Nằm giữa biển khơi, nhưng những chậu rau của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 Huyền Trân vẫn xanh tốt.
Rau được trồng trong từng chậu xốp gửi ra từ đất liền, qua bàn tay chăm sóc của các chiến sĩ, những cây cải, mồng tơi, rau gia vị như quế, húng, tía tô… vươn mình xanh tốt dù phải sống trong môi trường khắc nghiệt, quanh năm hứng chịu nắng gió và vị chát mặn của biển. Nhưng kỳ diệu hơn cả với tôi vẫn là giống cải mèo, vốn chỉ sinh trưởng được ở vùng cao, nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm lại xanh tốt giữa trùng khơi.
Từng được bà con đồng bào dân tộc thiểu số chiêu đãi món “đặc sản” này trong các chuyến công tác lên vùng cao nên tôi rất ấn tượng với giống cải có lá dài màu xanh sậm, viền lá hình răng cưa uốn lượn, thuộc họ rau lá bẹ. Đây là loại rau đặc sản được thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng cao, là món rau chính trong bữa ăn của đồng bào vùng cao biên giới.
Trung úy Nguyễn Thái Hải, nhân viên quân y Nhà giàn DK1 khoe với tôi: “Có nhiều cách để chế biến món rau cải đặc sản này như luộc, xào tỏi, nấu canh hoặc ăn lẩu. Giống cải này có vị ngọt nhẹ, thanh mát và lá ăn giòn. Hôm nay anh em nhà giàn chúng tôi sẽ chiêu đãi các anh, các chị món rau cải ngon tuyệt “cú mèo” này nhé”.
Rồi anh Hải kể với tôi cơ duyên giống cải của đồng bào vùng cao “bén duyên” nhà giàn. Rau trong bữa ăn ở nhà giàn trước đây chủ yếu là cải ngọt, bẹ, mồng tơi... Anh Hải vốn quê ở thành phố Đông Hà, trong một lần về thăm nhà, lên chơi nhà người bà con ở huyện miền núi Hướng Hóa, thấy giống rau này tuy chưa được trồng nhiều nhưng sống khỏe, phát triển nhanh. Anh liền hỏi bà con kỹ thuật trồng, phân bón thích hợp rồi mua ít giống và lấy một ít đất đem ra nhà giàn trồng thử.
“Ban đầu, tôi gieo thử một ít, sau thấy loại cải này sinh trưởng khá nên trồng nhiều hơn. Đặc điểm của loại rau này là dễ thuần hóa, ít bón phân nên anh em đỡ vất vả. Ở môi trường biển, khi cây còn non phải che chắn thường xuyên để tránh hơi mặn, khi lớn rồi cây lại cần ánh sáng mạnh nên khá hợp ở nhà giàn. “Nhất nước, nhì phân”, chúng tôi phải chắt chiu từng giọt nước ngọt mới được mấy chậu cải đặc sản này đấy”, anh Hải khoe với tôi.
Ai đã từng ra thăm Trường Sa cũng phải khâm phục trước những vườn rau xanh tốt nơi đầu sóng ngọn gió. Trên các điểm đảo là các giống rau thông dụng, còn ở đảo lớn như Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Nam Yết… đã trồng được các giống rau “khó tính” như bắp cải, su hào, mướp đắng, súp lơ và ở “ngôi nhà” toàn sắt giữa trùng khơi này, giống cải của đồng bào vùng cao tỉnh Quảng Trị cũng đã “bén duyên” với những người lính đảo.
Hôm ra Nhà giàn DK1/7 Huyền Trân do sóng lớn nên chỉ một số ít đại biểu chúng tôi được “đặc cách” lên nhà giàn và được cánh lính nhà giàn mời thưởng thức bữa cơm thắm tình quân dân giữa mênh mông biển cả. Bữa cơm thật đặc biệt bởi bên cạnh món thịt hộp, cá vừa câu dưới biển lên, người lính đảo trịnh trọng đặt xuống mâm cơm một đĩa rau cải. Hết xuýt xoa lẫn ngạc nhiên về loài rau lần đầu được nghe tên và nếm thử, ai cũng dừng đũa trước đĩa rau cải xào tỏi hấp dẫn. Không hẳn vì đĩa rau ít để chúng tôi chạm nhẹ, nâng niu từng miếng một, rồi mới đưa lên miệng thưởng thức, mà còn vì những cọng rau xanh ấy chứa đựng biết bao công sức nhọc nhằn, được chăm chút bằng thứ phân bón “đặc biệt” - mồ hôi chát mặn của lính nhà giàn. Gió biển, nước biển, mưa biển, khí biển và cả khí chất người chiến sĩ Trường Sa như hòa tan trong tiếng giòn tan lẫn vị ngọt, thanh mát của giống rau cải biên giới nay đã “bén duyên” với những người lính nhà giàn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)