Sau y tế, an sinh xã hội được xem là trụ cột quan trọng thứ hai trong chiến lược phục hồi, phát triển của TPHCM vào giai đoạn tới. Sự chung tay của người dân từ nhiều góc độ khác nhau đã và đang giúp cho chính sách nhân văn này mau chóng lan tỏa.
Tự nguyện không nhận hỗ trợ vì “nhà vẫn còn gạo”
Cùng làm công nhân, vợ chồng anh Lương Hậu (47 tuổi) thuê trọ tại khu phố 3, phường Linh Trung, TP. Thủ Đức gần 6 năm nay. 5 tháng qua, vợ anh Hậu ở lại công ty theo mô hình “ba tại chỗ”. Thế nhưng, thời gian đi cách ly tập trung nhiều hơn làm việc nên thu nhập không thấm vào đâu. Hai con gái đồng loạt ở nhà do trường học đóng cửa, anh Hậu xin nghỉ làm chăm con. Thu nhập về 0, tiền tích lũy còn quá ít, cha con anh Hậu tằn tiện sống nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Nhờ chủ nhà trọ giảm 50% giá thuê, địa phương thường xuyên hỗ trợ nhu yếu phẩm nên mới lay lắt qua ngày.
Vậy nên, khi hay tin anh Hậu tự nguyện nhường gói hỗ trợ đợt này cho những hoàn cảnh khó khăn hơn, nhiều người trong khu trọ vừa ngạc nhiên vừa xúc động. Nghe nhiều người hỏi, anh Hậu nói: “Mình khó nhưng vẫn còn ráng được, nhiều người khó khăn hơn đang chật vật bên ngoài, mình nhường lại để giúp đỡ họ. Hơn một tháng nay, tôi làm nhân viên giao hàng cho mấy người trong khu cũng đủ ít chi phí mấy cha con xoay xở rau cá. Giờ chỉ mong dịch ổn, các con đi học, tôi quay lại xưởng may”.
Anh Hậu là một trong hơn 1.600 người dân tại phường Linh Trung, TP. Thủ Đức tự nguyện nhường lại gói hỗ trợ đợt này cho những người khó hơn trong cộng đồng.
Ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch UBND Phường Linh Trung cho biết, đợt này, toàn phường có hơn 43.000 người nhận gói hỗ trợ, đa phần là lao động khó khăn, không có thu nhập trong dịch. Hiện địa phương đang tiến hành rà soát danh sách hộ nghèo, cận nghèo để kịp thời có những hỗ trợ cần thiết. Được biết trong hơn 64.000 dân của phường có gần 65% là các hộ tạm trú, ở trọ với rất nhiều công nhân và sinh viên. “Trong lúc khó khăn, nhiều người dân tự nguyện không nhận gói hỗ trợ là điều vô cùng đáng quý, giúp san sẻ và giảm đi áp lực kinh tế cho công tác chăm lo an sinh. Suốt đợt dịch này, chúng tôi cũng may mắn vận động được rất nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu (tổng giá trị hơn 12 tỷ đồng) từ các doanh nghiệp và nhà hảo tâm, kịp thời phân phát hỗ trợ người dân”, ông Hưng cho hay.
Khoảng 22.300 dân trong số hơn 57.000 dân đang sinh sống tại phường 12, quận Gò Vấp cũng thuộc nhóm tạm trú. Theo ông Nguyễn Hồng Lâm, Phó Chủ tịch phường, từ đầu đợt dịch đến nay, điều khiến chính quyền an tâm nhất là các gói hỗ trợ đến tay hộ tạm trú nhanh nhất. Những túi quà an sinh cũng được ưu tiên cho gia đình khó khăn, sinh viên, công nhân đang mắc kẹt tại các khu nhà trọ, khu lưu trú. Đa phần đều khó khăn nhưng khi tiếp nhận được thư ngỏ từ UBND phường 12 thông qua các kênh tuyên truyền số, hơn 150 người dân đã tự nguyện nhường gói hỗ trợ đợt 3 vì “nhà vẫn còn gạo”.
Ông Nguyễn Hồng Lâm chia sẻ: “Điều này cho thấy sự tương thân tương ái của mọi người trong giai đoạn khó khăn này. Thực sự ai cũng thiếu hụt nhưng mọi người cố cầm cự để nhường phần hỗ trợ cho người khó hơn. Tôi xúc động khi nhiều người trong số đó ở trọ, thất nghiệp nhưng vẫn không nhận, họ nói ngoài kia còn nhiều người khổ hơn. Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì các phần quà an sinh để giúp bà con khi cần. Mong chúng ta bình an bước qua đợt dịch”.
Vẫn sát cánh với người dân
Thông tin từ Sở Lao động, Thương binh & Xã hội TPHCM cho biết, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, thành phố đã và đang triển khai ba gói hỗ trợ nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho các hộ gia đình khó khăn, giúp người dân có thêm chi phí xoay xở cuộc sống.
Cụ thể, gói hỗ trợ đợt 1 khoảng 886 tỷ đồng được triển khai từ đầu tháng 7, trong đó ưu tiên hỗ trợ lao động tự do. Có khoảng 370.000 lao động tự do đã được hỗ trợ với số tiền 1,5 triệu đồng/người. Đến đầu tháng 8, khi dịch diễn biến phức tạp hơn, TPHCM tiếp tục có gói hỗ trợ đợt 2 hơn 900 tỷ đồng và sau đó bổ sung thêm 2.577 tỷ đồng hỗ trợ hơn 1,2 triệu hộ nghèo, hộ lao động khó khăn và hơn 1 triệu lao động tự do. Từ cuối tháng 9, TPHCM tiếp tục triển khai gói hỗ trợ đợt 3 với kinh phí khoảng 7.300 tỷ đồng.
Ngoài tiền hỗ trợ, các túi quà an sinh, suất cơm nghĩa tình cũng phần nào giúp tuyến đầu chống dịch, người dân khó khăn cảm thấy ấm lòng hơn trong chuỗi ngày giãn cách kéo dài vừa qua. Trong đợt dịch này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã huy động được hơn 3.000 lượt tổ chức, cá nhân ủng hộ với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.
Sau một thời gian triển khai trao túi quà an sinh đến từng hộ gia đình, mới đây, Trung tâm An sinh TPHCM đã tạo thêm ứng dụng để kêu gọi hỗ trợ, kết nối nhà hảo tâm với người cần giúp thông qua chương trình “Thành phố nghĩa tình - Kết nối yêu thương”. Với chủ đề “Triệu người có giúp nhiều người khó”, ứng dụng An sinh kêu gọi từng người dân thành phố cùng chung tay tạo nên những suất quà thiết thực, gửi đến các hộ dân cần giúp trong cộng đồng.
Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho biết, thông qua ứng dụng này, nhà hảo tâm và người cần trợ giúp sẽ tương tác trực tiếp quá trình trao nhận dưới sự giám sát, điều phối của Trung tâm an sinh TPHCM. Theo đó, ngoài gói an sinh cũ nay có ba gói yêu cầu hỗ trợ, gồm: Gói túi an sinh (nhu yếu phẩm thiết yếu) trị giá 300.000 đồng; gói tiền điện, nước, điện thoại trị giá 400.000 đồng và gói tiền điện, nước, điện thoại và túi an sinh nghĩa tình tổng trị giá 700.000 đồng. Người dân khó khăn cần hỗ trợ truy cập ứng dụng và gửi yêu cầu hỗ trợ theo các gói trên và đợi trung tâm kết nối với mạnh thường quân. Giai đoạn này, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM cũng đã gửi sẵn đến các quận huyện 320.000 túi quà an sinh để kịp thời trao tận tay những trường hợp khó khăn cấp bách.
Chính sách an sinh vật chất được TPHCM phối hợp với chương trình “Vaccine tinh thần” nhằm hạn chế tối đa những sang chấn tâm lý mà nhiều người dân phải gánh chịu do tác động của dịch bệnh và thời gian giãn cách kéo dài. Thời gian qua, việc tư vấn, hỗ trợ điều trị về mặt tinh thần thông qua tổng đài 1022 và nhiều kênh uy tín khác đã giúp nhiều người dân TPHCM, đặc biệt là các F0 giảm bớt gánh lo, sự bức bí khi phải trải qua những biến động do dịch bệnh mang lại. Trong giai đoạn tới, TPHCM sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới các chuyên gia đến từ các hội tâm lý, các trường đại học để thêm nhiều người dân được tiếp cận hệ thống “vaccine tinh thần”, sớm bắt nhịp cuộc sống trong điều kiện mới.
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, có ba việc liên quan đến công tác an sinh mà thành phố đã làm rất tốt cần được duy trì trong giai đoạn tới. Trước tiên phải nói đến hiệu quả của việc thu hút các lực lượng xã hội cùng cho lăm cho người dân khi dịch bệnh kéo dài. Sự nhanh nhạy trong ứng dụng công nghệ cũng là điểm cộng giúp thành phố kịp thời kết nối nhiều nguồn lực hỗ trợ cộng đồng ngay thời điểm “ai ở đâu ở yên đó”.
Thành phố không ngần ngại trong việc chia sẻ thông tin về các trường hợp khó khăn mà ngân sách chưa đủ điều kiện chăm lo. Nhờ vậy, rất nhiều người dân không thuộc nhóm đối tượng được hưởng chính sách vẫn có những nguồn hỗ trợ kịp thời./.
(Nguồn: Chính phủ)