“Ông bụt” của học sinh nghèo

Tây Long |

Thời gian qua, nhiều học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh truyền tai nhau câu chuyện về một “ông bụt” luôn xuất hiện khi các em cần sách vở, áo quần, cặp bút… Gọi là “ông bụt” nhưng thực ra người mang niềm vui đến với học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn khá trẻ. Anh là Nguyễn Đình Lượng (sinh năm 1987), trú tại khu phố Tây Trì, Phường 1, thành phố Đông Hà(Quảng Trị).

 Là con thứ 5 của một gia đình nghèo có 6 anh chị em, những khó khăn cuộc sống khiến anh Lượng sớm rời xa trang sách. Sau tháng năm đi học nghề ở Hà Nội, anh trở về và gắn bó với công việc thợ kim hoàn. Quanh năm tiếp xúc với đồ trang sức quý giá nhưng thu nhập của anh Lượng chỉ vừa đủ để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, không giống những người đang nặng gánh lo toan khác, anh vẫn hướng trái tim yêu thương đến học sinh nghèo. Chàng trai từng trải chạnh lòng khi thấy nhiều em nhỏ vì hoàn cảnh khó khăn mà buộc phải bỏ học hay đối diện với cảnh thiếu sách vở, dụng cụ học tập.
Anh Nguyễn Đình Lượng chuẩn bị sách vở dành tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: T.L​
Anh Nguyễn Đình Lượng chuẩn bị sách vở dành tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: T.L​

Không thể đứng nhìn, anh Nguyễn Đình Lượng quyết định tiết kiệm chi tiêu để mua sách vở, dụng cụ học tập tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Buổi đầu, anh đến các ngôi trường gần nơi mình sinh sống để đặt vấn đề, khảo sát thực tế, rồi về tính toán mua từng cuốn vở, ngòi bút, chiếc cặp… để tặng. Sau này, nhận ra nếu chỉ dựa vào sức mình thì không đủ, anh bắt đầu vận động sự đóng góp, tham gia của người thân, bạn bè và những người cùng chí hướng. Điều đáng mừng là việc làm từ tâm của anh Lượng nhận được nhiều sự ủng hộ. Nhờ thế, những chuyến thăm, tặng quà mà anh tổ chức ngày càng nhiều hơn, trị giá suất quà cũng tăng lên.

Đến giờ, anh Nguyễn Đình Lượng không thể nhớ hết số ngôi trường từng đặt chân đến và số học sinh mình đã tặng quà. Khởi đầu từ năm 2016, đến giờ, hành trình nâng bước học trò nghèo của anh Lượng vẫn duy trì đều đặn. Anh tranh thủ lúc rảnh rỗi để đi khảo sát học sinh nghèo ở các trường; lên kế hoạch vận động tổ chức, cá nhân hảo tâm; mua, sắp xếp quà tặng; tổ chức hoạt động trao quà… Từ lâu, đối với anh, niềm vui lớn nhất là được giúp học sinh nghèo vơi bớt phần nào khó khăn.

Mỗi hành trình nâng bước học sinh khó khăn đến trường của anh Nguyễn Đình Lượng ghi dấu bởi rất nhiều kỷ niệm. Anh nhớ như in lần đầu lên huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông. Nghe tin anh mang sách vở, đồ dùng học tập lên tặng, nhiều em nhỏ rất vui mừng, đứng đợi từ sáng sớm ngay ở đầu bản. Thấy ánh mắt lấp lánh của các em khi nhận quà, anh Lượng rất ấm lòng. Có lẽ vì thế nên những chuyến lên vùng cao của anh ngày một nhiều hơn. Đặc biệt, sau đợt mưa bão, lũ lụt xảy ra vào cuối năm 2020, anh Lượng liên tục lên hỗ trợ học sinh nghèo ở Đakrông, Hướng Hóa. Có lần, anh hỏi một em nhỏ: “Nếu phải lựa chọn, em lấy vở hay sữa?”. Câu trả lời của cô bé vùng cao khiến anh rất xúc động: “Em chọn vở”.

Từ đơn độc trên hành trình, giờ đây, anh Nguyễn Đình Lượng đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, hợp tác. Tri ân những tình cảm ấy, anh nguyện nỗ lực nhiều hơn trên hành trình nâng bước em đến trường. Anh mong các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn sẽ gặp thật nhiều “ông bụt”, “cô tiên” giữa đời thực.

(Nguồn: baoquangtri)

TAGS

Trao tặng học bổng “Sáng mãi niềm tin”

Thế An - Biên Cương |

Ngày 7/4, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị tổ chức trao học bổng “Sáng mãi niềm tin” của gia đình Tổng Bí thư Lê Duẩn cho học sinh đạt giải cao về văn hoá trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và học sinh hiếu học, vươn lên khó khăn tại huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị.

Cần khôi phục, phát triển nghề đan lát của đồng bào Vân Kiều

Nguyễn Trang |

Nghệ nhân Hồ Văn Khoong (83 tuổi) ở bản Mít, xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) hiện là người cao tuổi nhất trong tổng số 31 nghệ nhân người dân tộc Vân Kiều đang sinh sống tại các xã miền núi phía tây huyện Vĩnh Linh còn nắm vững các kỹ thuật nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình. Theo nghệ nhân, nghề đan lát đã có từ rất lâu đời, gắn chặt cùng quá trình lao động, sinh hoạt của người Vân Kiều. Tuy nhiên, nghề này đang đứng trước nguy cơ dần mai một khiến những nghệ nhân tâm huyết với nghề vô cùng trăn trở.

Ý nghĩa nhân văn từ một phong trào

Thanh Lê |

Thời gian qua, phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) đã trở thành việc làm thường xuyên của nhiều tổ chức, cá nhân, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Với những giọt máu thấm đẫm nghĩa tình, mang giá trị nhân văn sâu sắc, bao cuộc đời được hồi sinh và trở về với nhịp sống thường ngày.

Chúc Tết Bunpimay, trao quà tặng người dân và lực lượng vũ trang Lào

Đỗ Trưởng |

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế và lực lượng vũ trang của hai tỉnh Sekong và Salavan đã triển khai hiệu quả về cơ chế hợp tác biên phòng, tăng cường phối hợp quả về cơ chế hợp tác biên phòng.