Xuất khẩu lao động (XKLĐ) những năm trở lại đây không còn là chuyện xa lạ với nhiều người.
Bởi đó là một trong những con đường giúp họ vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập cho gia đình. Thế nhưng thay vì lựa chọn XKLĐ hợp pháp, một số người, trong đó có chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Cam Lộ lại tìm cách XKLĐ “chui” mà không lường trước hậu quả, rủi ro rình rập. Trước thực tế đó, từ năm 2019 đến nay, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Công an huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tổ chức mô hình “Phụ nữ Cam Lộ nói không với đi nước ngoài lao động trái phép”.
Thông tin từ Công an huyện Cam Lộ cho biết, giai đoạn 2011 - 2019, toàn huyện có hơn 230 trường hợp đi lao động nước ngoài, chủ yếu là lao động nữ làm việc tại Trung Quốc và Đài Loan. Trong đó, có khoảng 170 trường hợp xuất cảnh trái phép; 109 trường hợp đã trở về địa phương làm ăn sinh sống, 45 trường hợp vẫn còn lao động tự do, trái phép ở Trung Quốc, gia đình không liên lạc được; 16 trường hợp bị phía cơ quan chức năng của nước sở tại bắt giữ vì hành vi nhập cảnh trái phép, bị trục xuất, trao trả...
Riêng tại xã Cam Nghĩa có tổng cộng 68 lượt người XKLĐ bất hợp pháp sang Trung Quốc. Việc xuất khẩu lao động bằng con đường không hợp pháp khiến người lao động phải chịu nhiều hệ lụy. Quá trình làm việc, người lao động phải sống chui lủi, hạn chế đi lại, sinh hoạt để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng nước sở tại. Họ phải làm việc trong thời gian dài với cường độ cao. Nhiều trường hợp không may bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ phải chịu phạt tiền, phạt tù, ép buộc lao động không công, thậm chí đánh đập… sau đó đuổi về nước bằng đường tiểu ngạch. Bất chấp rủi ro đã được cảnh báo trước, tình trạng XKLĐ trái phép trên địa bàn này vẫn gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Không những thế, vấn đề này còn là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm như lừa đảo, bóc lột lao động, tống tiền, lợi dụng vận chuyển hàng cấm, làm gái mại dâm, buôn người, buôn bán nội tạng...
Vì mong muốn đổi đời mà nghe theo lời dụ dỗ sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp, đến thời điểm hiện tại, chị H.T.M.N., hiện đang sống tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, không sao quên được khoảng thời gian phải sống chui, sống lủi nơi đất khách quê người. Chị cho biết, xuất cảnh chui không những không tìm được việc làm mà còn bị bắt giam, khủng hoảng tinh thần và gia đình thì lo lắng tìm kiếm tin tức của người thân. Chị thấy may mắn khi vẫn còn có thể trở về nhà. “Giờ đây tôi không nghĩ đến việc XKLĐ trái phép nữa. Nếu có đi XKLĐ thì tôi cũng sẽ chọn con đường hợp pháp, được Nhà nước bảo hộ”, chị N. bày tỏ. Khác với hoàn cảnh chị N., đồng hương của chị là chị T. được đưa tới một gia đình người Đài Loan làm giúp việc. Không chỉ phải làm việc quần quật cả ngày với mức tiền công rẻ mạt mà chị còn bị gia đình chủ thường xuyên đánh đập. Chị chia sẻ: “Lúc đó, tôi chỉ mong sao giữ được mạng để trở về với với gia đình. Nếu biết trước hiểm nguy như vậy không bao giờ tôi đi. Làm việc ở quê tuy có vất vả nhưng vẫn an toàn hơn đi lao động chui”.
Với mục đích phòng ngừa việc phụ nữ XKLĐ trái phép, từ cuối năm 2019, Hội LHPN huyện Cam Lộ phối hợp với Công an huyện thực hiện mô hình điểm “Phụ nữ Cam Lộ nói không với đi nước ngoài lao động trái phép” tại xã Cam Nghĩa. Theo đó 2 ngành đã tập trung chỉ đạo cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân nói chung và cán bộ, hội viên phụ nữ nói riêng tuân thủ các quy định của pháp luật trong XKLĐ. Đồng thời tăng cường tuyên truyền cho phụ nữ nâng cao cảnh giác về việc môi giới hôn nhân bất hợp pháp nhằm đưa người đi lao động nước ngoài trái phép; kịp thời phát hiện các hoạt động lôi kéo đưa người đi lao động nước ngoài trái phép. Tư vấn liên hệ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện hoặc Sở LĐ-TB&XH để nắm thông tin khi người lao động có nhu cầu làm việc ở nước ngoài...
Sau thời gian dài đi vào hoạt động, mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực, được người dân và phụ nữ trên toàn huyện đồng tình ủng hộ. Số phụ nữ đi lao động trái phép ở nước ngoài có chiều hướng giảm; một số chị em phụ nữ trên địa bàn từ bỏ ý định đi lao động tại Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch; vận động 63 trường hợp lao động nữ từ Trung Quốc trở về địa phương (thông qua gia đình người lao động. Nhiều gia đình đang có ý định cho con em tham gia XKLĐ khi được tiếp cận những thông tin từ người thật, việc thật đã cảm thấy tin tưởng hơn, từ đó không lựa chọn đi XKLĐ theo đường tiểu ngạch. Từ hiệu quả thiết thực của mô hình mang lại, đến nay Hội LHPN huyện Cam Lộ đã nhân rộng trên địa bàn 8 xã, thị trấn.
Có thể thấy rằng mong muốn làm giàu bằng con đường xuất khẩu lao động là mong muốn và nguyện vọng chính đáng của người dân, được sự ủng hộ của Nhà nước với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện. Tuy nhiên, người dân cần phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết như ngoại ngữ, chuyên môn, nghề nghiệp (đối với lĩnh vực mà mình lao động), tìm hiểu pháp luật, phong tục, tập quán của quốc gia mà mình có ý định xuất cảnh để lao động; đồng thời, việc nghiên cứu kỹ các điều khoản, cam kết trong hợp đồng lao động và tính pháp lý của cơ quan, tổ chức có chức năng xuất khẩu lao động là việc làm cần thiết.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Cam Lộ Lê Thị Hường cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân nói chung và cán bộ, hội viên phụ nữ nói riêng để mọi người luôn tuân thủ pháp luật; phòng chống đưa phụ nữ đi lao động ngoài nước trái phép. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xã hội hóa trong công tác dạy nghề, tạo việc làm, quản lý lao động và hỗ trợ người lao động là nạn nhân trở về hòa nhập cộng đồng. Huy động nguồn lực tại chỗ để tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ có việc làm ổn định, chủ động tổ chức thực hiện và đề xuất các cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện các chính sách dạy nghề, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm...”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)