Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai, rủi ro... mà người dân không chỉ gặp khó khăn trong cuộc sống, họ còn túng thiếu nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, học hành...
Tuy nhiên, không phải lúc nào nguồn vốn tín dụng ngân hàng cũng đáp ứng được cho nhu cầu của người dân. Đây là lúc “tín dụng đen” nắm bắt được nhu cầu của họ rồi bằng nhiều cách quảng cáo không lành mạnh để tiếp cận và được người dân chấp nhận mà không biết mình bắt đầu vướng vào con đường nợ nần khó trả.
Người nghèo dễ dính vay “tín dụng đen”
Chị N.T.T là mẹ đơn thân nuôi 2 con học đại học và cao đẳng. Gánh hàng thức ăn bán rông của chị không đủ để lo cho một gia đình 4 người, trong đó có mẹ già hơn 80 tuổi thường xuyên đau ốm. Một mình chị cố gắng hết sức nhưng cũng không đủ chi tiêu cho gia đình và gửi tiền nuôi 2 đứa con đang học ở xa. Do đó, có lúc con phát sinh những khoản đóng nộp đột xuất thì chị phải đi “vay trả góp” hoặc “vay nóng” ở chợ.
Thường thì chị T. vay 1 triệu lãi suất mỗi ngày 2.000 đồng (tương đương với lãi suất 72%/năm, cao gấp 10 lần so với lãi ngân hàng thương mại), còn nếu vay trả góp thì chị T. chỉ vay 900.000 đồng nhưng phải trả góp cả gốc lẫn lãi trong thời gian 30 ngày, mỗi ngày 33.000 đồng (tương đương lãi suất hơn 120%/năm). Số tiền lãi và tiền góp tăng theo tỉ lệ thuận với tiền vốn.
Chị T. cho biết: “Mỗi lần con cần tiền là tôi đi vay nóng, vay góp ở chợ chứ vay đâu cũng không được. Vay 900.000 đồng mà góp thành 990.000 đồng trong vòng 30 ngày biết là lãi quá cao nhưng dù sao cũng có tiền để gửi cho con chứ nó ở xa chẳng biết mượn ai. Tôi vay lần trước chưa trả hết, có khi lại vay tiếp lần sau nên đến giờ con tôi đã ra trường rồi mà tôi chưa trả hết nợ. Lãi cao như thế nên có tháng tôi chỉ trả được lãi chứ không trả được gốc, do đó tôi trả mãi cũng không hết nợ”.
Nguyên nhân mà người dân dễ dàng tìm đến “tín dụng đen” chủ yếu phần lớn do họ là người nghèo không đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của ngân hàng, họ cần tiền trong ngắn hạn, cần ngay tức thì mà thủ tục ngân hàng không thực hiện được... Trong khi nguồn vốn không chính thống ở ngoài xã hội lại đáp ứng nhanh, không cần thế chấp, nhiều hình thức tiếp cận nên người dân thường tìm tới, trong đó có “tín dụng đen”.
Thực tế đối tượng vay “tín dụng đen” tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, thiên tai, rủi ro như: Công nhân, người lao động thời vụ, kinh doanh nhỏ lẻ, người bị mất việc làm... Các đối tượng hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính núp bóng dưới nhiều hình thức; băng nhóm “tín dụng đen” hoạt động phức tạp, ngoài việc phát tán, rải tờ rơi, bọn chúng có xu hướng chuyển sang sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để tiếp cận người đi vay ở nhiều địa bàn, khu dân cư...
Đó là chưa kể tình trạng các băng nhóm “tín dụng đen” thường gửi tin nhắn quảng cáo cho vay mập mờ (thường là theo kiểu trả góp) qua điện thoại làm nhiều người không hiểu rõ đâu là gốc, đâu là lãi liền chọn vay và cung cấp số tài khoản qua tin nhắn, người vay tiền và người cho vay tiền hoàn toàn không biết mặt nhau. Đây là dạng “tín dụng đen” nặng lãi nhất và cũng “khủng bố” nhất hiện nay bởi khi mức lãi lên vài trăm phần trăm, thậm chí cả ngàn phần trăm mỗi năm thì người nghèo trả mấy cũng không hết nợ. Nếu chậm trả, băng nhóm “tín dụng đen” còn đe dọa họ hoặc gọi điện cho người thân của người vay để đe dọa làm cho họ điêu đứng...
Tăng cường các biện pháp phòng, chống
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Công văn số 1211/UBND-NC ngày 23/3/2021 về việc tăng cường phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” gửi các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh; cơ quan pháp luật; các hội đoàn thể; chính quyền các cấp.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tất cả các đơn vị được UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo kịp thời, đúng trọng tâm, phù hợp với phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên các phương tiện thông tin đại chúng có nội dung phong phú, sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân.
Công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, dự báo tình hình, cảnh báo sớm phương thức, thủ đoạn mới về hoạt động “tín dụng đen” có thể xảy ra tại địa bàn. Đẩy mạnh truyền thông qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể. Các tổ chức hội, đoàn thể triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống loại tội phạm này; quản lý đoàn viên, hội viên chấp hành nghiêm quy định pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác không tham gia vay vốn “tín dụng đen” qua tin nhắn điện thoại...
Chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể phối hợp với ngân hàng nhà nước và các sở, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn của người dân để có giải pháp tháo gỡ nhằm giúp người dân tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh, đời sống, học tập mà không tìm đến “tín dụng đen”.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các kênh vay vốn chính thống, đẩy mạnh phát triển các loại hình tiết kiệm, tín dụng; kịp thời có hình thức hỗ trợ tài chính đối với hội viên, đoàn viên có nhu cầu về vốn. Xây dựng các mô hình kinh tế lành mạnh, hướng dẫn, tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên đầu tư, kinh doanh chính đáng, góp phần hạn chế hội viên, đoàn viên tham gia, tiếp tay hoặc tìm đến “tín dụng đen” để vay vốn.
Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Có hình thức xử lý nghiêm đối với các cơ sở dịch vụ cầm đồ hoạt động không phép, biến tướng để hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê. Ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở, nhất là các cơ sở dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”. Công an cấp xã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở ra quân bóc, gỡ quảng cáo, tờ rơi về cho vay tiền tại nơi công cộng trên phạm vi toàn tỉnh.
Các sở, ngành đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Xử lý nghiêm cán bộ có dấu hiệu tiêu cực liên quan hoạt động “tín dụng đen”. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Đẩy mạnh công tác phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để thống nhất nội dung hướng dẫn tháo gỡ, phát hiện các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các sơ hở, thiếu sót, bất cập... để kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý.
Với sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của UBND tỉnh, các cấp, các ngành nhanh chóng vào cuộc để hạn chế tối đa nạn “tín dụng đen”, góp phần ổn định cuộc sống của người dân và đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)