Thôn Ngược - Lòng dân đã “xuôi”

Thanh Trúc |

Phải mất gần hai mươi năm kể từ thời điểm năm 2000, khi tỉnh Quảng Trị tiến hành rà soát lại địa giới hành chính theo bản đồ 364 (*) đối với các xã trên địa bàn huyện Đakrông (Quảng Trị), triển khai tuyên truyền vận động người dân thôn Ngược, xã Ba Nang sáp nhập địa giới hành chính vào xã Tà Long, đến nay người dân mới hoàn toàn đồng thuận. 

Để có được kết quả này cũng như những thành công trong xây dựng thôn Ngược trở thành thôn văn hóa 5 năm liền (2015-2019), ngoài sự vào cuộc nỗ lực của các cấp, các ngành, phải kể đến vai trò của Chi bộ, Tổ dân vận thôn Ngược. 

Huy động người dân phát quang đường thôn sạch sẽ.  Ảnh: TT
Huy động người dân phát quang đường thôn sạch sẽ. Ảnh: TT

Chuyện ở thôn... 38 hộ dân chưa có sổ đỏ

38 hộ dân ở thôn Ngược, xã Ba Nang (huyện Đakrông, Quảng Trị), đến nay vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Tuy nhiên, trước khi đề cập câu chuyện vì sao dân ở lâu năm vẫn chưa làm sổ đỏ, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện liên quan ở thôn Ngược mà nhờ làm tốt công tác dân vận, người dân trong thôn mới tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp với nhau, cùng vươn lên trong cuộc sống.

“Công tác dân vận ở thôn với đặc thù 100% người đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều cái khó, bởi nói sao cho người dân hiểu chủ trương chính sách là một chuyện, nhất trí làm theo là một vấn đề khác”, ấy là cách ông Hồ Văn Mười, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân vận thôn rút ra khi được hỏi, khó khăn nhất trong công tác dân vận ở thôn là gì?. Ông Mười kể câu chuyện “đánh đố” mình, một Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn trẻ, chỉ mới 31 tuổi là tham gia cùng các thành viên tổ dân vận giải quyết vụ tranh chấp đất làm nương rẫy của hai gia đình Hồ Thị Uôn và Hồ Văn Ân xảy ra năm ngoái.

Theo thói quen của người đồng bào dân tộc thiểu số, bà Uôn canh tác trên một diện tích đất rẫy từ 5 năm trước, sau đó bỏ hoang khoảng hai năm không làm. Trong thời gian này, hộ ông Ân đến phát quang để trồng ngô tại đó. Bà Uôn không chịu vì cho rằng đó từng là đất rẫy của mình thì là quyền sử dụng của mình, cái lý của ông Ân là không có giấy tờ gì ghi rằng đó là đất thuộc quyền sử dụng của ai nên ông có quyền đến canh tác. Không ai chịu nhường ai, tổ dân vận thôn phải vào cuộc. “Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi đề nghị hai bên ngồi lại để hòa giải. Thành viên tổ dân vận lắng nghe giải thích của bà Uôn để hiểu bà có lý khi tiếc chỗ nương rẫy cất công phát quang, làm đất trồng trọt từ mấy năm nước. Đồng thời cũng bày tỏ thông cảm với ông Ân khi bỏ công bỏ giống gieo trồng trên mảnh đất mà ông cho rằng không thuộc quyền sử dụng của ai thì mình có quyền làm. Chúng tôi đã kiên trì giải thích, thuyết phục để mỗi bên nhường nhau một chút, đề nghị bà Uôn tạo điều kiện để ông Ân thu hoạch chỗ bắp đã trồng vụ này rồi sau đó trả đất, như vậy mới giải quyết mâu thuẫn ổn thỏa”, ông Mười nhớ lại.

Là thôn kết nghĩa với bản Tà Riệp (Lào) theo chủ trương xây dựng mô hình kết nghĩa bản - bản các xã hai bên biên giới Việt Nam - Lào của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của cả hai bên luôn được chú trọng. Người dân hai thôn bản kết nghĩa sống với nhau, yêu thương nhau như anh em trong một nhà, nhiều người có gốc gác tổ tiên ở Lào. Tuy vậy, đôi khi chủ quan vì mối quan hệ thân thiết nên vẫn còn tình trạng người dân hai bên thôn bản lấy nhau nhưng không làm giấy đăng ký kết hôn, chỉ làm các thủ tục cưới hỏi theo phong tục, gây khó khăn cho chính quyền trong vấn đề quản lý hộ tịch, hộ khẩu.

Trường hợp vợ chồng Hồ Văn Hết, ở thôn Ngược và Hồ Thị Hoa, ở bản Tà Riệp (Lào), nên duyên vợ chồng từ năm 2016 là một ví dụ. Khi được hỏi, Hết nói rất hồn nhiên, mình có được cán bộ tuyên truyền, nhưng mình nghĩ đã cưới theo phong tục văn hóa đồng bào là thành vợ chồng rồi, làm giấy tờ phức tạp lắm. Dù chính quyền xã nhiều lần nhắc nhở nhưng hai người vẫn chưa làm giấy đăng ký kết hôn. Nắm được tình hình này, thành viên tổ dân vận thôn Ngược đã đến phân tích, tuyên truyền về những quyền lợi của vợ chồng, con cái sau này khi đăng ký kết hôn đúng pháp luật, vợ chồng Hết đã hiểu ra và hoàn thiện các thủ tục.

Đây chỉ là một trong số 3-4 trường hợp lấy chồng, lấy vợ có yếu tố nước ngoài từ vài năm trước nhưng vẫn chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý được tổ dân vận thôn vận động đăng ký kết hôn đúng pháp luật.

Không chỉ tích cực giải quyết các vấn đề tranh chấp dân sự, Tổ dân vận thôn Ngược còn chú trọng công tác vận động người dân làm kinh tế. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân vận Hồ Văn Mười nêu gương trong phát triển kinh tế hộ gia đình với việc chăn nuôi bò, trồng rừng, nuôi cá nước ngọt. Từ đó đã vận động được 4-5 hộ dân trong thôn làm mô hình kinh tế như trồng rừng tập trung, chăn nuôi dê, bò, mỗi năm cho thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng, góp phần nâng cao đời sống của người dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo hằng năm 5%.

Với đặc thù có đường biên giới giáp Lào dài 5 km, Chi bộ, Tổ dân vận thôn Ngược đã phối hợp lực lượng biên phòng triển khai có hiệu quả mô hình “Tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản” nhằm quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Trong thôn có 13 hộ gia đình và 10 cá nhân tự nguyện ký kết tham gia mô hình. Đến nay đã phối hợp với Đồn Biên phòng Ba Nang tổ chức 15 lượt tuần tra đường biên cột mốc với 50 người tham gia. Ngoài ra, các hộ gia đình, cá nhân tham gia tự quản còn vận động người thân, gia đình không xâm canh, xâm cư và phát nương, làm rẫy, chăn thả gia súc qua bên kia biên giới.

Từ hiệu quả kết nghĩa bản - bản, người dân hai bên biên giới đã tích cực tham gia đấu tranh ngăn chặn các hoạt động vượt biên trái phép, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và các loại tội phạm khác. Tăng cường phối hợp phòng chống di cư tự do, các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, không buôn bán vận chuyển và sử dụng các chất ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, văn hóa phẩm độc hại và các vi phạm pháp luật khác. Cụ thể người dân đã phát hiện và cung cấp cho Đồn Biên phòng Ba Nang 12 nguồn tin có giá trị, vận động 3 người dân giao nộp vũ khí, súng tự chế cho công an xã. Tập thể thôn Ngược được công nhận là đơn vị xuất sắc trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia”.

Gần hai mươi năm vận động người dân nhập về xã mới

Vốn thuộc xã Ba Nang quản lý, tuy nhiên đến khi thực hiện xác lập lại địa giới hành chính theo bản đồ 364, địa phận thôn Ngược sẽ thuộc quản lý của chính quyền xã Tà Long, và đã có người dân không đồng tình. Do vậy, từ mấy chục năm nay, 38 hộ dân của thôn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất.

Những năm trước đây, việc đất không có sổ đỏ cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống người dân bởi họ chỉ quanh quẩn với nương rẫy, nuôi vài con lợn, con gà, tự cung tự cấp. “Người già thì không có nhu cầu, nhưng hiện nay nhiều hộ gia đình vợ chồng trẻ đã nâng cao nhận thức, muốn vay vốn để làm mô hình, phát triển kinh tế thì không có sổ đỏ đất đai để thế chấp ngân hàng nên gặp nhiều khó khăn. Muốn được cấp sổ đỏ thì người dân phải đồng thuận nhập về địa giới hành chính xã Tà Long, trong khi đó dân lại không chịu”, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân vận thôn Ngược Hồ Văn Mười lý giải.

Nhớ lại những năm tháng cùng với các già làng trong thôn khư khư giữ quan điểm nhất quyết không nhập về xã Tà Long, ông Hồ Văn Ngừa, một người có uy tín trong thôn quả quyết: “Chúng tôi không ưng bụng!”. Cán bộ huyện, xã, tổ dân vận thôn đến giải thích, vận động, ông không thông. Cái lý của ông là, với người đồng bào dân tộc thiểu số, giữ luật tục văn hóa cha ông là điều quan trọng, sang một xã mới biết bên đó phong tục tập quán của họ thế nào mà theo. Rồi thì quãng đường từ thôn Ngược ra trung tâm xã Tà Long xa gấp đôi, phải đi vòng qua xã Ba Nang mới đến, người dân muốn đi ra xã làm giấy tờ thì rất vất vả, hoặc có chính sách hỗ trợ nào của nhà nước, người dân cũng khó bề đi nhận, rất thiệt thòi quyền lợi…Từ sự không đồng thuận của ông Hồ Văn Ngừa, hầu hết những người dân trong thôn đều theo quan điểm của ông.

Mong muốn của người dân là được ở lại xã Ba Nang như cũ, nhưng theo quy định mới về địa giới hành chính thì phải điều chỉnh. “Vận động và kiên trì vận động”, đó là nguyên tắc mà nhiều lần, cơ quan dân vận các cấp quán triệt đối với những người trực tiếp làm công tác vận động người dân thôn Ngược trong việc chuyển về quản lý của xã Tà Long về mặt địa giới hành chính. Một điều kiện để công tác tuyên truyền vận động thuận lợi hơn là mấy năm trở lại đây, nhà nước đầu tư bê tông hóa đường từ trung tâm xã Ba Nang vào đến tận thôn Ngược. Điều kiện kinh tế khấm khá hơn nên nhiều người dân đã mua sắm được phương tiện xe máy để đi lại dễ dàng.

Xác định muốn vận động thành công thì phải gỡ được “điểm nghẽn” từ cá nhân người có uy tín là ông Hồ Văn Ngừa, thành viên tổ dân vận thôn đã kiên trì đến tận nhà của ông để trao đổi, chia sẻ thông tin với phương châm giải thích cho người dân cần phải theo nguyên tắc “mưa dầm thấm lâu”, nói một lần người dân chưa hiểu thì phải nói nhiều lần. “Chúng tôi khẳng định với người dân rằng, chính quyền địa phương luôn khuyến khích duy trì những phong tục tốt đẹp của người dân. Văn hóa của dân tộc nào thì dân tộc ấy cùng bảo tồn, phát triển. Về xã mới, bà con vẫn duy trì mọi sinh hoạt bình thường”, ông Hồ Văn Mười nhớ lại.

Sau khi được tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những lợi ích khi về xã mới như được làm thủ tục cấp sổ đỏ, được đảm bảo các quyền lợi về chế độ, chính sách, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế… ông Ngừa đã dần hiểu ra. Từ đó, chính bản thân ông là người đi tuyên truyền giải thích lại cho người dân trong thôn hiểu và nghe theo, đồng tình với chủ trương của nhà nước về sắp xếp các thôn bản theo địa giới hành chính. Đến cuối năm 2019, người dân thôn Ngược đã cơ bản nhất trí với chủ trương nhập về xã Tà Long.

Với sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền hai xã Tà Long và Ba Nang, chính quyền xã Tà Long cũng cam kết là đối với những giấy tờ quan trọng, người dân thôn Ngược nào không có điều kiện ra tận UBND xã làm thì xã Tà Long cũng sẽ cử cán bộ đến tận thôn làm cho dân. Đồng thời các chế độ, chính sách, hỗ trợ trên địa bàn xã, người dân thôn Ngược cũng sẽ được đảm bảo quyền lợi của một thôn vùng sâu, vùng xa khó khăn của xã. Đặc biệt, người dân thôn Ngược sẽ được hỗ trợ thay đổi thông tin về giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, được cấp sổ đỏ đầy đủ sau khi chuyển giao về xã Tà Long quản lý. Ngoài ra, xã Tà Long sẽ quan tâm đầu tư xây dựng đường nội thôn, nhà cộng đồng thôn để góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Người dân thôn Ngược đã sẵn sàng tâm thế chờ ngày nhập về xã mới Tà Long. Dù còn lưu luyến nhưng ở xã nào cũng không còn quan trọng nữa, điều quan trọng là người dân thôn Ngược có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

(*) Chỉ thị 364/CT ngày 6/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nay là Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã (gọi tắt là bản đồ 364)

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Trao quà cho gia đình bị hỏa hoạn tại xã Tà Long

Minh Vũ - Quang Duy |

Đoàn công tác huyện Đakrông (Quảng Trị) do đồng chí Hồ Thị Kim Cúc - Quyền Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn vừa đến thăm hỏi động viên gia đình ông Hồ Lâm trú tại thôn Trại Cá xã Tà Long bị hỏa hoạn.

Sân chơi ươm mầm sáng tạo trẻ

Đức Việt |

Những năm qua, phong trào sáng tạo trong đoàn viên, thanh thiếu niên, nhi đồng ở thị xã Quảng Trị diễn ra khá sôi nổi. Từ sân chơi ý nghĩa này đã phát hiện những ý tưởng, sáng kiến và giải pháp cụ thể, thiết thực, có tính ứng dụng vào sản xuất, đời sống, học tập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trại hè “Thiếu nhi với biển, đảo quê hương”

Trần Tuyền |

Ngày  28/6/2020, Nhà Thiếu nhi tỉnh Quảng Trị tổ chức trại hè dã ngoại “Thiếu nhi với biển đảo quê hương” khóa 2 tại bãi tắm Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị).

Để không còn nỗi lo về sinh vật lạ có trong nước giếng

Bội Nhiên |

Ngày 12/6/2020, UBND huyện Vĩnh Linh đã gửi công văn hỏa tốc số 888/UBND-YT tới Sở Y tế, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Trị đề nghị kiểm tra, xử lý nguồn nước có sinh vật lạ ở thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị).