Từ đầu năm 2021 đến nay, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, các lực lượng chức năng, đoàn thể chính trị - xã hội thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã tăng cường triển khai các giải pháp. Qua đó, ý thức và trách nhiệm của người dân trong tham gia giao thông được nâng cao, hạn chế được các vụ tai nạn giao thông.
Là đô thị trung tâm tỉnh lỵ, Đông Hà có mạng lưới giao thông đô thị khá dày đặc, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc dẫn đến tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) có những diễn biến phức tạp. Để góp phần đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn, Công an thành phố Đông Hà đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào công tác tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật, xử lý vi phạm về ATGT được tăng cường liên tục bằng các đợt hoạt động cao điểm cùng với áp dụng hiệu quả các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, huy động được nhiều lực lượng tham gia, tập trung các biện pháp mạnh để giải quyết từng chuyên đề cụ thể, phù hợp với từng thời điểm như tết, lễ, các hoạt động văn hóa - xã hội có ảnh hưởng đến tình hình trật tự ATGT và vào các khung giờ cao điểm, xử lý theo các chuyên đề như vi phạm nồng độ cồn, tốc độ.
Các ngành chức năng của thành phố thường xuyên phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Khảo sát những bất hợp lý về cơ sở hạ tầng giao thông như: Hạn chế tầm nhìn tại giao lộ, vạch sơn, đảo phân cách đặt chưa hợp lý gây khó khăn cho người tham gia giao thông, các tuyến đường huyện, nội thị… thiếu biển báo, không có biện pháp giảm tốc độ hiệu quả khi đấu nối với đường ưu tiên để kịp thời kiến nghị sửa chữa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông.
Có thể thấy rằng, nét nổi bật trong đảm bảo trật tự ATGT ở thành phố Đông Hà thời gian qua là công tác thông tin tuyên truyền về pháp luật, văn hóa và kỹ năng tham gia giao thông trong cộng đồng; tổ chức phân luồng, hướng dẫn, điều tiết giao thông đã có bước chuyển biến tích cực. Ví dụ như để đảm bảo ATGT vào giờ tan trường, công an thành phố xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông tại các cổng trường, đoạn đường có nguy cơ xảy ra tai nạn. Phối hợp với các trường học tổ chức hoạt động ngoại khóa tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT, các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông (TNGT)... cho học sinh, sinh viên, giáo viên.
Các trường học trên địa bàn chú trọng phối hợp với lực lượng công an, hội phụ huynh để thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT ở khu vực cổng trường, thông tin tuyên truyền về pháp luật ATGT tại các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp cho học sinh. Phân luồng các lớp ra về ở cổng chính và các cổng phụ để hạn chế ùn tắc giao thông và tuyên truyền, nhắc nhở các bậc phụ huynh chấp hành nghiêm quy định khi tham gia giao thông, đậu đỗ xe đúng nơi quy định khi đưa đón con em.
Kết quả đạt được là tích cực nhưng nguy cơ gia tăng vi phạm pháp luật ATGT, số vụ TNGT trên địa bàn vẫn còn do nhận thức của một bộ phận người dân về chấp hành pháp luật về ATGT chưa cao. Có mặt tại một số nút giao thông trọng điểm của Đông Hà như ngã tư Quốc lộ 9 - Hùng Vương; ngã tư Hùng Vương - Nguyễn Trãi; ngã tư Hàm Nghi - Quốc lộ 9; ngã ba Lý Thường Kiệt - Lê Duẩn; ngã ba Lê Quý Đôn - Lê Duẩn; ngã tư Hùng Vương - Điện Biên Phủ… không khó để chứng kiến khá nhiều người điều khiển ô tô, xe máy không bật đèn tín hiệu khi chuyển hướng, học sinh đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng hai, hàng ba và thản nhiên vượt đèn đỏ, cùng với đó tình trạng một số người không đội mũ bảo hiểm hay chở hàng hóa cồng kềnh khi tham gia giao thông. Số lượng phương tiện giao thông, nhất là xe ô tô gia tăng đột biến trong khi các tuyến phố chính của Đông Hà đều rất chật hẹp dẫn đến nguy cơ mất ATGT cao.
Để đảm bảo tốt trật tự ATGT, công an thành phố cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm các vi phạm về trật tự ATGT. Làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội, nhà trường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT. Các cơ quan chức năng thường xuyên rà soát, đánh giá những hạn chế, bất cập của hạ tầng giao thông để kịp thời đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng khắc phục, đầu tư nâng cấp để tạo thuận lợi cho việc đi lại và giảm thiểu TNGT.
Cùng với nhà trường, gia đình giữ vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục con em chấp hành pháp luật về ATGT bởi đây là “trường học” đầu tiên và đặc biệt quan trọng của trẻ em về ý thức, văn hóa tham gia giao thông. Vì vậy, hơn ai hết những bậc phụ huynh hãy là những người luôn tự giác chấp hành luật lệ giao thông trong mọi trường hợp, bình tĩnh, chủ động nhường nhịn lẫn nhau khi gặp sự cố và luôn quan tâm giúp đỡ người khác khi tham gia giao thông.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)