Quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số

Mỹ Hằng |

Huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có 3 xã miền núi là Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà với  tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 85%; đời sống người dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Để rút ngắn khoảng cách vùng miền, huyện Vĩnh Linh đặc biệt coi trọng đến công tác phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ chủ chốt người DTTS. 

Coi đây là giải pháp cơ bản nhằm phát huy vị trí, vai trò của người DTTS trong thực hiện các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời bảo đảm cân đối tỷ lệ đội ngũ cán bộ người DTTS tham gia vào cơ quan Nhà nước.

Với gần 97% là người đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống, xã Vĩnh Ô luôn là địa phương nằm trong tình trạng khó khăn, xuất phát điểm thấp về mọi mặt. Bên cạnh đó, một số phong tục, tập quán văn hóa và sản xuất còn lạc hậu. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên. Mặt khác, đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã, thôn đa số là người DTTS nên khó khăn trong việc chuyển tải, đưa các chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống.

Để tháo gỡ khó khăn này, huyện Vĩnh Linh đã tạo mọi điều kiện để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ từ việc đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng cho đến kiện toàn hệ thống chính trị. Chỉ đạo chính quyền xã tiến hành rà soát lại đội ngũ cán bộ ở thôn, ưu tiên đưa người có năng lực, uy tín để làm trưởng các thôn. Đồng thời, phối hợp với Ban Tổ chức Huyện ủy và Phòng Nội vụ huyện rà soát, bổ sung quy hoạch, đưa đi đào tạo nhiều cán bộ của xã, trong đó, ưu tiên cán bộ trẻ, nữ có trình độ, phẩm chất chính trị để sau đào tạo, bồi dưỡng sẽ bổ sung vào lực lượng cán bộ lãnh đạo chủ chốt, quản lý của xã.

Xã Vĩnh Ô kết nạp đảng viên mới.
Xã Vĩnh Ô kết nạp đảng viên mới.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Ô Nguyễn Đức Thông cho biết: “Hiện nay, trong tổng số 20 cán bộ công chức công tác tại xã Vĩnh Ô, có 14 cán bộ là người DTTS. Trong đó, có 11/14 người có trình độ chuyên môn đại học; số còn lại có trình độ chuyên môn là trung cấp. Có 12/14 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị; 2/14 có trình độ sơ cấp lý luận chính trị. Từ việc làm dân chủ, công khai tuyển dụng, quy hoạch cán bộ đã tạo động lực, niềm tin cho đội ngũ ra sức phấn đấu, cống hiến. Đến nay, Vĩnh Ô có 7/7 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa, toàn xã đã đạt 12/19 bộ tiêu chí trong xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng. Có được kết quả đó, phải kể đến năng lực chất lượng tốt của đội ngũ cán bộ người DTTS từ thôn bản đến cán bộ, công chức cấp xã”.

Không chỉ ở Vĩnh Ô, hai xã Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, nơi có trên 90% đồng bào DTTS sinh sống, đội ngũ cán bộ ở thôn, bản cũng trở thành điểm sáng về chất lượng cán bộ. Đơn cử như ở Vĩnh Khê có 3 thôn gồm thôn Khe Cát; thôn Mới và thôn Xung Phong có 318 hộ dân với gần 100% là đồng bào Bru Vân Kiều. Dù là xã vùng sâu vùng xa nhưng đội ngũ cán bộ từ trưởng thôn, người làm công tác Mặt trận đều là những người tiêu biểu, nhiệt huyết.

Anh Hồ Long, Trưởng thôn Khe Cát là một ví dụ điển hình. Trở về địa phương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh được cấp ủy vận động, Nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Với vốn kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ trong quân đội, sự nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ anh đã làm cho Khe Cát thay da đổi thịt. Tin anh, người Bru Vân kiều ở thôn Khe Cát lại cùng anh chung sức xây dựng nông thôn, làm cho thôn bản ngày càng giàu mạnh.

Trưởng Phòng Nội Vụ huyện Vĩnh Linh, Nguyễn Văn Ninh cho biết: “Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở vùng đồng bào DTTS là một yêu cầu bắt buộc. Những năm gần đây, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để đội ngũ cán bộ công tác tại vùng DTTS, cán bộ là người DTTS ngày càng được chuẩn hóa. Trong đó, thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới và các văn bản hướng dẫn liên quan. Huyện đã tổ chức hội nghị tuyên truyền các văn bản liên quan đến cán bộ công chức nói chung và người DTTS nói riêng được biết và thực hiện. Bên cạnh đó, hướng dẫn các xã, thị trấn tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc. Thường xuyên rà soát, phát hiện số học sinh, sinh viên có trình độ năng lực để bổ sung nguồn nhân lực cho địa phương”.

Từ năm 2013 đến nay tại 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà có 22 cán bộ đã và đang tham gia đào tạo đại học các ngành: Luật, Kinh tế, 01 cán bộ đào tạo trình độ trung cấp kinh tế; 3 cán bộ tham gia bồi dưỡng QLNN; 12 cán bộ tham gia bồi dưỡng trình độ trung cấp và sơ cấp lý luận chính trị; 6 cán bộ tham gia bồi dưỡng cải cách hành chính; 6 cán bộ tham gia bồi dưỡng công tác tôn giáo. Ngoài ra UBND huyện đã phối hợp với trường chính trị Lê Duẩn và Trung tâm chính trị, sở Nội vụ, huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ, công chức như: Tập huấn phần mềm một cửa điện tử, tập huấn cập nhật thông tin trên trang điện tử của tỉnh, bồi dưỡng công tác Đảng, lý luận chính trị, bồi dưỡng quốc phòng an ninh. Những chính sách này đã làm cho chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS không ngừng được nâng lên, ngày càng đáp ứng yêu cầu công tác.

Huyện Vĩnh Linh hiện có 32 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Trong đó, nữ có 8 người. Có 26/32 người có trình độ đại học; 5/32 người có trình độ trung cấp. Đội ngũ cán bộ DTTS là người địa phương có năng lực chuyên môn, am hiểu về phong tục, tập quán, thông thạo địa hình, ngôn ngữ đã giúp cho việc triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.

Đến cuối năm 2022, tại các địa phương này, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 23%. Trong đó, Vĩnh Ô giảm 29%, Vĩnh Khê giảm 25%, Vĩnh Hà giảm 14%. Thu nhập bình quân đầu người tăng 25% so với năm 2020. Trong đó, Vĩnh Ô đạt 27 triệu đồng/người/năm; Vĩnh Khê đạt 30 triệu đồng và Vĩnh Hà đạt 40 triệu đồng/người/năm.

Tuy vậy, việc sắp xếp, bố trí sử dụng cán bộ người DTTS trên địa bàn huyện còn có những hạn chế. Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của một số cán bộ, công chức các xã miền núi mặc dầu đã qua đào tạo, bồi dưỡng nhưng chuyển biến chưa tích cực, khả năng tiếp cận với công việc, công nghệ thông tin còn chậm nên dẫn đến chất lượng công việc đạt kết quả chưa cao. Cơ sở vật chất ở các xã miền núi còn thiếu. Cán bộ, công chức người DTTS số còn gặp nhiều khó khăn về tài chính, điều kiện đi lại khi tham gia các lớp học tập, bồi dưỡng.

Trưởng Phòng Nội Vụ huyện Vĩnh Linh, Nguyễn Văn Ninh cho biết thêm: “Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ là người DTTS, trong kế hoạch triển khai thực hiện “Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045”, Vĩnh Linh đặt mục tiêu, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS. Đảm bảo tỷ lệ cán bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS được cơ cấu phù hợp với tỷ lệ dân số ở từng địa phương. Đến năm 2030 có 100% cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS có trình độ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên và được chuẩn hóa về lý luận chính trị; kỹ năng làm việc”.

Dù còn những tồn tại, hạn chế nhưng về tổng thể công tác đào tạo, quy hoạch và bố trí cán bộ DTTS trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã đạt được những kết quả nhất định. Điều đó thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đội ngũ cán bộ này. Đây cũng là cơ sở, tiền đề quan trọng để địa phương có thể triển khai có hiệu quả hơn các chính sách về cán bộ DTTS trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở địa phương.

TAGS

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Mai Lâm |

Thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong giai đoạn 1 (2021 - 2025) kế hoạch ngân sách trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị gần 1.479 tỉ đồng để thực hiện 6 dự án: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư những nơi cần thiết; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; Truyền thông, tuyên truyền vận động trong vùng đồng bào DTTS, miền núi. Kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình.

Tạo điều kiện để người dân tộc Vân Kiều ở Vĩnh Linh đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống

Nguyễn Trang |

Trong số gần 53.000 người tham gia hoạt động kinh tế, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có trên 2.500 lao động người dân tộc Vân Kiều, tập trung tại 3 xã miền núi, đông nhất ở xã Vĩnh Ô.

Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc

Nguyễn Đắc Thủy |

Đây là chủ đề xuyên suốt của Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV diễn ra từ ngày 2/12- 4/12 trên Đất Tổ Hùng Vương.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Minh Long |

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, tình hình KT-XH ở huyện Đakrông (Quảng Trị) có bước phát triển rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện.