Người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung, huyện Gio Linh nói riêng ngày càng nhận được sự quan tâm, chăm sóc, trợ giúp về nhiều mặt của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt nổi bật trong đó là công tác hỗ trợ vay vốn tạo việc làm để NKT có thêm thu nhập, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Châu (59 tuổi) ở thôn An Bình, xã Gio An, bị hỏng mắt bẩm sinh, thị lực chỉ còn hơn 10%. Ông Châu cho biết, 5 năm trước ông vay vốn ưu đãi của Trung ương Hội NKT 30 triệu đồng để mua 3 con bò giống.
Từ số bò giống ban đầu, đàn bò sinh sản thêm 5 con. Ông Châu đã lần lượt bán số bò này để lấy tiền nuôi các con ăn học và trả nợ vốn gốc. Năm 2023, ông Châu tiếp tục vay thêm 38 triệu đồng, trong đó 30 triệu đồng để mua 2 con bò giống và đầu tư làm chuồng trại; 8 triệu đồng còn lại để phục hồi, chăm sóc vườn tiêu.
Việc được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình giúp ông thêm tự tin, qua đó tiếp sức cho ông và gia đình từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Ông Dương Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, Trưởng Ban điều phối phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho NKT cho biết, được sự hướng dẫn của Sở LĐ,TB&XH, sự chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, UBND huyện đã triển khai thực hiện sâu rộng Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại công văn số 1190/QĐ-TTg ngày 5/8/2020, đã tạo ra những thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mọi tầng lớp nhân dân đối với NKT.
Đến nay, toàn huyện có hàng nghìn người được vay vốn giải quyết việc làm từ các nguồn vốn ưu đãi của nhà nước. Cùng với đó, thông qua các nguồn vốn vay của trung ương và địa phương do Hội Người mù quản lý với tổng số vốn gần 460 triệu đồng, giúp NKT được vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả.
Bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình trợ giúp NKT do hệ thống chính trị thực hiện, thì NKT còn nhận được các nguồn hỗ trợ khác từ các tổ chức từ thiện, nhân đạo về hỗ trợ sinh kế, vay vốn, học nghề, tạo việc làm... góp phần giảm bớt khó khăn trong đời sống hằng ngày của bản thân, gia đình NKT. NKT trên địa bàn huyện được hưởng lợi từ dự án nuôi bò sinh sản ở các xã Trung Sơn, Gio Châu, Gio Sơn, Hải Thái, Phong Bình, Gio Mỹ, Gio Quang và thị trấn Gio Linh do tổ chức GCS Hàn Quốc và dự án RENEW tài trợ. Tổng số bò được cấp và sinh sản đến nay hơn 100 con.
Cùng với đó, hộ NKT các xã Linh Hải, Gio An, Trung Sơn được vay 495 triệu đồng vốn ưu đãi để nuôi bò sinh sản. Ngoài ra, nhiều NKT được Hội Người mù huyện tổ chức sản xuất tăm tre, hương thơm với hơn 22.500 sản phẩm/năm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.
Theo ông Dương Đức Hạnh, nổi bật trong hỗ trợ của các tổ chức xã hội phải kể đến dự án của Trung tâm SRD (Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững) hỗ trợ vốn hơn 905 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi gà vịt, lợn thịt, lợn nái, mở cửa hàng buôn bán nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế hộ gia đình.
Dự án còn hỗ trợ vốn vay sinh kế cho 5 nhóm kinh doanh với số tiền gần 96 triệu đồng gồm: 2 nhóm kinh doanh online ở xã Gio An và Gio Hải; nhóm làm hương ở xã Trung Sơn; nhóm trồng sả ở xã Phong Bình và nhóm sinh kế ở xã Gio An. Hỗ trợ học nghề và khởi nghiệp thành công cho 3 NKT, gồm 2 người học nghề may tại xã Phong Bình và Trung Sơn; 1 người học nghề cơ khí tại thị trấn Gio Linh. Phối hợp với UBND xã Gio An tổ chức hội chợ trao đổi nông sản đặc trưng cho 400 NKT/thân nhân trên địa bàn huyện Gio Linh tham gia.
Ngoài ra, đồng hành với hội viên phụ nữ là NKT, Hội LHPN huyện ký kết biên bản hợp tác với tổ chức GCS của Hàn Quốc để thực hiện dự án “Tăng thu nhập cho NKT nghèo, khó khăn tại xã Gio Quang và Gio An, huyện Gio Linh thông qua hoạt động chăn nuôi bò”.
Qua đó, Hội LHPN huyện và dự án đã bàn giao vốn chăn nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình cho 45 hộ dân của 2 xã này với số tiền 720 triệu đồng (16 triệu đồng/hộ), lãi suất vay 0,2%/tháng. Đồng thời, mở 1 lớp tập huấn về kiến thức quản lý nguồn vốn và chăn nuôi bò cho các hộ.
Theo lãnh đạo huyện Gio Linh, thời gian qua NKT trên địa bàn huyện được quan tâm, trợ giúp về nhiều mặt nên cuộc sống của họ và gia đình dần vơi bớt những khó khăn. Nhiều trường hợp NKT đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, đạt thành tích trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, để tăng cơ hội việc làm cho NKT, ngoài chính sách chung, mong muốn các sở, ngành liên quan và các tổ chức hội cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề hướng nghiệp, tạo việc làm, xem xét, ưu tiên mở các lớp dạy nghề cho NKT nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho cá nhân, gia đình.
Khi có công việc ổn định sẽ giúp NKT tạo dựng cuộc sống tự lập, nâng cao vị thế của mình trong gia đình và xã hội, mở ra những cơ hội mới để NKT hoà nhập đầy đủ và bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)