Nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Xuân Vinh |

Tính đến tháng 6/ 2021, toàn tỉnh Quảng Trị có 400 trường mầm non, phổ thông và các trung tâm, trong đó có 379 trường công lập và 21 trường tư thục với 173.703 học sinh, 14.467 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 

Đến nay, có 193/368 trường (chỉ tính khối trường công lập) đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 52,4%, trong đó mầm non 92/147 trường, tiểu học 38/67 trường, tiểu học và trung học cơ sở 34/80 trường, THCS 19/43 trường, THPT 10/24 trường, THCS&THPT 0/7 trường. Như vậy, tính đến nay chỉ có 52,4% trường đạt chuẩn quốc gia, trong lúc đó chỉ tiêu UBND tỉnh Quảng Trị đề ra là 77%. Nguyên nhân là do chu kỳ kiểm định chất lượng và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia 5 năm một lần. Đến hết năm 2020, các trường đạt chuẩn quốc gia trong năm 2015 đã hết thời gian được công nhận phải thực hiện đánh giá lại theo quy định. Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất của nhiều trường không đáp ứng theo quy định nên khó đạt chuẩn quốc gia.

Cùng với đó, việc sáp nhập trường, lớp cũng bộc lộ nhiều bất cập như một số trường sau khi sáp nhập có nhiều điểm trường, khoảng cách các điểm trường khá xa gây khó khăn trong công tác quản lý; giáo viên tổng phụ trách đội khó khăn trong tổ chức hoạt động, theo dõi nền nếp học sinh, nhất là việc tổ chức chào cờ đầu tuần, tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp. Khi sáp nhập, đối với trường hạng I bậc tiểu học (có trên 18 lớp) ở miền núi có rất nhiều khu vực lẻ nhưng chỉ có 1 phó hiệu trưởng nên khó khăn trong quản lý, chỉ đạo chuyên môn. Lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng giáo dục có sự xáo trộn do việc sáp nhập trường; các trường mới sáp nhập phải thực hiện quy trình mới để đề nghị đánh giá ngoài và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Bộ máy cán bộ quản lý một số trường còn cồng kềnh, nhân viên thư viện, thiết bị, kế toán chưa được bố trí hợp lý, đặc biệt hiệu quả hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp chưa được cải thiện, một số giáo viên được điều động bố trí dạy khác cấp ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, một số chế độ chính sách cho giáo viên và học sinh trong một đơn vị có 2 cấp học còn chồng chéo; việc quản lý chỉ đạo và phân công chuyên môn ở các trường có nhiều điểm trường còn bất cập…

Trường Tiểu học số 2 thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời cho học sinh - Ảnh: X.V
Trường Tiểu học số 2 thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời cho học sinh - Ảnh: X.V

Mặt khác, cơ sở vật chất (CSVC) trường học ở nhiều địa phương, nhất là miền núi chỉ mới đáp ứng cho dạy học một buổi; một số đơn vị vẫn còn phòng học mượn, phòng học tạm nên các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động bán trú thực hiện hiệu quả chưa cao. Hiện toàn tỉnh còn gần 15% học sinh chưa được học 2 buổi/ngày, 9 buổi/tuần, riêng huyện Hướng Hóa học sinh học 2 buổi/ngày mới đạt 55%. Toàn tỉnh chỉ có hơn 23% học sinh bán trú, nguyên nhân là do CSVC phục vụ lớp bán trú chưa đáp ứng, nhà bếp, nhà ăn cho học sinh còn thiếu. Chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các vùng miền và các môn học, trong đó chất lượng học tập của học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh dân tộc thiểu số còn chênh lệch với học sinh vùng thuận lợi. Chất lượng giáo dục đại trà một số môn học còn thấp. Kỹ năng sống và khả năng vận dụng kiến thức vào cuộc sống của một số học sinh chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin nhiều trường học chưa đáp ứng để triển khai dạy học trực tuyến qua internet; đa số học sinh, giáo viên vùng sâu, vùng xa và một bộ phận học sinh, giáo viên vùng thuận lợi thiếu thiết bị dạy học qua mạng. Do điều kiện kỹ thuật của dịch vụ internet chưa đảm bảo vì số lượng một lần truy cập quá đông nên trong quá trình dạy học có lúc bị ngắt quãng do nghẽn mạng ảnh hưởng đến hiệu quả dạy học trực tuyến. Tính bảo mật internet chưa tốt nên có những tình huống không lường trước xảy ra trong quá trình dạy học ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng dạy của giáo viên. Một số giáo viên gặp nhiều khó khăn về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến. Mặc dù đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tăng cường về chất lượng, cơ cấu ngày càng hợp lý, tuy nhiên vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thừa giáo viên nhưng lại thiếu nhân viên ở các huyện đồng bằng, thừa giáo viên dạy văn hóa ở cấp tiểu học nhưng thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù, tự chọn…

Trước thực trạng đó, các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Đầu năm 2021, Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch số 29 về việc kết nối nguồn lực xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Bộ GD&ĐT kêu gọi tổ chức, cá nhân hỗ trợ các địa phương và cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới, hải đảo xây dựng, tu sửa trường lớp theo hướng đạt chuẩn quốc gia, hỗ trợ dạy học và giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bộ GD&ĐT chọn Quảng Trị là đơn vị đầu tiên để triển khai kế hoạch ở 20 trường gồm 10 trường mầm non, 5 trường tiểu học và 5 trường THCS tại huyện Hướng Hóa. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 95 ngày 18/5/2021 về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021- 2025.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, khối giáo dục công lập có 267 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 72,6%. Đối với khối các cơ sở giáo dục tư thục, khuyến khích việc chủ động thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia để khẳng định thương hiệu riêng của cơ sở giáo dục, góp phần giảm áp lực về số lượng và nâng cao chất lượng giáo dục địa phương. Quy hoạch mạng lưới trường, lớp hợp lý, ổn định lâu dài, phù hợp với tình hình biến động dân số và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó chú trọng việc sắp xếp thu gọn các điểm trường, đảm bảo quy mô và diện tích đất cho cơ sở giáo dục theo quy định. Tăng cường phân bổ vốn đầu tư của tỉnh từ nguồn vốn cho các trường đăng ký đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025. Xây dựng và ban hành quy chế quản lý, sử dụng CSVC của trường học các cấp. Đầu tư mới và nâng cấp CSVC, trong đó có thiết bị dạy học, phòng làm việc của tổ chuyên môn, phòng thí nghiệm thực hành, phòng học bộ môn, thư viện, nhà đa năng, công trình vệ sinh riêng cho học sinh, giáo viên. Việc xây dựng phải được quy hoạch cụ thể, đồng bộ, có lộ trình và thứ tự ưu tiên, tránh dàn trải, lãng phí…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thư ngỏ Tiếp sức đến trường của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam

Xanh EWEC |

Chương trình học bổng “Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường” là một chương trình mang tính xã hội nhân văn sâu sắc, có hiệu quả thiết thực nên đã nhận được sự đồng thuận hưởng ứng đầy trách nhiệm và tình cảm của các tổ chức, cá nhân giàu lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh Quảng Trị suốt 18 năm qua. 

Điểm thi Trường THPT Đakrông: 2 thí sinh trên 30 tuổi dự thi

Đ.V |

Tại điểm thi Trường THPT Đakrông, huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị), kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021 có tổng số 234 thí sinh dự thi, các em chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Điều đặc biệt là ở điểm thi này có 2 thí sinh dự thi trên 30 tuổi, đều đã lập gia đình nhưng vẫn quyết tâm thi đỗ tốt nghiệp với mong muốn sau này sẽ tìm kiếm được công việc thuận lợi và ổn định hơn.

Bổ sung 4 trường hợp không tính xét nâng bậc lương thường xuyên

T.L |

Đây là nội dung tại Thông tư 03/2021/TT-BNVsửa đổi chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) và người lao động (NLĐ).

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị được cấp chứng nhận đào tạo 42 ngành/nghề

Tú Linh |

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị Lê Thiên Vinh cho biết, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) vừa cấp chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho trường với 42 ngành/nghề. Trong đó có 8 ngành/nghề trình độ cao đẳng, 13 ngành/nghề trình độ trung cấp, còn lại sơ cấp.