Ngày 14/7, tại địa bàn thôn Sê Pu xã Hướng Lập (Hướng Hóa, Quảng Trị), trong lúc đi làm nhiệm vụ, các chiến sỹ Đồn Biên phòng Hướng Lập đã phát hiện 3 cá thể voọc.
Sau khi phát hiện 3 cá thể vọc cùng chạy nhảy ở khu vực thôn Sê Pu, các chiến sỹ biên phòng đã chụp ảnh.
Theo ông Nguyễn Tân Hiếu, cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa xác nhận sau khi thấy hình ảnh: “Đây là voọc Hà Tĩnh hay còn gọi là voọc đen gáy trắng (tên khoa học Trachypithecus hatinhensis) được tìm thấy trong các khu rừng núi đá vôi thuộc tỉnh Quảng Bình. Một cuộc khảo sát gần đây đã phát hiện một quần thể voọc Hà Tĩnh sống ở tỉnh Quảng Trị. Tuy được đặt tên là voọc Hà Tĩnh nhưng loài này không phân bố tại tỉnh Hà Tĩnh.
Đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều gọi loài này là 'con cung' nghĩa là 'loài khỉ đen đuôi dài sống trong hang đá. Loài động vật này sống theo từng đàn từ 2 đến 15 cá thể, nhưng cũng gặp những nhóm tới 30 cá thể”Cũng theo ông Hiếu, ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa có phân bố tại một số điểm như núi đá vôi ở xã Hướng Việt, Hướng Lập và Hướng Sơn. Trong thời gian này, ở xã Hướng Lập cũng có một số hộ dân phản ánh có đàn voọc về tới sân nhà người dân nhưng không quấy phá.
Voọc đen gáy trắng là loài linh trưởng đặc hữu hẹp, thuộc nhóm IB, cực kỳ quý hiếm, nguy cấp nằm trong sách Đỏ Việt Nam và sách Đỏ thế giới.