Với Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật”, thời gian qua, Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) tại Quảng Trị đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với bà NGUYỄN THỊ NGỌC LAN, Điều phối viên Dự án ACDC tại Quảng Trị để tìm hiểu về hoạt động của trung tâm.
- Thưa bà! Đề nghị bà giới thiệu về ACDC và Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật”?
- ACDC là một tổ chức phi chính phủ địa phương thành lập năm 2011 trực thuộc Trung ương Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á. ACDC tiên phong tạo dựng môi trường sống tốt hơn cho người khuyết tật và nhóm yếu thế. Chúng tôi cam kết đóng góp cho sự hòa nhập của người khuyết tật, nhóm yếu thế thông qua các hoạt động hỗ trợ đảm bảo quyền của người khuyết tật và thúc đẩy các mô hình phục vụ người khuyết tật. Can thiệp của ACDC tập trung vào việc phá bỏ các rào cản, đồng thời khuyến khích người khuyết tật nâng cao năng lực bản thân và đóng góp giá trị cho xã hội. Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành với người khuyết tật và các đơn vị xây dựng, thực thi chính sách vì quyền bình đẳng của người khuyết tật Việt Nam.
Hiện nay, ACDC đang triển khai tại Quảng Trị Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật”. Dự án được khởi động từ tháng 10/2018 và sẽ kết thúc vào tháng 9/2021 do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Đối tác thực hiện dự án là Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cùng với Sở Y tế. Chúng tôi mang lại lợi ích trực tiếp đến với người khuyết tật; các nhà cung cấp dịch vụ; gia đình người khuyết tật; sở, ngành, hội liên quan và các nhóm tự lực, nhóm vận động… Mục tiêu chính của dự án là cải thiện việc thực thi các chính sách liên quan đến người khuyết tật. Chúng tôi nỗ lực phát triển các chính sách trong tiếp cận vật lý và chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật; nâng cao năng lực thực thi chính sách về người khuyết tật cho các cơ quan liên quan tại địa phương, cụ thể là: Sở Xây dựng, Sở Y tế và Hội Người khuyết tật; thúc đẩy thực thi chính sách dành cho người khuyết tật…
- Sau hơn một năm triển khai, Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” đã có những hoạt động thiết thực nào, thưa bà?
- Mặc dù mới triển khai tại Quảng Trị nhưng Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” đã có những bước đi vững chắc. Với nhiều nỗ lực, ACDC đã hỗ trợ Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tham gia giám sát việc thực hiện Kế hoạch 3861/KH-UBND, ngày 10/12/2012 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc triển khai Đề án của Thủ tướng Chính phủ về trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013 - 2020. Trong đó, chúng tôi quan tâm nhiều đến khả năng tiếp cận của người khuyết tật với các công trình xây dựng và giao thông vận tải. Qua giám sát, Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã báo cáo, phản ánh kết quả với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo các ban, ngành, đặc biệt là Sở Xây dựng rà soát lại các công trình xây mới nhằm đáp ứng khả năng tiếp cận của người khuyết tật theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng và Kế hoạch 3861 của tỉnh. Thông qua các hoạt động của dự án, cán bộ Sở Giao thông - Vận tải và Sở Xây dựng cũng được nâng cao kiến thức về quy chuẩn tiêu chuẩn tiếp cận của người khuyết tật trong lĩnh vực giao thông vận tải. Các cán bộ y tế được nâng cao kiến thức, kỹ năng giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng cũng như công tác xã hội tại bệnh viện. ACDC cũng đã đào tạo nhóm giảng viên gồm một số người khuyết tật của Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh. Sau khi được đào tạo, họ trực tiếp đến các địa phương trong tỉnh để tập huấn về phòng, chống bạo lực giới cho người khuyết tật và gia đình người khuyết tật.
Luôn hướng đến người khuyết tật, ACDC đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực. Nhờ sự hỗ trợ của ACDC, thời gian qua, hơn 160 phụ nữ khuyết tật tại các huyện: Gio Linh, Đakrông, Hướng Hóa đã được khám, điều trị và tư vấn miễn phí về sức khỏe; 90 phụ nữ khuyết tật huyện Hướng Hóa và thành phố Đông Hà được đào tạo về sức khỏe sinh sản; hơn 160 người khuyết tật được đào tạo về tiếp cận vật lý, sống độc lập; gần 1.000 người khuyết tật nắm được các chính sách liên quan đến người khuyết tật thông qua tập huấn, tư vấn online, tư vấn trực tiếp...
Cùng với Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, chúng tôi cũng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện hướng về người khuyết tật. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự kiện “Chạy cùng người khuyết tật” với chủ đề “Không khoảng cách, không giới hạn”, được tổ chức nhân dịp ngày người khuyết tật Việt Nam. Trong sự kiện, hơn 600 người dân và người khuyết tật đã tham gia và gây quỹ được gần 300 triệu để hỗ trợ xây dựng 5 nhà vệ sinh tiếp cận và 20 đường dốc cho người khuyết tật. Mới đây nhất, ngày 28/2/2020, ACDC đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng nhà trung chuyển cho người khuyết tật tại Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh. Đây là một phòng bệnh mô phỏng lại một căn nhà thông thường với đầy đủ các chức năng sinh hoạt hằng ngày, được thiết kế theo các tiêu chuẩn phù hợp với người khuyết tật, giúp họ làm quen với cuộc sống tự lập.
- Bà có thể cho biết qua những hoạt động của mình, ACDC bước đầu đã mang lại sự đổi thay tích cực như thế nào cho người khuyết tật trên địa bàn?
địa bàn? - Điều khiến chúng tôi rất vui mừng là thông qua các hoạt động, Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” đã mang lại rất nhiều thay đổi với người khuyết tật và cộng đồng. Đơn cử như nhiều người khuyết tật đã biết, nắm vững các chính sách liên quan đến người khuyết tật thông qua các lớp tập huấn, buổi tư vấn online, tư vấn trực tiếp. Từ đây, họ và người thân trong gia đình đã tiếp cận, đề xuất để được hưởng đầy đủ các chế độ bảo trợ xã hội đúng theo quy định của nhà nước, lĩnh vực tiếp cận trong giao thông, xây dựng và chăm sóc sức khỏe. Người khuyết tật tự tin hơn để tham gia trao đổi, chia sẻ hoặc yêu cầu việc thực hiện luật cũng như các chính sách liên quan đến người khuyết tật. Nhà trung chuyển tại Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh mới được xây dựng giúp người khuyết tật có thể thực hành các hoạt động hằng ngày để chuẩn bị cho cuộc sống độc lập khi trở về nhà.
- Vậy thời gian tới, ACDC tiếp tục có những nỗ lực như thế nào để hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh?
- Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động để đạt được mục tiêu của dự án là cải thiện việc thực thi chính sách về khuyết tật, trong đó tập trung vào tiếp cận vật lý và chăm sóc sức khoẻ. Một tin vui là từ tháng 3/2020 đến tháng 9/2021, ACDC sẽ thực hiện một hợp phần nhỏ trong Hợp phần “Cải thiện về tiếp cận nhà ở và tăng cường nhận thức, kỹ năng sống độc lập cho người khuyết tật” do Tổ chức HI hỗ trợ. Mục đích của hợp phần này là góp phần thúc đẩy cuộc sống độc lập của người khuyết tật Quảng Trị thông qua việc nâng cao nhận thức, kỹ năng sống độc lập cho người khuyết tật, gia đình cũng như các nhà cung cấp dịch vụ và cộng đồng.
- Xin cảm ơn bà!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)