Vừa có đợt kiểm tra tình hình thực tế đời sống, cứu trợ khẩn cấp cho người dân tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa trở về, Bí thư Huyện ủy Đakrông (Quảng Trị) Nguyễn Trí Tuân chia sẻ với chúng tôi, huyện đã có báo cáo tổng hợp tình hình thiệt hại nghiêm trọng do mưa lũ từ ngày 7/10 đến ngày 19/10/2020, tuy vậy, những hậu quả của thiên tai thực tế chưa thể nào lường hết được. Chỉ biết từ đây, huyện nghèo Đakrông lại bắt đầu hành trình xây dựng cuộc sống mới với nỗ lực vượt bậc, gấp nhiều lần trước, bền chí khắc phục khó khăn, khôi phục cơ sở hạ tầng, giúp dân ổn định đời sống, giảm nghèo bền vững và từng bước vươn lên...
Ngỗn ngang trăm mối
Huyện Đakrông được thành lập theo Nghị định số 83/1996/NĐ-CP ngày 17/12/1996 của Chính phủ, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/1997 trên cơ sở tách ra từ 10 xã khó khăn của huyện Hướng Hóa và 3 xã vùng sâu, vùng xa của huyện Triệu Phong. Có thể nói, huyện Đakrông được hình thành và phát triển với một xuất phát điểm rất thấp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, trường, trạm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Toàn huyện có diện tích đất tự nhiên trên 122.000 ha, dân số trên 44.000 nhân khẩu, trong đó có gần 80% là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô. Toàn huyện có 9/14 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đây là huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao và được thụ hưởng chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Bên cạnh đó, địa hình Đakrông cao về phía Đông- Đông Nam, thấp về phía Tây - Tây Bắc. Trong hệ thống sông Đakrông có nhiều con suối tương đối lớn. Sông Đakrông có độ dài ngắn và dốc nên tốc độ chảy mạnh, về mùa mưa lũ thường xảy ra tình trạng lũ lụt lớn. Huyện có địa hình đặc thù là núi đồi, chia cắt bởi sông suối, có xã có từ 15-17 tràn bằng bê tông, như xã Hướng Hiệp có cả thảy 16 cái tràn; giới hạn bởi nhiều khu dân cư nên khi có lũ lớn xảy ra thường bị cách ly, chia cắt địa bàn manh mún, gây bất lợi cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Những xã như A Vao, Ba Nang, A Ngo, Húc Nghì, Ba Lòng… thường bị chia cắt khi có lũ lớn.
Bên cạnh đó, nhiều bộ phận cư dân sống quần cư theo các bản làng khá tách biệt, sản xuất chủ yếu là trồng lúa rẫy, trồng rừng và chăn nuôi. Người dân còn duy trì phổ biến tập quán tự cung, tự cấp, chưa có thói quen tích trữ lúa, ngô trong gia đình phòng khi dùng đến, nên khi có thiên tai xảy ra, địa bàn bị chia cắt thì tình trạng thiếu lương thực lại thường xảy ra.
Trong đợt mưa lũ từ ngày 7/10 đến ngày 19/10/2020, huyện Đakrông có 2 người chết, hàng trăm nhà dân bị ngập sâu trong nước lũ, tốc mái, đổ sập. Các loại gia súc, gia cầm, cá nuôi ở các xã trọng điểm của lũ lụt hầu như bị cuốn trôi. Nhiều diện tích hoa màu, lúa, cây ăn quả bị vùi lấp. Riêng một xã như Ba Lòng đã bị cuốn trôi 1,3 tấn lúa, 110 kg lạc giống, 50 kg ngô giống. Đặc biệt, hệ thống giao thông từ quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ đến đường liên thôn, nội thôn của các xã trên địa bàn bị hư hại rất lớn, ước thiệt hại trên 320 tỉ đồng. Các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, hệ thống điện và viễn thông, các thiết chế về văn hóa… cũng bị lũ lụt tàn phá hết sức nghiêm trọng.
“Qua công tác kiểm tra, khảo sát, chúng tôi thấy hậu quả của lũ lụt gây ra trên địa bàn huyện Đakrông là rất nặng nề. Tình hình hết sức ngỗn ngang, phải cần đến nguồn lực đầu tư rất lớn và thời gian dài mới khắc phục được”, Bí thư Huyện ủy Đakrông Nguyễn Trí Tuân nhận định.
Chuyển hướng sản xuất, ưu tiên khôi phục chăn nuôi
Bí thư Huyện ủy Đakrông Nguyễn Trí Tuân cho biết, ngay sau khi nước sông tạm rút, UBND huyện đã trưng dụng phương tiện đò máy của dân để vận chuyển lương thực, nước uống, xăng dầu... hỗ trợ khẩn cấp cho các điểm bị cô lập trong điều kiện đường bộ bị chia cắt. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kiểm tra và hỗ trợ khẩn cấp (chủ yếu là gạo, mì ăn liền, dầu ăn…) cho người dân tại các vùng bị chia cắt, đảm bảo không để dân đói trong những ngày mưa lũ. UBND huyện đã trích ngân sách mua 1 tấn gạo, 800 thùng mì ăn liền, 50 thùng nước uống, tiếp nhận từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh 116.605 kg gạo, 10.276 thùng mì ăn liền, 1.521 thùng nước uống, 4.173 cái chăn và 8.294 suất quà cùng nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm khác để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trước mắt.
Trong điều kiện là huyện nghèo, ngân sách còn nhiều khó khăn, huyện Đakrông đề nghị cấp trên hỗ trợ khẩn cấp ban đầu 765.000 kg gạo cứu đói; hỗ trợ sản xuất vụ đông xuân 30 tấn giống lúa các loại, 3 tấn giống rau, 50 tấn giống lạc, 20 tấn giống ngô, hỗ trợ cải tạo đất 600 ha với kinh phí 6.000 triệu đồng.
Đối với vùng sản xuất gắn với đất rừng, nương rẫy, ngoài tập trung chăm sóc rừng, người dân cần chuyển mạnh sang chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như bò, dê, gà, vịt để tận dụng lợi thế địa bàn và sớm có thu nhập. Trong đợt lũ lụt lớn vừa qua, vùng sản xuất lạc, ngô, đậu đỗ tập trung như Ba Lòng, Triệu Nguyên bị thiệt hại nặng nề. Hầu như toàn bộ diện tích đất sản xuất ở địa bàn này bị bồi lấp, có nơi lên đến gần 2 mét. Để khôi phục lại đất đai màu mỡ như hiện trạng ban đầu cần nguồn kinh phí và công san gạt lớn, thời gian kéo dài. Do vậy, người dân vùng đất ruộng bị bồi lấp, một mặt tập trung nguồn lực để phục hóa, cải tạo đất đai, mặt khác chú trọng đầu tư vào chăn nuôi những loại vật nuôi có lợi thế để có nguồn thu nhập, “lấy ngắn nuôi dài”.
“Hiện Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đakrông phải nỗ lực hết sức lớn, tập trung mọi nguồn lực để khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, trước mắt là ổn định sản xuất, đời sống cho Nhân dân. Về lâu dài, huyện sẽ có phương án tổng thể để có thể ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai nhằm giữ vững những thành quả trong phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn theo hướng bền vững”, Bí thư Huyện ủy Đakrông Nguyễn Trí Tuân nhấn mạnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)