Siết chặt kiểm soát việc giết mổ gia súc, gia cầm

Mai Lâm |

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tăng cao nên thời gian này các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh đều hoạt động hết công suất. Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đang tồn tại ở một số địa phương nhưng phần lớn các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh đều nhỏ lẻ, chưa đảm bảo về hạ tầng, thiết bị nên nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất lớn.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh có 187 điểm giết mổ được cấp phép, trong đó có 176 điểm giết mổ nhỏ lẻ (chưa kể nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ tự phát không thể kiểm soát). Những ngày này, các lò mổ đều hoạt động hết công suất để phục vụ thị trường cận Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này đều nhỏ lẻ không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Hầu hết cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo về hạ tầng, trang thiết bị, vệ sinh môi trường - Ảnh: M.L​
Hầu hết cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo về hạ tầng, trang thiết bị, vệ sinh môi trường - Ảnh: M.L​

Đặc biệt, tại các chợ dân sinh tình trạng tiểu thương giết mổ gia cầm sống phục vụ người tiêu dùng ngay tại chợ vẫn diễn ra phổ biến. Các điểm giết mổ gia cầm tại chợ thường chỉ có những nồi nước nhỏ, vài chiếc chậu và máy vặt lông. Khu vực giết mổ không đảm bảo về vị trí, điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Các công đoạn giết mổ gia cầm đều được tiến hành trên nền xi măng hoặc gạch men, không có khu xử lý thịt và khu xử lý phụ phẩm riêng biệt; nước xả, nước thải tràn lan trên sàn...

Trong quá trình giết mổ, thịt gia cầm và nội tạng, phân, nước thải ... đều nằm lẫn với nhau trong chậu nước nên việc thịt bị nhiễm vi sinh vật là điều không thể tránh khỏi. Theo chị Nguyễn Thị Hoa, một hộ kinh doanh gia cầm ở chợ Phường 5, thành phố Đông Hà, dịp cận Tết như thế này trung bình mỗi ngày quầy chị bán khoảng 30 - 40 con gà, vịt. Tuy nhiên, khách hàng hiện nay đều muốn lựa chọn gà, vịt sống và yêu cầu giết mổ, làm sạch ngay tại chợ… nếu không đáp ứng được thì họ sẽ sang nơi khác mua. Vì thế, ai bán gà, vịt đều phải giết mổ tươi sống tại chợ cả.

Địa bàn tỉnh Quảng Trị đến nay vẫn chưa có cơ sở nào thực hiện giết mổ treo theo quy mô công nghiệp hoặc bán công nghiệp mà 100% cơ sở thực hiện giết mổ sàn. Hầu hết các điểm giết mổ chủ yếu là tận dụng một phần diện tích sinh hoạt của gia đình để hoạt động nên diện tích không đảm bảo, dụng cụ giết mổ thô sơ, hệ thống xử lý chất thải không có. Hiện trên địa bàn tỉnh có 11 cơ sở giết mổ gia súc tập trung, trong đó có những cơ sở được xây dựng từ năm 1996. Tại thời điểm đó những cơ sở giết mổ này được xây dựng cách khá xa khu dân cư nhưng quá trình đô thị hóa, các khu dân cư mới được hình thành và phát triển dẫn đến hiện nay các cơ sở giết mổ trên đều nằm trong khu dân cư, không phù hợp với điều kiện theo quy định về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Trong khi đó, do nhu cầu tiêu thụ thịt tăng cao nên công suất của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm hiện nay đều tăng gấp 2-3 lần so với thiết kế ban đầu. Trong điều kiện tiêu chuẩn về cơ sở vật chất đã xuống cấp, không đảm bảo nay lại hoạt động quá tải nên nguy cơ không đảm bảo an toàn thịt động vật sau giết mổ luôn tiềm ẩn.

Trung bình mỗi ngày đêm, trên địa bàn tỉnh có 387 con lợn, 47 con trâu, bò, 5 con dê và 818 con gia cầm được ngành chức năng kiểm soát giết mổ. Tuy nhiên, lượng thịt tiêu thụ ngoài thị trường thì lớn hơn rất nhiều do hoạt động của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ rất khó kiểm soát. Một thực tế đang diễn ra là do nhận thức, thói quen nên người tiêu dùng vẫn thường xuyên sử dụng những sản phẩm động vật không được kiểm soát trong bữa ăn hằng ngày. Điều này đã tạo cơ hội cho các lò giết mổ nhỏ lẻ tự phát phát triển. Tuy nhiên, trước tình hình các loại dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi chưa dứt điểm và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện trên địa bàn tỉnh thì việc siết chặt khâu giết mổ được xem là một “mắt xích” quan trọng để phòng, chống dịch cũng như đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo ông Đào Văn An, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ngành thú y không có chức năng kiểm tra tại các chợ. Công tác kiểm tra phụ thuộc vào đoàn liên ngành do chính quyền các địa phương tổ chức, nên khó phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp giết mổ, buôn bán, vận chuyển thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm soát. Để đảm bảo thị trường thực phẩm dịp Tết, đợt này các đơn vị quản lý chăn nuôi và thú y trong tỉnh đang tập trung ra quân phối hợp với chính quyền các địa phương siết chặt việc quản lý và giám sát hoạt động giết mổ. Chi cục cử cán bộ thú y hỗ trợ các điểm giết mổ kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ gia súc, gia cầm trước khi đưa vào giết mổ, đóng dấu kiểm soát và giám sát hoạt động giết mổ, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn sản phẩm không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh công tác kiểm soát của ngành chức năng, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen trong việc sử dụng thịt gia súc, gia cầm giết mổ tại các chợ, các điểm giết mổ nhỏ lẻ tự phát chưa qua kiểm soát của cơ quan thú y. Về lâu dài, tỉnh cần quan tâm có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và an ninh trật tự trong các khu dân cư, cũng như hạn chế dịch bệnh phát sinh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Kịp thời khống chế ổ dịch tả lợn Châu Phi

Anh Vũ |

Sau một thời gian tạm lắng xuống, hiện nay bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã phát sinh trở lại tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, những ngày qua công tác phòng, chống dịch bệnh đang được chính quyền các cấp, ngành chức năng và người dân tích cực triển khai với nhiều giải pháp nhằm khống chế không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Ai tiếp tay cho lợn nhập từ Thái Lan tuồn thẳng ra thị trường?

Nhóm PV |

Ngày 11.1, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm. Theo quy trình, lợn nhập khẩu phải được cách ly, xét nghiệm dịch bệnh, nếu an toàn mới được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, suốt nhiều ngày đêm bám theo các đoàn xe chở lợn nhập khẩu từ Thái Lan vào nội địa Việt Nam, PV Báo Lao Động phát hiện nhiều dối trá trong nhập khẩu lợn và việc cách ly, xét nghiệm, gây nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Khôi phục đàn lợn và những vấn đề đặt ra

Đan Tâm |

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) bùng phát năm 2018 - 2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 20/5/2019 “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi”. Chỉ thị nêu rõ: “Cùng với việc chỉ đạo các biện pháp phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tổ chức đảng các cấp chỉ đạo việc chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm, thủy cầm để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân…”

Lợn ỉ Việt Nam phá phách khắp đường phố Mỹ

Thanh Mai |

Cách đây 5 năm, lợn ỉ Việt Nam đã xâm chiếm Puerto Rico do nhiều người mua về làm thú cưng vì lúc nhỏ chúng rất đáng yêu.