Những suất cơm miễn phí trong ngày đông lạnh giá

Kim Anh - Phạm Đông |

Mỗi suất cơm nóng của bà Cao Thị Ánh Tuyết tuy không lớn lao, không nhiều nhưng cũng đủ làm ấm lòng biết bao con người vô gia cư, lao động nghèo, người lang thang các góc phố phường của Hà Nội.

Đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn

Những ngày này, Hà Nội chìm trong giá lạnh, rét buốt, ai nấy đi ra ngoài đường đều trùm kín cơ thể để giữ ấm. Thế nhưng, cứ đều đặn mỗi buổi chiều, trên con phố Trần Bình Trọng gần Công viên Thống Nhất, vẫn có bóng dáng một người phụ nữ không quản ngại gió rét phát cơm miễn phí cho người vô gia cư. Đó là bà Cao Thị Ánh Tuyết (50 tuổi, trú tại phố Lê Duẩn, phường Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội).

Mặc cho thời tiết lạnh giá, đều đặn mỗi tối bà Cao Thị Ánh Tuyết lại nấu cơm mang tận tay cho người vô gia cư. Ảnh: Kim Anh
Mặc cho thời tiết lạnh giá, đều đặn mỗi tối bà Cao Thị Ánh Tuyết lại nấu cơm mang tận tay cho người vô gia cư. Ảnh: Kim Anh

Bà Tuyết cho biết, vào hồi tháng 4, lúc dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khi đó đi dọc các tuyến đường, bà thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn và rất đáng thương. Kể từ khi đó, 5 buổi một tuần, cứ vào 18h tối, những suất cơm nóng lại được bà trao đến tận tay người vô gia cư và lao động nghèo.

Thời gian đầu, bà Tuyết chỉ dừng lại ở 20 rồi 30 suất cơm. Sau đó, do có nhiều người biết đến, con số này đã tăng lên đến hơn 100 suất cơm mỗi tối. Tiền cơm hoàn toàn do bà Tuyết chi trả, thi thoảng mới nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ từ bạn bè.

“Mỗi chuyến xe chở cơm, nhìn thấy mọi người vui mừng cầm trên tay suất cơm nóng hổi là tôi hạnh phúc lắm. Bởi ở đây có rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn, éo le, có những cụ già 70, 80 tuổi vẫn phải lang thang ngoài đường mỗi ngày. Tối đến họ lại tìm một góc nhỏ nào đó trên phố phường để dừng chân”, bà Tuyết chia sẻ.

Những suất cơm do chính tay bà Tuyết làm và đóng hộp.
Những suất cơm do chính tay bà Tuyết làm và đóng hộp.

 Trong căn nhà riêng trên đường Lê Duẩn, ngày nào bếp lửa nhà bà Tuyết cũng sáng từ 5 giờ sáng cho đến tối đêm. Bà vừa là người đi chợ, vừa là người nấu cơm. Món ăn bà thay đổi theo từng ngày để mọi người đỡ chán. Bởi bà tâm niệm rằng, với những người vô gia cư, một suất cơm nóng trong thời tiết giá lạnh là điều vô cùng quý giá đối với họ.

Cứ vào 18h hàng ngày, những suất cơm nóng đến tận tay người vô gia cư và lao động nghèo.
Cứ vào 18h hàng ngày, những suất cơm nóng đến tận tay người vô gia cư và lao động nghèo.

Ước mơ được cứu người

Theo bà Tuyết, công việc phát cơm miễn phí bà mới chỉ bắt đầu làm cách đây gần 1 năm. Tuy nhiên, trước đó, trong suốt 17 năm qua, bà đã gắn bó và làm công việc thiện nguyện giúp đỡ những mảnh đời khó khăn.

“Ngày còn nhỏ, gia đình khó khăn nên tôi luôn ao ước, mong muốn sau này lớn lên sẽ làm công việc cứu người”, bà Tuyết tâm sự.

Thế rồi, nồi cháo thiện nguyện đầu tiên của bà bắt đầu tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Thái Bình. Rồi sau những bát cháo đó lan rộng ra những bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa tại Hà Nội. Đều đặn mỗi sáng, nhóm từ thiện cháo Tuyết Phong lại có mặt ở các cổng bệnh viện, mang từng suất cháo đến người bệnh.

Trong suốt 17 năm qua, bà Tuyết đã làm cầu nối kêu gọi bạn bè, các mạnh thường quân giúp đỡ cho hàng trăm trường hợp khó khăn, trẻ mồ côi, người đói nghèo, bất hạnh,… Người phụ nữ ấy ở độ tuổi 50 nhưng lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm làm sao có thể giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh nhất.

Với bà Tuyết, việc làm thiện nguyện là ước mơ và cũng là đam mê của bản thân. Do đó, bản thân bà Tuyết sẽ giúp đỡ mọi người cho đến khi nào không còn đủ sức làm việc nữa.

Bà Nguyễn Thị Dần – Chủ tịch hội Người cao tuổi phường Trung Phụng, quận Đống Đa cho biết, ở địa phương, bà Tuyết là người có tấm lòng hảo tâm, gặp hoàn cảnh khó khăn nào là bà lại sẵn sàng giúp đỡ.

Những người vô gia cư rất cảm ơn khi được nhận các suất cơm nóng, miễn phí.
Những người vô gia cư rất cảm ơn khi được nhận các suất cơm nóng, miễn phí.

“Đợt COVID-19 vừa qua, bà Tuyết đã ủng hộ, giúp đỡ rất nhiều người dân bằng những tạ gạo, nước mắm, cá khô. Mỗi buổi tối, hàng trăm suất cơm từ thiện do chính tay bà ấy làm được đưa đến tận nơi cho người vô gia cư. Còn buổi sáng bà Tuyết lại bắt đầu công việc phát cháo miễn phí cho 3 bệnh viện Hà Nội. Công việc của bà ấy đã giúp đỡ và cứu sống cho biết bao hoàn cảnh éo le”, bà Dần nói.

(Nguồn: Báo Lao Động)

TAGS

“Đã thành cơm rồi”, sao lấy lại gạo?

Trần Anh Ngọc |

Việc xử phạt hành chính kèm biện pháp tháo dở, cưỡng chế đối với các doanh nghiệp bất động sản xây dựng trái phép, sai phép chưa bao giờ thuyết phục hay đủ sức răn đe.

Quảng Trị: Những suất cơm ấm tình mùa lũ

Hữu Phúc |

Ngày 18.10, Đoàn Thanh niên Công ty Điện lực Quảng Trị đã tổ chức nấu và gửi 300 suất cơm đến hộ dân đang ngập lụt.

Phát hàng nghìn suất cơm miễn phí cho bệnh nhân ở khu cách ly Đà Nẵng

Thanh Nga |

“Khoảng ba giờ sáng mỗi ngày, chúng tôi cùng nhau nấu hàng trăm suất ăn. Tuy mệt mỏi nhưng mọi người nhìn nhau và ai nấy đều cười hạnh phúc vì đã hoàn thành bữa cơm cho các bệnh nhân trong khu cách ly tại bệnh viện Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng”, chị Lê Sao Mai, thành viên trong nhóm thiện nguyện chia sẻ.

Những suất cơm đong đầy yêu thương

Minh Hiền |

Hiện nay trên địa bàn thành phố Đông Hà (Quảng Trị) có rất nhiều khu cách ly dành cho công dân Việt Nam từ Lào, Thái Lan trở về. UBND thành phố đã chọn bếp ăn tập thể của Trường Tiểu học Hàm Nghi làm nơi nấu ăn cho những người ở khu vực cách ly.