Với mục tiêu giải quyết những vấn đề khó khăn về đời sống, sản xuất nhằm đảm bảo cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có đủ đất ở, đất sản xuất, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 về “Chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019-2022”.
Ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2085/QĐ-TTg về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020. Tại điểm a, khoản 1, Điều 5 của quyết định này đã quy định việc bố trí ngân sách địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh xây dựng đề án “Chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019-2022” và đã được HĐND tỉnh thông qua. Căn cứ Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch để tổ chức thực hiện. Theo kế hoạch, hằng năm ngân sách tỉnh sẽ bố trí 80% và ngân sách huyện bố trí 20% kinh phí để thực hiện. Qua hơn 2 năm triển khai nghị quyết, các địa phương trong tỉnh đã đạt được một số kết quả ban đầu. Mặt khác, thông qua Dự án “Thúc đẩy tiếp cận đất ở và đất nông nghiệp cho hộ gia đình có người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Đakrông và Hướng Hóa” do Uỷ ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) tài trợ lồng ghép trong quá trình thực hiện nghị quyết, đã góp phần giải quyết một phần nhu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, san tạo mặt bằng đất ở và đất nông nghiệp của người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Đakrông và Hướng Hóa.
Gia đình anh Hồ Văn Thắng, ở xã A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị) là một trong những hộ gia đình sớm nhận được sự hỗ trợ về đất đai. Sau khi lập gia đình, anh Thắng sinh sống trong ngôi nhà cũ của bố mẹ, thiếu đất sản xuất, lại không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế nên cuộc sống của gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi được đưa vào danh sách xét duyệt và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời được sự hỗ trợ về nhà ở, anh Thắng đã có được ngôi nhà mới kiên cố, từ đó ổn định đời sống để tập trung sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. “Không chỉ được hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình tôi còn được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel giúp đỡ một phần kinh phí để xây nhà mới. Từ nay, vợ chồng tôi sẽ cố gắng chăm chỉ làm ăn để có cuộc sống tốt hơn, con cái được ăn học đến nơi đến chốn”, anh Thắng vui mừng chia sẻ.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lê Văn Quyền cho biết: “Đối tượng áp dụng của nghị quyết là các hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số và kể cả người Kinh đang sống ở các thôn bản đặc biệt khó khăn và các xã khu vực III, sống bằng nghề nông, lâm nghiệp, đang thiếu hoặc chưa có đất ở, thiếu đất sản xuất sẽ được tập trung hỗ trợ để phấn đấu đến năm 2022, các hộ chưa có đất ở và đất sản xuất đều được hỗ trợ từ nghị quyết này. Tổng kinh phí thực hiện trên 8,6 tỉ đồng, bao gồm hỗ trợ tạo mặt bằng đất ở; hỗ trợ đo vẽ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đất ở và đất sản xuất”.
Bên cạnh đó, để góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống, từ tháng 7/2019, Ban Dân tộc tỉnh và Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em phối hợp với Tổ chức MCNV thực hiện Dự án “Thúc đẩy tiếp cận đất ở và đất nông nghiệp cho hộ gia đình có người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số”. Trong quá trình phối hợp thực hiện dự án, Tổ chức MCNV cùng với các đơn vị, địa phương liên quan đã tiến hành khảo sát thực trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu về tình trạng tiếp cận đất ở và đất nông nghiệp của người khuyết tật ở 2 huyện miền núi nói riêng và toàn tỉnh nói chung; mỗi hộ gia đình người khuyết tật được hỗ trợ từ 5 - 10 triệu đồng để san ủi đất. Các trường hợp làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được hỗ trợ từ 3 - 5 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, hàng trăm gia đình người khuyết tật khác cũng hưởng lợi từ dự án nhờ được tiếp cận với những thông tin, chính sách, dịch vụ về quyền sử dụng đất. Theo đó, dự án đã chọn lọc và hỗ trợ san ủi tạo mặt bằng đất ở và đất nông nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khoảng 120 hộ gia đình người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn ở 5 xã ở huyện Hướng Hóa và 8 xã ở huyện Đakrông. Đồng thời, dự án đã triển khai các hoạt động tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức cho người khuyết tật và gia đình người khuyết tật về các chính sách, dịch vụ đất đai hiện hành.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, do nhiều nguyên nhân nên quá trình triển khai nghị quyết và thực hiện dự án vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: Kinh phí phân bổ từ trung ương còn quá ít, chỉ chiếm trên 9,5% cho hạng mục đất sản xuất của đề án ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt; chi phí đo đạc, lập bản đồ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phát sinh quá nhiều so với đề án; công tác quản lý dữ liệu, số liệu đất đai còn nhiều bất cập… Mặt khác, năm 2020, COVID-19 và thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng đến công tác tổ chức triển khai ở cơ sở, làm chậm tiến độ thực hiện và thời gian hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Để thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới, UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh cần xem xét, bổ sung thêm hình thức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo nhóm hộ gia đình; bố trí ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% để thực hiện nghị quyết đúng tiến độ. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác phổ biến chính sách để người dân trên địa bàn hiểu rõ và thực hiện đúng quy trình, đảm bảo cho các hộ nghèo có đủ đất ở, đất sản xuất; từng bước ổn định, cải thiện điều kiện vật chất và tinh thần cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở miền núi, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)