Tạo điều kiện cho người dân vùng khó khăn ổn định cuộc sống

Võ Thái Hòa |

Nhằm tạo điều kiện cho người dân ở trong các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, di cư tự do, khu rừng đặc dụng… có nơi ở và đầu tư sản xuất cải thiện đời sống, tỉnh Quảng Trị đã ban hành chính sách hỗ trợ cho những đối tượng trên từ nay đến năm 2025 theo Nghị quyết 34/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Đây là chính sách hỗ trợ kịp thời để người dân vùng khó sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân được nhận hỗ trợ là những hộ được bố trí ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt .

Hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, đất ở do sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét; hộ gia đình, cá nhân sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng; hộ gia đình, cá nhân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, thiếu đất, nước để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu

Các làng chài trên sông nước, ô nhiễm môi trường; hộ gia đình, cá nhân tự nguyện đến các vùng biên giới đất liền, khu kinh tế - quốc phòng; hộ gia đình, cá nhân đã di cư tự do đến các địa bàn trong tỉnh không theo quy hoạch, kế hoạch, đời sống còn khó khăn.

Bộ đội Biên phòng giúp người dân vùng biên giới thu hoạch lúa - Ảnh: T.L
Bộ đội Biên phòng giúp người dân vùng biên giới thu hoạch lúa - Ảnh: T.L
Hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu rừng đặc dụng cần phải bố trí, ổn định lâu dài. Các hộ gia đình thuộc đối tượng của Chương trình bố trí, ổn định dân cư đã di chuyển đến làm nhà tại nơi ở mới trong năm 2022 nhưng chưa nhận hỗ trợ cũng được hưởng chính sách này.

Để triển khai hỗ trợ đúng đối tượng theo chính sách, dân cư được hưởng lợi phải được bố trí phù hợp các quy hoạch các cấp theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng và các quy hoạch có liên quan. Ưu tiên bố trí ổn định dân cư để phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Bố trí ổn định dân cư là mục tiêu nhưng đồng thời cũng là giải pháp để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với quốc phòng - an ninh; bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, quốc phòng - an ninh, môi trường sinh thái, tài nguyên nước.

Quá trình thực hiện chính sách phải tuân thủ các quy định của pháp luật và Điều ước Quốc tế về biên giới quốc gia.

Dân cư được bố trí ổn định nhưng phải tập trung, có trọng điểm, đảm bảo kết cấu hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất để người dân đến nơi ở mới có điều kiện sống ổn định lâu dài; hướng tới hình thành các điểm dân cư đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; phù hợp với phong tục, tập quán văn hóa của từng dân tộc.

Bố trí ổn định dân cư là trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền địa phương. Do đó, các địa phương nằm trong vùng thực hiện chính sách cần huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị nhằm thực hiện có hiệu quả cao nhất.

Hộ gia đình, cá nhân bố trí ổn định theo quy hoạch, kế hoạch được nhà nước hỗ trợ về di chuyển (đối với các hộ chuyển đến) và các điều kiện để ổn định đời sống, phát triển bền vững cộng đồng dân cư. Ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện các nội dung thuộc chương trình theo quy định và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để thực hiện chương trình.

Việc bố trí ổn định dân cư chủ yếu thực hiện trên địa bàn trong xã, huyện, tỉnh. Ưu tiên thực hiện bố trí dân cư xen ghép là chủ yếu, kết hợp với di dân tập trung và ổn định tại chỗ. Hộ gia đình, người dân là chủ thể thực hiện, nhà nước hỗ trợ theo định mức.

Chương trình chỉ hỗ trợ khi hộ gia đình có nhà ở riêng tại vị trí cần phải di dời đến nơi ở mới theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đất ở phải đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật và thực hiện làm nhà mới có diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2 (cá nhân diện tích tối thiểu không dưới 18 m2 ; nhà hỗ trợ phải xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), các công trình phụ trợ (bếp, nhà vệ sinh); đáp ứng yêu cầu công năng, an toàn trong sử dụng; đảm bảo mỹ quan và phù hợp với phong tục tập quán của người dân địa phương.

Chương trình hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân theo hình thức tập trung và xen ghép trong việc di chuyển người và tài sản, nhà ở, lương thực, nước sinh hoạt đến nơi ở mới với mức vùng núi 70 triệu đồng/hộ, trong đó, ngân sách tỉnh 50 triệu đồng, ngân sách cấp huyện 20 triệu đồng; vùng đồng bằng 60 triệu đồng/hộ, trong đó, ngân sách tỉnh 40 triệu đồng, ngân sách cấp huyện 20 triệu đồng.

Đối với những hộ sinh sống ở vùng có nguy cơ thiên tai nhưng không còn quỹ đất để di chuyển đến chỗ khác nên phải ổn định dân cư tại chỗ thì ngân sách tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để nâng cấp, sửa chữa nhà ở.

Ngoài ra, tùy theo tình hình thực tế, các huyện, thị xã, thành phố có thể hỗ trợ thêm cho các hộ dân từ những nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp thực hiện giai đoạn 2022 - 2025 là gần 15 tỉ đồng với tổng số hộ dự kiến bố trí lại là 274 hộ.

Trong trường hợp thiên tai xảy ra, đối tượng bị ảnh hưởng buộc phải di dời với số lượng lớn hơn tổng kinh phí đã xây dựng từ trước thì bố trí từ ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để kịp thời hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Để thực hiện tốt chương trình, công tác tuyên truyền được tăng cường để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, đối tượng hưởng lợi và mức hỗ trợ theo từng đối tượng để tự giác thực hiện. Các huyện, thị xã bố trí quỹ đất và tổ chức thực hiện nghị quyết.

Thường trực HĐND, các ban của HĐND, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết. Với sự phân công rõ ràng nhiệm vụ và sự giám sát chặt chẽ của HĐND các cấp, chính sách này sẽ được thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân và đảm bảo an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nỗ lực thoát nghèo của người dân xã Gio Hải

Nam Phương |

Tính đến đầu năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Gio Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị) là 7,6%.

Giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa

Xuân Vinh |

Bám sát Công văn số 2534 ngày 28/11/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị về “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số (DTTS) dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non; Kế hoạch số 504 ngày 6/10/2022 của UBND huyện Hướng Hóa về kế hoạch giai đoạn 2 thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Phòng GD&ĐT Hướng Hóa triển khai nhiều giải pháp thực hiện.

1,3 tỉ đồng hỗ trợ người khuyết tật ổn định cuộc sống

Tây Long |

Ngày 2/11, Chủ tịch Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị (Hội) Thái Vĩnh Liệu cho biết, từ nguồn tài trợ 1,3 tỉ đồng của Cơ quan Viện trợ Ireland, từ đầu năm 2022 đến nay, hội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn.

Khắc phục hậu quả sau bão số 4-Noru, ổn định cuộc sống nhân dân

PV |

Lãnh đạo và lực lượng chức năng các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 4 đang nỗ lực cao nhất khắc phục thiệt hại sau bão; thăm hỏi động viên các gia đình, cơ sở bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai.