Trong những năm qua, tại Quảng Trị, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã phát huy hiệu quả với nhiều hoạt động ý nghĩa, trở thành phong trào được người dân trên địa bàn nhiệt tình hưởng ứng. Từ nguồn quỹ này, mỗi năm tỉnh đã xây dựng, sửa chữa hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa và chăm lo cho đối tượng chính sách. Nguồn quỹ này cũng đã được sử dụng để xây dựng, tu sửa các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn.
Từ ngày dọn vào ở ngôi nhà mới kiên cố, bà Nguyễn Thị Tùng (sinh năm 1965) ở Khu phố 4, Phường 4, TP. Đông Hà bớt thấp thỏm âu lo, nhất là vào mỗi mùa mưa bão. Căn nhà cấp 4 trước đây cũ nát, xập xệ, sau trận lụt lịch sử năm 2020 càng trở nên xuống cấp hơn, khiến giấc ngủ của bà Tùng không đêm nào ngon giấc. Tháng 4/2022, bà Tùng được Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của TP. Đông Hà hỗ trợ 100 triệu đồng, cùng với số vốn tích góp và vay mượn được, bà đã xây ngôi nhà mới có diện tích 65 m2.
Ngôi nhà được xây kiên cố, nền nhà được xây cao để phòng ngập lụt. Cũng từ khi có ngôi nhà mới, bà Tùng không còn làm các công việc vất vả như trước mà mở một quầy tạp hóa nhỏ tại nhà để kiếm thêm thu nhập.
Bà Tùng chia sẻ: “Ba tôi hy sinh vào năm 1972, khi mới ngoài 30 tuổi. Một mình mẹ tôi vất vả nuôi 6 chị em tôi nên người. Là chị cả trong gia đình nên tôi phải gánh vác nhiều công việc để phụ giúp mẹ nuôi các em, vì thế cuộc sống của tôi gặp khó khăn từ nhỏ. Nay tuổi đã cao, sức lao động giảm sút, được nhà nước hỗ trợ tiền xây nhà, tôi vui lắm”.
Bà Tùng là một trong số những đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ xây nhà từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của TP. Đông Hà. Chỉ tính riêng trong năm 2022, TP. Đông Hà đã vận động được hơn 1,6 tỉ đồng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Trên cơ sở số tiền vận động được, thành phố đã khảo sát, lập hồ sơ những đối tượng chính sách có hoàn cảnh thực sự khó khăn để hỗ trợ.
Trong năm 2022, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của TP. Đông Hà đã hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 16 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 1 tỉ đồng; tặng 115 suất quà với kinh phí hơn 600 triệu đồng cho đối tượng chính sách.
Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) TP. Đông Hà Võ Thị Thanh Thúy cho biết: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của thành phố tập trung hỗ trợ chủ yếu vào việc xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi danh liệt sĩ; trợ cấp khó khăn đột xuất; thăm hỏi gia đình chính sách khi gặp khó khăn nhằm góp phần nâng cao đời sống của người có công trên địa bàn thành phố.
Đến nay, thành phố không có hộ chính sách, người có công nghèo; cơ bản xóa nhà ở dột nát, tạm bợ cho đối tượng chính sách.
Không chỉ TP. Đông Hà mà ở các địa phương khác trong tỉnh, công tác huy động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được chú trọng. Ở Hải Lăng, trong 5 năm qua huyện đã huy động được hơn 4,3 tỉ đồng (trong đó cấp xã gần 1,4 tỉ đồng, cấp huyện gần 3 tỉ đồng).
Số tiền này được lồng ghép với nguồn hỗ trợ của cấp trên và các nguồn hỗ trợ khác để khởi công xây dựng mới 129 nhà tình nghĩa với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng, sửa chữa 407 nhà tình nghĩa với tổng số tiền hơn 8,2 tỉ đồng.
Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, huyện Hải Lăng còn quan tâm làm tốt công tác chăm sóc mộ, nghĩa trang liệt sĩ.
Trong 5 năm qua, bằng nhiều nguồn kinh phí, trong đó có nguồn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm, huyện đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm, công trình, di tích lịch sử với tổng kinh phí hơn 8 tỉ đồng.
Hiện nay, huyện đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư công trình nghĩa trang liệt sĩ huyện với tổng kinh phí 11,5 tỉ đồng.
Năm 2007, lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị phát động phong trào vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội giúp đỡ các đối tượng chính sách. Trong đợt phát động đầu tiên này, quỹ đã huy động được gần 5,3 tỉ đồng, hỗ trợ xây dựng hơn 300 nhà tình nghĩa cho người có công trên địa bàn tỉnh.
Từ đó đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đã huy động được hơn 140 tỉ đồng, hỗ trợ xây mới 2.634 nhà ở và sửa chữa 1.412 nhà ở cho gia đình người có công với tổng kinh phí 119 tỉ đồng. Đặc biệt, chương trình nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) được các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp thực hiện với tình cảm và trách nhiệm sâu sắc.
Hiện nay, toàn bộ 25 Bà mẹ VNAH còn sống đều được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phụng dưỡng và có cuộc sống vật chất, tinh thần ổn định.
Trong những năm qua, hệ thống các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư, tôn tạo, ngày càng khang trang hơn.
Chỉ tính từ năm 2012 - 2020, tỉnh đã đầu tư hơn 200 tỉ đồng cho công tác chỉnh trang, quy tập mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh, trong đó nguồn vốn chung tay chăm sóc nghĩa trang do các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ và từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hơn 100 tỉ đồng.
Sở LĐ, TB & XH luôn quan tâm đến công tác xây dựng quỹ, gắn việc quản lý với sử dụng để phát huy hiệu quả thiết thực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng chính sách.
Nhìn chung, các đơn vị từ tỉnh đến cơ sở và doanh nghiệp luôn quan tâm chỉ đạo và phát động phong trào quyên góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, coi đây là một nội dung quan trọng, không thể thiếu trong việc hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch năm.
Vì vậy, việc huy động xây dựng nguồn quỹ đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ tích cực từ nhiều phía. Để tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Sở LĐ,TB &XH đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.
Tiếp tục triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện vận động xây dựng, quản lý và sử dụng quỹ theo đúng mục đích, yêu cầu và công khai kết quả vận động quỹ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tiếp tục kêu gọi ủng hộ xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để thực hiện tốt công tác chăm lo cho người có công và tri ân những người đã ngã xuống.
Việc xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với sự đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã góp phần cùng Nhà nước chăm sóc người có công và hỗ trợ xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ ngày càng tốt hơn. Đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện nghĩa cử cao đẹp và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)