Năm học mới 2021 - 2022 sắp sửa bắt đầu, dù còn muôn vàn khó khăn, nhưng bằng tấm lòng yêu trẻ và nhiệt huyết với nghề, các thầy cô giáo ở vùng miền núi phía Tây huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) vẫn đang từng ngày nỗ lực vượt qua để mang trọn niềm vui của năm học mới đến với học sinh thân yêu.
Một ngày tháng 8, Hiệu trưởng trường Mầm non Vĩnh Hà, xã Vĩnh Hà, Lê Thị Linh gọi điện vui mừng thông báo với chúng tôi, từ tháng 5/2021 điểm trường trung tâm đã có trụ sở mới. Vừa ngỏ lời mời chúng tôi ghé thăm, cô Linh vừa nói: “Vui lắm em, vậy là sau nhiều năm mong đợi, từ nay cô, trò đã được dạy và học trong ngôi trường mới sạch đẹp, khang trang”. Nhận lời mời của cô, trong chuyến công tác lên phía Tây huyện Vĩnh Linh, chúng tôi ghé thăm nhà trường. Hiện hữu trước mắt chúng tôi, giữa núi rừng xanh ngát, ngôi trường nổi bật với màu vàng tươi rực rỡ.
Dẫn chúng tôi đi tham quan khuôn viên nhà trường, vào tận các phòng học còn thơm mùi vôi vữa, cô Linh cho biết: “Nhà trường hiện có 1 điểm trung tâm và 3 điểm lẻ đóng tại các thôn, bản vùng lập nghiệp. Tại điểm trung tâm, trước đây chỉ có 2 phòng học tạm và 1 phòng mượn của nhà thôn. Đến năm 2003, thì được đầu tư xây dựng thêm dãy nhà cấp 4, gồm 2 phòng học và 2 phòng làm việc. Sau 18 năm đưa vào sử dụng, cơ sở vật chất đã xuống cấp, phòng học vào mùa mưa thì ẩm thấp, mùa hè thì nóng nực. Bên cạnh đó khu vực hoạt động ngoài trời rất chật hẹp, không đảm bảo điều kiện dạy và học. Thấu hiểu khó khăn của cô và trò, năm 2020, điểm trường trung tâm đã được đầu tư xây dựng. Ngôi trường mới này chính là nguồn động viên to lớn để cô và trò tiếp tục bám lớp, bám trường, nâng cao chất lượng giáo dục”.
Cô Linh cũng xúc động chia sẻ: “Để đem đến niềm vui trọn vẹn cho các em học sinh trong năm học mới, từ đầu tháng 6/2021, các cô giáo đã tiến hành trang trí môi trường trong và ngoài lớp; tranh thủ thời gian làm thêm đồ dùng, đồ chơi; xây dựng vườn rau xanh để vừa phục vụ bữa ăn bán trú cho trẻ vừa tạo điều kiện cho trẻ có nơi vui chơi, tìm hiểu khám phá thiên nhiên”.
Niềm vui là vậy, nhưng vẫn còn đó rất nhiều khó khăn đang hiện hữu, làm cho cán bộ, giáo viên cắm bản luôn trăn trở. Một thực trạng từ nhiều năm nay vẫn cứ diễn ra đó là trẻ không chịu đến trường, nhất là trẻ ở các điểm trường lẻ. Nguyên nhân được xác định, do đường sá đi lại khó khăn, địa hình chia cắt bởi các dãy núi cao và suối sâu; Nơi đây hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống đại bộ phận người dân còn quá khó khăn, có khi miếng ăn còn không đủ; phụ huynh thì chưa quan tâm lắm tới việc học của con. Chính vì vậy mà con đường đến trường của các em hết sức gian nan.
Cô Linh bộc bạch, để “kéo” học sinh đến lớp, năm nào cũng vậy, các cô phải chia nhau đi đến từng nhà để vận động. Không ít giáo viên rơi vào cảnh dở khóc, dở cười khi đến nhà, phụ huynh không tiếp. Có người viện lý do: Cho con ở nhà còn trông em, bố mẹ làm việc mới có thóc, ngô mà ăn. Đi lớp học chữ có cái gì để ăn… không đi học đâu. Nhưng mà rồi mưa dầm thấm lâu, giáo viên cần mẫn thuyết phục gia đình, kể chuyện lớp, chuyện trường cho học sinh rồi cha mẹ cũng hiểu, trẻ thích ra lớp. Năm học 2021 - 2022 này cũng vậy, ngay từ những ngày đầu tháng 8, cán bộ, giáo viên nhà trường đã phải đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động học sinh và phụ huynh. Ngoài ra, nhà trường luôn kết nối, huy động sự chung sức của các mạnh thường quân để cùng hỗ trợ về tiền ăn, đồ dùng học tập, áo quần cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Cố gắng bằng mọi cách để các em được đến trường.
Cùng chung niềm trăn trở đó, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Vĩnh Ô, Hồ Văn Hải cho hay: “Nhà trường hiện có 3 điểm trường. Mỗi điểm cách nhau chừng 12 - 15km với nhiều khúc sông suối. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn rất nhiều. Điểm trường trung tâm cũng chỉ có 6 phòng học nhưng đã xuống cấp. Về mùa mưa, mái của các phòng bị dột nát, ẩm ướt. Nhiều phòng học chưa đủ trang thiết bị để phục vụ dạy học. Tại các điểm trường lẻ cũng không có phòng học, phải mượn tạm nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc nhà nội trú của giáo viên để làm nơi giảng dạy. Cũng vì thế mà nhiều học sinh có tâm trạng chán nản, không muốn tới lớp. Đó là chưa kể đến đời sống vẫn còn quá khó khăn, nên phụ huynh không “mặn mà” với việc học của con”.
Thầy Hải bộc bạch: “Để học sinh tới lớp đầy đủ, phương án tối ưu nhất vẫn là phải đi về tận ngõ, gõ tận nhà tuyên truyền, vận động”. Với giọng nói đặc trưng mà hiền hòa như tình đất, tình người xứ sở, Thầy Hải nói thêm, do là địa bàn vùng cao nên việc đi lại rất khó khăn, để vận động học sinh tới trường thì giáo viên phải mất nhiều thời gian và công sức. Bà con thường đi làm nương ở xa nên phải tranh thủ đến vào buổi trưa hoặc chiều tối, ngoài ra nếu gặp được phụ huynh ngoài đường thì các giáo viên cũng tranh thủ ngồi lại lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ rồi mới lựa lời để vận động, tuyên truyền. Phân tích rõ lợi ích của việc học, lấy gương những người thành đạt ở xã làm dẫn chứng... Thậm chí, còn hứa sẽ giúp phụ huynh làm việc nhà để... “bù lỗ” khoảng thời gian con em họ đến lớp. Đối với những học sinh lớp 3,4,5 ở bản 5, muốn các em đến trường thì từ sáng sớm, đích thân các thầy cô giáo phải đến nhà chở, các em mới chịu đi học. “Rất vất vả nhưng vì thương trò, nên tất cả Thầy, Cô đều cố gắng vượt qua”, Thầy Hải chia sẻ.
Khi chúng tôi hỏi, điều mong mỏi nhất trong năm học mới ? Thầy Hải nói rằng: “Các thầy cô ở đây chỉ mong các em có một thư viện đúng nghĩa với nhiều loại sách và trang thiết bị chứ không phải chỉ có vài cuốn như bây giờ. Hơn nữa, do ảnh hưởng của đợt lũ cuối tháng 10/2020, giờ đây phòng thư viện không thể sử dụng được nữa”. Nhắc đến đây, Thầy Hải trăn trở: “Chỉ có cơ sở vật chất tốt học sinh mới tin tưởng theo học, cơ sở vật chất không tốt sao phụ huynh dám giao con cho mình”.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Linh Lê Thanh Hải cho biết: “Tại các xã miền núi đặc biệt khó khăn, để chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục huyện đã chỉ đạo các trường làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất từ sớm. Cùng với trường Mầm non Vĩnh Hà, hiện nay các điểm trường thuộc Trường Mầm non Vĩnh Khê đang được đầu tư, nâng cấp; trường Tiểu học Vĩnh Ô cũng đã xây dựng hoàn thiện nhà ăn bán trú cho trẻ. Bên cạnh đó, Phòng chỉ đạo các Nhà trường tích cực với hội cha mẹ học sinh cũng như chính quyền địa phương tuyên truyền để bà con đưa con em đến trường. Trong việc bố trí nguồn nhân lực, ngoài đội ngũ giáo viên hiện có, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đang tiến hành tuyển dụng nhằm bổ sung đội ngũ giáo viên có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho các trường trên địa bàn; đồng thời, tổ chức các hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, giáo dục đầu năm học mới cho cán bộ, giáo viên đảm bảo kịp thời, có hiệu quả”.
Sự nghiệp trồng người nơi miền Tây Vĩnh Linh sẽ còn đó thật còn nhiều gian nan, vất vả; con đường chạm tới ước mơ của các em học sinh dường như vẫn còn rất dài và khó khăn, thế nhưng, bằng sự nỗ lực của các thầy các cô giáo cùng sự quan tâm của ngành giáo dục địa phương chắc chắn những hạt giống ước mơ sẽ nảy mầm và vươn xa, vươn cao trên những khô cằn sỏi đá.