Cùng với mở cửa các nhà máy, phương tiện công cộng, cơ sở kinh doanh…, việc mở cửa lại trường học thu hút sự quan tâm của cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Đây cũng là một phần trong nhiều hoạt động nhằm dần mở cửa trở lại đất nước.
Trên tinh thần đó, từ ngày 21/10, một số cấp học trên địa bàn thành phố Đông Hà (Quảng Trị), học sinh được quay trở lại trường. Đây là thông tin “nửa mừng nửa lo” đối với phụ huynh và học sinh. Đối với học sinh, đây là tin vui, là niềm mong mỏi của các em sau một thời gian dài không được đến trường. Nhiều em chỉ mong mau được đi học trở lại để gặp gỡ bạn bè và thầy cô giáo. Việc học online một thời gian dài, lại không được đi đâu do tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội khiến các em bức bối.
Với phụ huynh, việc học trực tuyến là một giải pháp tình thế khi COVID-19 diễn biến phức tạp, nếu kéo dài quá lâu, phụ huynh lo con sẽ không nắm bắt bài tốt; không chú ý tập trung trong quá trình học trong khi ba mẹ không có thời gian ngồi học cùng con... cùng nhiều vấn đề về sức khỏe, tâm lý đi kèm. Với học sinh tiểu học, nhất là năm nay mới vào lớp 1 thì việc tiếp thu bài qua học trực tuyến rất khó khăn. Một số giáo viên dạy lớp 1 chia sẻ rằng, về nền nếp, các cháu có thể quen dần nhưng việc tiếp thu bài rất khó đánh giá vì cô hỏi thì đã có ba mẹ ngồi bên nhắc. Nhiều em vì thế có cảm giác lệ thuộc, học vẹt, không nắm được bài. Và đây cũng là nỗi lo chung của nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 trong năm học này.
Tuy nhiên, khi ngành giáo dục địa phương có kế hoạch cho học sinh trở lại trường thì một số phụ huynh lại lo lắng đến vấn đề an toàn sức khoẻ. Nhiều người “cân đối” giữa cái lo và không lo lại mong con được học trực tuyến cho đến khi hết dịch. Nỗi lo lắng này của phụ huynh không phải không có cơ sở, khi khả năng lây nhiễm nhanh chóng của biến thể Delta khiến ngày càng có nhiều trẻ em bị nhiễm vi rút và trước đó không lâu, khi ngành giáo dục và đào tạo vừa đề xuất cho học sinh quay trở lại trường thì TP. Đông Hà xuất hiện chùm ca bệnh COVID-19.
Nhưng bao giờ mới hết dịch? Chưa ai có thể trả lời chắc chắn, ít ra là vào tại thời điểm hiện nay. Hơn nữa, nhìn rộng ra, việc mở cửa trường học an toàn là ưu tiên hàng đầu của nhiều nước trên thế giới khi tìm cách “sống chung an toàn với COVID-19”. Trong nước, các địa phương có dịch cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả để tạo mọi điều kiện tốt nhất, an toàn nhất nhằm sớm đưa học sinh trở lại trường.
Sau khi quyết định mở cửa lại trường học hay không, chính quyền các địa phương đều cân nhắc những lợi ích và nguy cơ về mặt giáo dục, y tế công cộng và kinh tế - xã hội trong bối cảnh địa phương. Tại Quảng Trị, việc ưu tiên cho học sinh đầu cấp và cuối cấp ở các cấp học quay trở lại trường trước, cùng với việc triển khai các biện pháp phòng dịch theo tinh thần chung “nới lỏng nhưng không buông lỏng” là một chủ trương phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Theo kế hoạch, đầu tháng 11/2021, việc tổ chức dạy học trực tiếp sẽ tiếp tục được áp dụng đối với tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Đông Hà.
Tất nhiên, việc mở cửa lại trường học phải tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng, chống COVID-19 chung của ngành y tế nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, nhân viên, giáo viên và gia đình. Hiện nhiều giáo viên, cán bộ, nhân viên các trường học trên địa bàn tỉnh đã được tiêm COVID-19. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết để đảm bảo cho việc học sinh quay trở lại trường. Ngoài ra, việc ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em cũng đang được nhiều nước đẩy mạnh như một trong những biện pháp chủ chốt giúp tạo ra môi trường học đường an toàn trong đại dịch.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế vừa ban hành Công văn 8688/BYT-DP ngày 14/10/2021 về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp và tiến độ cung ứng vắc xin cũng nhưng tình hình dịch tại địa phương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tiêm chủng cho học sinh các cấp sau khi cơ quan chuyên môn có hướng dẫn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi; rà soát gửi Bộ Y tế cấp bổ sung và tiêm vắc xin cho tất cả giáo viên các cấp học theo quy định; đẩy mạnh công tác truyền thông trong toàn ngành về việc nêu cao tinh thần chống dịch. Thông điệp được người đứng đầu Chính phủ đưa ra là “Mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”...
Cũng như nhiều ngành nghề khác, COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục và đào tạo. Giáo viên, học sinh và phụ huynh gặp rất nhiều khó khăn cả về đời sống và trong hoạt động học tập. Vì thế, khi con cái được quay trở lại trường học, các bậc cha mẹ hãy thật kiên nhẫn, có ý thức về an toàn là trên hết và trân trọng các nỗ lực của thầy cô giáo để học sinh có thể theo được kiến thức ở trường. Để giúp học sinh có thể theo kịp và tiếp tục những nội dung còn chưa giảng dạy theo chương trình, thời gian tới, nhiệm vụ của người giáo viên sẽ rất nặng nề, nhất là trong việc đánh giá những lỗ hổng kiến thức của học sinh do không đến trường trong một thời gian dài.
Chắc chắn rằng việc đi học trở lại sẽ không thể giống như những gì đã quen thuộc từ trước khi COVID-19 bùng phát, nhưng hy vọng rằng giáo viên, học sinh và phụ huynh đều sẵn sàng tâm lý thích ứng, thái độ cẩn trọng và quyết tâm học tập để cùng nhau trở lại trường. Và trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, chính quyền địa phương cũng sẽ linh hoạt và sẵn sàng thích ứng để bảo đảm an toàn cho mọi trẻ em.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)