Đây là chương trình nhằm thay đổi sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới Việt- Lào. Cũng là hoạt động thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết, thắm tình kết nghĩa giữa hai bản thuộc biên giới Việt- Lào anh em.
Ngày 10/4/2023 Nhóm Ong Chăm và Nữ Dịch giả Hà Nội phối hợp với Đồn Biên phòng Ba Nang, huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị trao 1.000 ngan giống, thức ăn và thuốc thú y cho bản A Xóc Lào và Sa Trầm của Việt Nam.
Đây là chương trình nhằm thay đổi sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới Việt Lào. Cũng là hoạt động thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết, thắm tình kết nghĩa giữa hai bản thuộc biên giới Việt Lào anh em.
Được biết, trong năm 2022 - 2023, nhóm Ong Chăm đã hỗ trợ 5.000 ngan giống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và một số bản ở nước bạn Lào. Ngoài mục tiêu thay đổi sinh kế, chương trình giúp các em học sinh lao động giúp đỡ gia đình sau thời gian đi học, đặc biệt là trong dịp hè.
Đại úy Nguyễn Văn Tám, Đội trưởng Đội vận động quần chúng cho biết, trong năm 2022, từ nguồn con giống hỗ trợ của nhóm Ong Chăm, đàn ngan trên địa bàn phát triển rất tốt, có hộ gia đình đã tự chủ được con giống từ ngan trưởng thành bố mẹ để phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ một số hộ gia đình khó khăn.
Bà Phan Vũ Diễm Hằng - người phụ trách nhóm Ong Chăm cho hay: Chúng tôi rất vui mừng khi những đóng góp của nhóm Ong Chăm đem lại hiệu quả kinh tế, nhất là cải thiện được đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị. Mô hình "Đàn ngan Khăn quàng đỏ" đã được áp dụng và có hiệu quả ở hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Thời gian tới chúng tôi sẽ áp dụng với một số tỉnh phù hợp.
Bà Phan Vũ Diễm Hằng chia sẻ thêm: Để hoạt động của nhóm Ong Chăm hiệu quả, chúng tôi đã phối hợp với nhiều tình nguyện viên, đặc biệt là sự hỗ trợ đắc lực của các đồn biên phòng trong việc giám sát, hỗ trợ kĩ thuật chăn nuôi đối với người dân thôn bản.