức tô cháo bột Diên Sanh đậm chất quê nhà? 

“Nồi cháo tình thương” ấm lòng người bệnh của nữ nhà báo hưu trí

Phương Nga - Kỉnh Ngọc |

Cứ như thường lệ, đúng 5h30 sáng những suất cháo thơm ngon, nóng hổi lại được gia đình nữ Nhà báo Ngô Phương Mai mang đến phát tận tay cho những người bệnh đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).