Những năm gần đây, số lượng trẻ em tự kỷ, khiếm khuyết chức năng được ghi nhận trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tương đối cao. Để góp phần giúp các em được can thiệp kịp thời, sớm hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh đã tổ chức mô hình can thiệp tập trung cho đối tượng trẻ em “đặc biệt” này.
Gần 10 năm nay, ngôi nhà tại địa chỉ số 4 Lê Hữu Trác, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều bậc phụ huynh và các trẻ em có hoàn cảnh “đặc biệt”. Hầu hết các em đều không may mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn học tập, tăng động và khiếm khuyết các chức năng như nghe, nói...
Chia sẻ với chúng tôi, chị Trần Thị Mỹ Hạnh (sinh năm 1989), giáo viên trực tiếp can thiệp cho hay: “Vài năm trở lại đây, số phụ huynh đưa trẻ đến nhờ can thiệp ngày càng đông. Có trẻ được đưa tới đây khi tình hình đã trở nặng, gần như không thể biểu đạt được mong muốn bằng cả lời nói lẫn hành động, gọi không trả lời. Cũng có những trẻ chỉ mới bắt đầu có biểu hiện. Thường thì căn cứ vào độ tuổi và khả năng của trẻ, chúng tôi sẽ đưa ra phương pháp can thiệp sao cho phù hợp”.
Lớn lên trong gia đình có chú là người khuyết tật, lại từng tình cờ xem một phóng sự cảm động về cuộc sống của trẻ tự kỷ khiến chị Hạnh đã lựa chọn học ngành giáo dục đặc biệt và làm công việc giúp đỡ những đứa trẻ tự kỷ, khiếm khuyết chức năng. Chị bộc bạch: “Thời điểm đó, biết tôi chọn học ngành giáo dục đặc biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh, gia đình, bạn bè khuyên ngăn rất nhiều. Nhưng biết làm sao được, tôi đã chọn và quyết tâm thực hiện ngành nghề mình đã chọn cho đến cùng”.
Sau khi tốt nghiệp, chị ở lại Thành phố Hồ Chí Minh tìm kiếm công việc để trau dồi kinh nghiệm cho bản thân, mãi cho đến năm 2012 thì quyết định trở về quê hương. Ban đầu, chị Hạnh chỉ đến tận nhà, thực hiện các bài tập can thiệp cho trẻ. Sau này, được sự hỗ trợ của Hội LHPN thị trấn Hồ Xá, chị cùng một số giáo viên khác trên địa bàn thực hiện can thiệp tập trung, tiếp nhận can thiệp từ 12 - 14 trẻ/đợt, đến từ nhiều nơi khác nhau trong toàn huyện. 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên số lượng trẻ được thực hiện can thiệp mỗi đợt chỉ khoảng 6 - 7 em.
Niềm hạnh phúc lớn nhất của chị Hạnh và các cô giáo của lớp chính là nhìn thấy các trẻ khuyết tật tiến bộ lên từng ngày. Điển hình như trường hợp của em G.B. mắc chứng tăng động, giảm chú ý, được đưa đến lớp can thiệp từ lúc 3 tuổi rưỡi. Nhờ thực hiện điều trị kịp thời, giờ đây em đã có thể đi học như bao đứa trẻ khác, lại còn hát rất hay, thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ do nhà trường tổ chức. Hôm đến thăm lớp can thiệp của chị Hạnh, chúng tôi cũng có dịp gặp và trò chuyện cùng ông N.T.M, một phụ huynh của lớp. Được biết, cháu nội của ông bị điếc bẩm sinh, phải cấy điện cực ốc tai vào đầu mới có thể nghe được.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đến khi cháu lên 3 tuổi mới được thực hiện phẫu thuật cấy điện cực ốc tai. “Khi mới đưa đến lớp, cháu tôi hoàn toàn không biết gì. Nhưng nhờ sự can thiệp của các cô suốt 2 năm qua, giờ nó đã có thể gọi tên người thân trong nhà, nhận biết được đồ vật xung quanh. Gia đình tôi mừng lắm”. Được biết không chỉ có G.B. hay cháu nội của ông M. mà những năm qua, rất nhiều trẻ tự kỷ, khiếm khuyết chức năng trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã được chị Hạnh cùng các cô giáo hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.
Theo Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hồ Xá Lê Thị Đông, Hội LHPN thị trấn đã tổ chức mô hình can thiệp này nhằm phần nào giúp cho các bậc phụ huynh và đặc biệt là đối tượng trẻ em kém may mắn được hỗ trợ kịp thời. Thời gian qua, Hội LHPN thị trấn đã thường xuyên động viên về mặt tinh thần, hỗ trợ thêm dụng cụ dạy học cho các cô; đến thăm và tặng quà vào các dịp 1/6, tết Trung thu cho các em nhỏ của lớp.
“Đến thời điểm hiện tại, mô hình can thiệp trẻ tự kỷ trên địa bàn thị trấn đã và đang phát huy được hiệu quả. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với phụ huynh và các em học sinh đang điều trị tại lớp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất với Hội LHPN cấp trên và chính quyền địa phương để mở rộng quy mô của mô hình, giúp cho nhiều trẻ tự kỷ trong thị trấn nói riêng và toàn huyện nói chung sớm hòa nhập cộng đồng”, chị Đông cho biết.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)