Phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng ở Đakrông

Kô Kăn Sương |

Những năm qua, phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng ở huyện Đakrông phát triển với nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn tham gia. Qua đó, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Ngay sau khi có Nghị quyết số 08 - NQ/TW, ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 68-CTHĐ/TU, ngày 1/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ TDTT đến năm 2020”, Huyện ủy Đakrông đã chỉ đạo các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện, cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác TDTT, đưa tiêu chí về TDTT vào chỉ tiêu thi đua hằng năm của từng đơn vị, địa phương. Huyện cũng đã dành kinh phí hợp lý từ nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng các sân chơi, bãi tập, công trình thể thao và quy hoạch, phê duyệt đất dành cho TDTT. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và phổ biến các tài liệu hướng dẫn tổ chức các hình thức, phương pháp tập luyện TDTT, định hướng cho cán bộ và Nhân dân chọn phương pháp tập luyện có hiệu quả và chọn môn thể thao yêu thích để tập luyện thường xuyên.

Nhiều bộ môn thể thao truyền thống được huyện Đakrông khuyến khích duy trì và phát triển - Ảnh: K.K.S​
Nhiều bộ môn thể thao truyền thống được huyện Đakrông khuyến khích duy trì và phát triển - Ảnh: K.K.S​

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc cho biết: “Là huyện nghèo, có 80% người dân tộc thiểu số, nhờ được quan tâm, có chính sách khuyến khích phát triển phù hợp nên phong trào TDTT quần chúng ở Đakrông được nhân rộng từ vùng thuận đến vùng khó. Ngoài những môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo… được duy trì tổ chức trong các dịp lễ hội, nhiều năm nay các môn thể thao hiện đại như bóng đá, bóng bàn, cầu lông, điền kinh, cờ vua, cờ tướng, yoga… cũng được người dân địa phương quan tâm lựa chọn luyện tập, thi đấu thường xuyên. Để động viên người dân tích cực tập luyện, thi đấu TDTT, mỗi năm huyện tổ chức từ 5 - 6 giải, các xã, thị trấn tổ chức từ 3 - 4 giải thi đấu thể thao vào các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị - xã hội của quê hương, đất nước thu hút đông đảo cán bộ và người dân tham gia, cổ vũ. Nhờ vậy, tỉ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên liên tục tăng qua các năm. Năm 2020 đạt 32% dân số tập luyện TDTT thường xuyên, tăng 15% so với năm 2011”.

Phong trào TDTT được các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn quan tâm triển khai, thu hút nhiều cán bộ và người dân tham gia luyện tập, thi đấu thường xuyên. Các CLB, giải thi đấu thể thao thực sự là sân chơi bổ ích, không chỉ giúp cán bộ, Nhân dân rèn luyện thể chất mà còn là nơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm bảo vệ sức khỏe, tạo sự đoàn kết giữa các dân tộc trong huyện. Bình quân mỗi năm, UBND các xã, thị trấn phối hợp với các chương trình, dự án tổ chức 4-6 lớp bơi với hơn 180 trẻ em tham gia học và biết bơi. Qua đó, không chỉ góp phần vận động gia đình, xã hội nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước mà còn giúp cho trẻ em rèn luyện sức khỏe, biết bơi an toàn.

Các trường học trên địa bàn huyện thường xuyên đổi mới phương pháp giáo dục thể chất, gắn giáo dục thể chất với giáo dục quốc phòng, giáo dục sức khỏe và kỹ năng sống cho học sinh. Hiện có 36/36 trường học trên địa bàn thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá giáo dục thể chất. Một số trường thành lập và duy trì các câu lạc bộ thể thao hiệu quả như Trường THCS thị trấn Krông Klang, Trường PTDT nội trú Đakrông, Trường PTDT bán trú THCS Ba Nang, Trường TH&THCS A Vao… Nhiều chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn cũng được huyện quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt.

Các cấp, các ngành trên địa bàn huyện đã huy động được nhiều nguồn lực để tổ chức nhiều giải thi đấu có quy mô. Qua đó, tìm kiếm, bồi dưỡng, rèn luyện, tuyển chọn vận động viên xuất sắc vào đội tuyển của huyện tham gia thi đấu và đạt nhiều thành tích cao tại các giải thể thao do tỉnh tổ chức như: Giải đua thuyền truyền thống tại Lễ hội Thống nhất non sông, Giải thể thao Người khuyết tật…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc cho biết thêm: “Thời gian tới, huyện tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển phong trào TDTT. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trong đó tập trung vào cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về TDTT từ huyện đến cơ sở phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Làm tốt công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác TDTT, đặc biệt là ở cơ sở. Huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để phát triển sự nghiệp TDTT. Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động TDTT quần chúng và tích cực tham gia thi đấu các giải thể thao do tỉnh tổ chức”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thúc đẩy huyện Đakrông phát triển bằng các dự án trọng điểm

Đan Tâm |

Trong những năm tới, tỉnh Quảng Trị xác định các chương trình, dự án trọng điểm, trong đó có việc hình thành hành lang đường bộ từ Cửa khẩu quốc tế La Lay (Đakrông) về cảng biển Mỹ Thủy (Hải Lăng), kết nối với Lào, Thái Lan. Hiện thực hóa dự án Quốc lộ 15D. Xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay đủ điều kiện thành lập Khu kinh tế cửa khẩu. Quy hoạch và phát triển các cơ sở công nghiệp, logistic dọc Quốc lộ 15D, Quốc lộ 49 nối Cửa khẩu quốc tế La Lay với cảng biển Mỹ Thủy...

Chú trọng bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đakrông

Kô Kăn Sương |

Huyện Đakrông (Quảng Trị) có 3 dân tộc sinh sống chủ yếu là Vân Kiều, Pa Kô và Kinh, trong đó trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS) đã tạo nên bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa các DTTS trên địa bàn huyện nói riêng luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng thực hiện.

Tạm cấp 40 tỉ đồng hỗ trợ khẩn cấp 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông khắc phục hậu quả mưa lũ

B.A |

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định tạm cấp kinh phí hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. 

Đakrông nỗ lực vượt khó

Đan Tâm |

Vừa có đợt kiểm tra tình hình thực tế đời sống, cứu trợ khẩn cấp cho người dân tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa trở về, Bí thư Huyện ủy Đakrông (Quảng Trị) Nguyễn Trí Tuân chia sẻ với chúng tôi, huyện đã có báo cáo tổng hợp tình hình thiệt hại nghiêm trọng do mưa lũ từ ngày 7/10 đến ngày 19/10/2020, tuy vậy, những hậu quả của thiên tai thực tế chưa thể nào lường hết được. Chỉ biết từ đây, huyện nghèo Đakrông lại bắt đầu hành trình xây dựng cuộc sống mới với nỗ lực vượt bậc, gấp nhiều lần trước, bền chí khắc phục khó khăn, khôi phục cơ sở hạ tầng, giúp dân ổn định đời sống, giảm nghèo bền vững và từng bước vươn lên...