Quan tâm chăm lo đời sống hội viên người mù

Trúc Phương |

Những năm qua, Hội Người mù tỉnh Quảng Trị luôn nỗ lực quan tâm, chăm lo hội viên bằng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, qua đó đời sống vật chất, tinh thần của nhiều người mù được cải thiện, tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Hội Người mù tỉnh Quảng Trị hiện có 2.602 hội viên. Xác định người mù là đối tượng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, dễ bị tổn thương nên ngay từ những ngày đầu thành lập, Hội Người mù tỉnh đã luôn chú trọng đến công tác chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, tạo mọi điều kiện để hội viên vươn lên, hòa nhập cuộc sống. Những năm qua, không chỉ nỗ lực trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, các cấp hội người mù còn huy động được nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh cải thiện thu nhập.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình chị Hương dần vươn lên thoát nghèo - Ảnh: T.P
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình chị Hương dần vươn lên thoát nghèo - Ảnh: T.P

Cùng cán bộ Hội Người mù huyện Vĩnh Linh, chúng tôi đến thăm gia đình chị Lê Thị Hương (sinh năm 1969), hiện đang sống cùng chồng và hai con tại thôn Đặng Xá, xã Vĩnh Lâm, một trong những hội viên tiêu biểu về vay vốn phát triển kinh tế của hội. Gia đình chị Hương trước đây rất khó khăn bởi chị bị mù hai mắt bẩm sinh, không làm được việc gì. Mọi khoản chi tiêu trang trải cuộc sống đều dựa vào công việc đồng áng của chồng. Năm 2013, nhờ sự động viên của các cán bộ hội người mù, chị bàn bạc với chồng rồi mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm kênh Trung ương Hội Người mù để mua hai con lợn nái về nuôi. Sau một thời gian chăm sóc, lợn của chị Hương sinh sản, phát triển tốt và tăng lên thành 20 con. Số tiền có được sau khi bán lợn thịt được chị Hương dùng để trả nợ vốn vay và đầu tư xây dựng lại chuồng trại, mở rộng chăn nuôi.

Năm 2019, chị còn được tổ chức RENEW Quảng Trị hỗ trợ một con bò để nuôi phát triển kinh tế. Nhờ đó mà gia đình chị dần thoát khỏi khó khăn. Chị Hương xúc động nói: “Tôi từng rất mặc cảm vì không thể chia sẻ gánh nặng kinh tế, giúp đỡ chồng con. May mà được sự giúp đỡ của các cấp hội, giờ đây tôi đã có việc làm, thu nhập ổn định phục vụ sinh hoạt của gia đình”.

Không chỉ chị Hương mà thời gian qua đã có rất nhiều hội viên người mù trong toàn tỉnh được hỗ trợ vay vốn ưu đãi qua các kênh để phát triển kinh tế, với tổng dư nợ hơn 2,6 tỉ đồng. Nhờ có vốn vay ưu đãi, các hội viên có điều kiện đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo được việc làm, thu nhập ổn định để phát triển kinh tế gia đình.

Không chỉ tạo điều kiện về vốn, hội người mù các cấp còn mở các lớp đào tạo nghề cho hội viên. Tiêu biểu như Hội Người mù thị xã Quảng Trị trong 5 năm qua đã mở được 5 lớp dạy nghề thủ công làm tăm tre, chổi đót, hương cho khoảng 80 hội viên; mở lớp đào tạo xoa bóp, bấm huyệt, phục hồi chức năng cho 6 hội viên… Cùng với đó, hội còn thành lập một cơ sở sản xuất tập trung tạo việc làm cho 16 lao động là người mù và người khuyết tật, trong đó có 12 người làm việc tập trung, 4 người làm việc tại gia đình với thu nhập bình quân từ 1,2 - 1,6 triệu đồng/người/ tháng. Hiện toàn tỉnh có khoảng 527 hội viên người mù sau khi được đào tạo nghề đã có việc làm và thu nhập tương đối ổn định. Trong đó, các cơ sở xoa bóp, cơ sở sản xuất tập trung do Hội Người mù tỉnh quản lý tạo việc làm thường xuyên cho 191 hội viên với mức thu nhập bình quân mỗi lao động từ 1,5 - 3 triệu đồng/ tháng.

Song song với các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội Người mù tỉnh Quảng Trị còn chăm lo đời sống cho hội viên với nhiều hình thức như quan tâm nắm bắt, đề xuất giải quyết chế độ chính sách xã hội cho hội viên; vận động các nguồn quỹ để hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, sửa chữa nhà cho hội viên với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm; trao sổ tiết kiệm cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Đến cuối năm 2020, số hội viên người mù thuộc diện hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm còn 21,3%.

Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Nguyễn Tăng Mùi cho biết: “Trong quá trình hoạt động, các cấp hội luôn xem công tác chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần hội viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cần phải ưu tiên thực hiện. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp ủy đảng, chính quyền cũng như các mặt trận, các đoàn thể, các nhà hảo tâm, chúng tôi đã triển khai được nhiều hoạt động ý nghĩa giúp hội viên vươn lên có việc làm, thu nhập ổn định, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập tốt cuộc sống. Thời gian tới, các cấp hội sẽ tập trung củng cố và phát triển các cơ sở sản xuất, dịch vụ tập trung, mở thêm các lớp đào tạo nghề, tiếp tục huy động tốt các nguồn lực hỗ trợ để giúp đỡ kịp thời, hiệu quả hơn cho hội viên”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị: Xây dựng “Mái ấm Công đoàn” cho người lao động bị khuyết tật

Hưng Thơ |

Từ sự hỗ trợ của LĐLĐ tỉnh Quảng Trị, LĐLĐ huyện Vĩnh Linh và LĐLĐ huyện Đakrông đã khởi công xây dựng nhà ở “Mái ấm Công đoàn” cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Nghị lực vươn lên của một thanh niên khuyết tật

Anh Vũ |

Không được may mắn như những thanh niên cùng trang lứa, đó là bị mất đi cánh tay trong một vụ tai nạn lao động nhưng anh Phạm Hữu Quang, sinh năm 1983, ở thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) không chịu khuất phục trước số phận, không để bản thân mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội mà vẫn quyết tâm nỗ lực vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.Với anh, cánh làm giàu không phải từ đôi tay mà từ ý chí, nghị lực và khối óc.

Trao trên 1.000 suất quà tết cho người khuyết tật, nạn nhân da cam và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Thanh Lê |

Nhân dịp tết Nguyên đán Tân Sửu, hôm nay 30/1/2021, Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam (NKT, NNDC), bảo trợ NKT và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ trao quà tết cho NKT, NNDC và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Người phụ nữ khuyết tật tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo

Thu Hạ |

Không muốn là gánh nặng cho xã hội, cũng không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước nên dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với ý chí, sự quyết tâm, lòng tự trọng, bà Trần Thị Lục (64 tuổi), ở Khu phố 2, Phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị vẫn tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Càng đáng trân trọng và cảm phục hơn khi bản thân bà Lục là người khuyết tật, sống neo đơn một mình không người nương tựa.