Nỗ lực tạo điều kiện đưa người lao động trong tỉnh ra nước ngoài làm việc

Võ Khánh Linh |

Nếu thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại thời điểm xảy ra COVID-19 là một “bức tranh” ảm đạm, thì đầu năm 2022, trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đã có “gam màu sáng”.

Khi các nước bắt đầu nới lỏng quy định về người nhập cảnh, thị trường XKLĐ dần được khơi thông. Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực để tạo điều kiện đưa người lao động trong tỉnh sang nước ngoài làm việc, từng bước phục hồi thị trường XKLĐ. Thế nhưng, để thị trường XKLĐ thật sự khởi sắc cần rất nhiều yếu tố, trong đó nâng cao chất lượng lao động là một trong những mục tiêu hàng đầu.


Thị trường XKLĐ từng bước phục hồi

Đánh giá về tiềm năng, cơ hội để người lao động tỉnh Quảng Trị sang nước ngoài làm việc trong năm nay, Trưởng Phòng Lao động, Việc làm và An toàn lao động - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Lê Văn Trắc nhận định: “Đầu năm 2022, thị trường XKLĐ đang dần phục hồi sau một thời gian dài “đóng băng” do dịch bệnh. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp nước ngoài là rất lớn mà nguồn cung lao động trong tỉnh lại khá tiềm năng. Rất nhiều lao động chăm chỉ, siêng năng, chịu khó muốn sang nước ngoài làm việc. Thông qua nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ người lao động, trong 3 tháng đầu năm, tỉnh Quảng Trị đã có 114 lao động được sang các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc làm việc. Mục tiêu trong năm nay, tỉnh sẽ đưa khoảng 1.200 - 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài”.

Một lớp đào tạo ngoại ngữ cho lao động chuẩn bị đi làm việc tại nước ngoài - Ảnh: V.K.L
Một lớp đào tạo ngoại ngữ cho lao động chuẩn bị đi làm việc tại nước ngoài - Ảnh: V.K.L

Ông Trắc cũng thông tin thêm, thời gian qua, Sở LĐ,TB&XH đã đẩy mạnh tìm kiếm, lựa chọn và phối hợp với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các thị trường XKLĐ uy tín, chất lượng để tư vấn, kết nối, giúp người lao động có nhiều lựa chọn việc làm, thu nhập cao, phúc lợi tốt khi sang nước ngoài làm việc. Đồng thời, tạo điều kiện cho những lao động khó khăn tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng thương mại. Cùng với đó, xây dựng những chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, người có công tham gia XKLĐ.

Sắp có lịch bay sang Nhật Bản làm việc vào tháng 5, anh Võ Đình Quyết, ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong bày tỏ: “Năm 2020, tôi đăng ký sang Nhật làm việc với ngành nghề hàn và bảo trì. Tuy nhiên dịch bệnh bùng phát nên tôi không thể xuất cảnh. Suốt một thời gian dài ở nhà chờ việc khiến tôi và gia đình hết sức lo lắng, sốt ruột bởi vì số tiền vay ngân hàng để chuẩn bị đi XKLĐ khá lớn. Cũng may, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận lao động ngoài nước nên tôi như trút được gánh nặng. Sau bao ngày chờ đợi, tôi vui mừng vì cuối cùng cũng sắp được bay. Hy vọng sau khi sang nước bạn làm việc, tôi có thể học hỏi thêm được nhiều kỹ thuật tiên tiến, trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiểu thêm về văn hóa, lĩnh hội thêm nhiều kiến thức, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn, để khi trở về Việt Nam tiếp tục làm việc và phát triển tay nghề”.

Thời gian qua, nhằm giúp lao động tiếp cận được thông tin về XKLĐ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tập trung khai thác, cập nhật và tổ chức tuyên truyền, cung cấp thông tin thị trường XKLĐ qua các trang mạng xã hội, kênh thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, in ấn tờ rơi, pa nô, băng rôn để dán, treo, cung cấp thông tin thị trường lao động và các thông tin liên quan cho các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương và người lao động.

Thực hiện chỉ đạo của Sở LĐ,TB&XH về tuyển sinh, đào tạo ngoại ngữ cho người lao động có nhu cầu đi XKLĐ tại thị trường Hàn Quốc, trung tâm đã tích cực tuyển sinh, tổ chức đào tạo để dự nguồn tham gia các kỳ thi tiếng Hàn. Hiện nay, trung tâm đang duy trì một lớp dạy tiếng Hàn với số lượng gần 50 học viên. Tổ chức đăng ký cho 277 lao động có nguyện vọng tham dự kỳ thi tiếng Hàn Quốc theo chương trình EPS đợt 1 trong ngành sản xuất chế tạo và ngư nghiệp, dự kiến tổ chức thi vào năm nay. Thời gian tới đây, trung tâm dự định sẽ tổ chức các buổi truyền thông tại các địa phương để có cơ hội đối thoại trực tiếp, tư vấn và kết nối người lao động với các doanh nghiệp uy tín.

Phó Trưởng Phòng Thông tin thị trường lao động và Giới thiệu việc làm- Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nguyễn Ngọc Hà cho biết: “Thị trường XKLĐ đầu năm nay tuy còn nhiều thách thức nhưng song hành với đó cũng là cơ hội. Những lao động trong tỉnh sang nước ngoài làm việc chủ yếu ở các ngành nghề như điện tử, may mặc, cơ khí, thực phẩm, trang trí nội thất, xây dựng, nông nghiệp… Trước đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu tuyển dụng lao động thấp nên cơ hội để trúng tuyển đơn hàng đi làm việc ở các nước rất khó khăn. Nhưng hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động sau dịch của các doanh nghiệp nước ngoài là rất lớn, các đơn hàng tốt, chi phí giảm, tạo nhiều cơ hội cho người lao động. Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ của nhà nước, các thủ tục vay vốn, các quy trình, thủ tục hồ sơ được giảm bớt các khâu. Hy vọng trong thời gian tới, thị trường lao động sẽ ngày càng khởi sắc”.

Cần nâng cao chất lượng lao động

Nhằm chuẩn bị “hành trang” tốt nhất khi ra nước ngoài làm việc, anh Trần Minh Kỳ, ở xã Phong Bình, huyện Gio Linh chia sẻ: “Với mong muốn sang Hàn Quốc làm việc với ngành nghề sản xuất chế tạo, tôi đăng ký học lớp tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã hơn một tháng. Ban đầu khi mới làm quen với ngôn ngữ mới, tôi thấy rất khó khăn vì còn nhiều bỡ ngỡ. Nhưng tôi vẫn kiên trì học hỏi và cố gắng trau dồi nên việc học được cải thiện hơn rất nhiều. Đối với việc chuẩn bị tay nghề thì tôi cảm thấy khá yên tâm, vì trước đây tôi từng đi XKLĐ ở Đài Loan với ngành nghề sản xuất chế tạo, nên bây giờ nếu được sang Hàn Quốc làm việc, tôi tin có thể đáp ứng yêu cầu công việc và chủ động nâng cao trình độ chuyên môn của mình”.

Trên thực tế, bên cạnh nguồn nhân lực chất lượng tốt, vẫn còn có một bộ phận người lao động ngoại ngữ yếu, trình độ tay nghề và ý thức làm việc kém vẫn được đưa sang nước ngoài làm việc. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động bỏ việc ra ngoài cư trú, làm việc bất hợp pháp, vi phạm pháp luật trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Những điều này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của lao động Việt Nam.

Nâng cao chất lượng đội ngũ lao động sẽ góp phần làm đẹp hình ảnh người lao động Việt Nam đối với các nước tiếp nhận lao động Việt. Do đó, đối với người lao động muốn sang nước ngoài làm việc cần phải chủ động chuẩn bị “hành trang” cho mình về khả năng tài chính, tay nghề, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm, sức khỏe, cùng với đó là tinh thần cao, có khát vọng làm việc, tính kỷ luật tốt để không để xảy ra trường hợp trốn việc ra ngoài làm. Người lao động càng được chuẩn bị kỹ càng thì họ càng dễ thích nghi và gắn bó với doanh nghiệp, có nhiều cơ hội phát triển.

Muốn nâng cao chất lượng lao động cần phải có giải pháp cụ thể. Đó là cần tạo nguồn lao động có trình độ chuyên môn thông qua việc đẩy mạnh đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng sống, bồi dưỡng tay nghề cho người lao động. Làm tốt việc kết nối giữa các doanh nghiệp XKLĐ với các trường đào tạo nghề để tuyển chọn và đào tạo lao động. Giám sát chặt chẽ công tác tuyển chọn, đào tạo lao động của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải trực tiếp tuyển chọn người lao động và phải tuyển đúng đối tượng.

Bên cạnh đó, có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ người lao động khi sang nước ngoài làm việc, hướng đến các thị trường uy tín, tiềm năng. Cần giáo dục định hướng cho người lao động, nhằm nâng cao nhận thức về XKLĐ. Tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác XKLĐ, định hướng và đào tạo nghề nghiệp trong các cơ sở dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm. Không ngừng tìm kiếm, khai thác, mở rộng thị trường để nâng cao cơ hội cho người lao động.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bùi Văn Lũy cho biết: “Đối với lao động có sự chuẩn bị tốt về năng lực trước khi sang nước ngoài làm việc sẽ mở ra rất nhiều cơ hội. Sự chuẩn bị chu đáo này được kỳ vọng sẽ giúp người lao động nhanh chóng hòa nhập, làm quen với công việc và thành công hơn khi sang nước ngoài làm việc. Bên cạnh đó, khi trở về nước, họ là nguồn nhân lực chất lượng cao nhờ hội tụ các yếu tố về ngoại ngữ, tay nghề, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, mở ra một cơ hội mới cho bản thân cũng như phục vụ cho xã hội. Thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng lao động, trung tâm đã nỗ lực làm tốt công tác tư vấn, định hướng và liên kết với các công ty, doanh nghiệp để đào tạo nghề và dạy ngoại ngữ cho người lao động. Xây dựng đội ngũ người lao động chất lượng cao để tham gia XKLĐ là một trong những mục tiêu mà trung tâm luôn ưu tiên hàng đầu”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nhiều thiệt thòi cho người lao động nếu lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần

Thanh Trúc |

Do tác động tiêu cực của COVID -19 đến thị trường lao động, hiện nay, tình trạng người lao động (NLĐ) mất việc làm, nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần có xu hướng gia tăng. Đây là lựa chọn khiến NLĐ chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi, cần cân nhắc khi quyết định. Phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn Phó Giám đốc BHXH tỉnh Mai Thanh Bình về vấn đề này.

Người lao động được nghỉ 4 ngày liên tiếp dịp lễ 30/4 - 1/5

Thanh Mai |

Trong những ngày nghỉ lễ trên, người lao động được hưởng nguyên lương.

Những thủ tục hưởng BHXH một lần năm 2022 người lao động cần biết

Thanh Mai |

Khi tính mức hưởng BHXH một lần trong trường hợp thời gian đóng BHXH có tháng lẻ, thì từ 1 tháng đến 6 tháng được tính là nửa năm.

Lãnh bảo hiểm xã hội một lần, người lao động có thể mất hàng trăm triệu đồng

Thanh Mai |

Theo đại diện BHXH Việt Nam, chính sách của Nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu.