Trong chặng đường vươn lên để xóa đói, giảm nghèo của mình, người dân thôn Hà Lệt, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vẫn đang mong mỏi về một công trình thủy lợi để họ tạo nên những cánh đồng lúa nước và các mô hình sản xuất hiệu quả. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế cho mỗi gia đình và tự lực vươn lên trên vùng đất còn nhiều khó khăn này.
Đất nhiều nhưng vẫn nghèo
Chỉ tay về phía cánh rừng xa, anh Hồ Văn Bức, sinh năm 1992, ở thôn Hà Lệt chia sẻ với tôi: "Nhà mình có 5 nhân khẩu, khai hoang được hơn 5 sào đất với ý định làm ruộng lúa nước hoặc trồng chuyên canh cây ăn quả. Thế nhưng, ruộng lúa chẳng làm được mà các loại cây khác cũng không lên nổi vì địa thế đất ở đây rất khó lấy nước từ suối lên. Không chỉ có gia đình mình mà nhiều hộ dân trong thôn cũng vậy".
Thôn Hà Lệt có 137 hộ với 663 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, mỗi hộ gia đình có ít nhất 5 sào đất để sản xuất. Đất ở đây khá bằng phẳng, rất phù hợp cho việc sản xuất cây lúa nước, thế nhưng, để chủ động được nguồn nước tưới thì vẫn đang nằm trong sự mong mỏi về một công trình thủy lợi. Một số gia đình có điều kiện đã thuê máy móc về xúc đất, hạ thấp mặt bằng, lấy nước từ con suối A Chùm vào ruộng để cấy lúa, song họ cũng hoàn toàn phụ thuộc vào “ông trời”. Năm gặp hạn hán thì thiếu nước, năm xảy ra lũ lụt thì ruộng bị ngập nên ở đây chỉ hầu như sản xuất được 1 vụ lúa, thi thoảng, điều kiện thời tiết thuận lợi thì mới cấy được 2 vụ.
Các vị cao niên trong thôn nhớ lại, cách đây gần 15 năm, huyện Hướng Hóa đã triển khai dự án trồng cây điều theo mô hình tiểu điền, nhưng do thổ nhưỡng không phù hợp, khí hậu khắc nghiệt nên dự án chỉ dừng lại ở mức thí điểm, để rồi mọi cái lại trở về như cũ.
Với giọng nói buồn bã, ông Hồ Năng, Trưởng thôn Hà Lệt chia sẻ: "Đất thì nhiều, nhưng người dân vẫn bị nghèo đói làm mình buồn lắm. Ai cũng bảo sao không hướng dẫn người dân trồng cây này, cây khác, nhưng nếu trồng mà không mang lại hiệu quả kinh tế thì người dân chẳng tin như đã từng trồng cây điều trước đây. Người dân thôn Hà Lệt dựa chủ yếu vào nương rẫy và trồng rừng, cuộc sống người dân vẫn đang rất khó khăn, nhiều gia đình vẫn phải nhận lương thực cứu trợ của Nhà nước. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của thôn chiếm tới trên 24%".
Mong ước một công trình thủy lợi
Địa thế đất sản xuất của đa số các hộ dân ở thôn Hà Lệt mặc dù ở vùng cao song lại tương đối bằng phẳng, cùng với đó là con suối A Chùm quanh năm không bao giờ hết nước. Tuy nhiên, dòng suối ở dưới thấp, nền đất sản xuất lại cao nên không thể lấy nước vào để làm ruộng.
Dẫn tôi đến vị trí đất sản xuất của nhà mình, anh Hồ Văn Bức chỉ tay vào một cái hố và nói với tôi: "Một số nhà có điều kiện đã thuê máy xúc về cải tạo đất để làm ruộng lúa nước. Nhà mình còn khó khăn nên dùng sức người là chính, nhưng làm không nổi, đành phải bỏ dở. Nhìn ruộng nhà họ lúa lên xanh tốt, mình thích lắm, ước gì có dòng kênh dẫn nước cho bà con đỡ vất vả".
Theo lãnh đạo xã Tân Thành thì chính quyền xã cũng đã phản ánh nguyện vọng của người dân thôn Hà Lệt lên cấp trên và cũng đã có cán bộ chuyên môn về khảo sát, đánh giá tiền khả thi, nhưng thời gian trôi qua đã khá lâu mà chưa thấy hồi âm trở lại.
Rất nhiều người dân ở thôn Hà Lệt khẳng định, nếu như có được một công trình thủy lợi với hệ thống mương máng đủ đưa nước từ con suối A Chùm vào vùng đất rộng khoảng 20ha thì mỗi vụ sẽ cho thu hoạch từ 3,5 - 4 tấn/ha và chắc chắn người dân thôn Hà Lệt sẽ có cuộc sống ấm no.
Thực tế, khi có công trình thủy lợi thì người dân thôn Hà Lệt không chỉ có điều kiện phát triển cây lúa nước mà sẽ mở hướng cho những mô hình kinh tế khác như nuôi cá, chăn nuôi gia cầm và phát triển cây ăn quả để người dân có thêm nguồn thu nhập, thoát nghèo bền vững.
(Nguồn: Báo Biên Phòng)