Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh như vậy và nêu rõ Bộ Y tế là cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm về đánh giá chất lượng, cấp phép, bảo quản; không tổ chức tiêm dịch vụ, ai tiêm dịch vụ cần kỷ luật ngay.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng nay (15/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dứt khoát phải tiêm miễn phí vaccine cho toàn dân. Bộ Y tế là cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm về đánh giá chất lượng, cấp phép, bảo quản; không tổ chức tiêm dịch vụ, ai tiêm dịch vụ cần kỷ luật ngay.
Dự hội nghị với Thủ tướng tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan. Tại đầu cầu 36 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg có Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 dự họp tại đầu cầu TP.HCM.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, một số địa phương đã ban hành thêm các chỉ thị chỉ đạo thực hiện việc này ở mức cao hơn, sớm hơn so với quy định của Chính phủ. Thủ tướng hoan nghênh cách làm này, địa phương căn cứ tình hình, sáng tạo, linh hoạt, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tế. Cần đưa ra lộ trình, mục tiêu, biện pháp để hoàn thành, nếu để kéo dài thì chống dịch không dứt điểm và kinh tế-xã hội không phát triển được, không có nguồn lực để chống dịch. Chúng ta quyết tâm không để xảy ra khủng hoảng kinh tế và y tế. Trong điều kiện chưa có vaccine, thuốc đặc trị thì biện pháp giãn cách, cách ly xã hội phải thực hiện triệt để. Phải tách bằng được F0 ra khỏi cộng đồng bằng biện pháp xét nghiệm.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, sau 26 ngày thực thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng thực hiện giãn cách ít ngày hơn), các địa phương này ghi nhận hơn 216.000 ca mắc, số ca mắc mới sàng lọc cộng đồng đã bắt đầu xu hướng giảm tại một số địa phương. Bên cạnh những việc đạt được, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng chỉ rõ mặc dù trong thời gian giãn cách xã hội một số nơi vẫn còn thực hiện chưa nghiêm.
Về tình hình diễn biến dịch tại các địa phương, đặc biệt tại điểm nóng TP.HCM, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, sau hơn 1 tháng thực hiện chỉ thị 16 đến nay số ca mắc đã có phần giảm nhẹ hơn trước.
“Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã cơ bản thực hiện hiệu quả, nhất là tại các khu phong tỏa đến nay các phương tiện tham gia giao thông đã giảm 75 % so với trước khi thực hiện Chỉ thị 16 và tỷ lệ ca mắc tại khu phong tỏa hiện nay chỉ còn khoảng 60 %. Thời điểm đầu tháng 8 tỷ lệ ca mắc tại khu phong tỏa là khoảng 80 %, số ca đã giảm xuống 18 % và đã kết hợp hài hòa giữa đông y và tây y để nâng cao hiệu quả điều trị, bình quân mỗi ngày có 2500 ca được xuất viện, tính đến hôm nay thành phố đã xuất viện 70.700 trường hợp", ông Nguyễn Thành Phong cho biết.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, thành phố đã tích cực xét nghiệm và quyết tâm đến ngày 25/8 Hà Nội sẽ bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng: “Hôm nay và tối qua Hà Nội đã lấy gần 300.000 mẫu, trung bình 11.000 mẫu thì mới có 1 F0. Chúng tôi đang tiếp tùng rà soát phát hiện F0 với tinh thần là sớm nhất 25/8 sẽ đảm bảo là bóc tách cơ bản hết các F0 phát sinh trong cộng đồng để chuyển sang trạng thái kiểm soát mới đối với địa bàn Hà Nội".
Tại thành phố Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết hiện nay phát hiện chuỗi lây nhiễm mới tại chợ đầu mối Hòa Cường lớn nhất Đà Nẵng, thành phố sẽ quyết định thực hiện biện pháp cao hơn chỉ thị 16 bắt đầu từ ngày mai và xét nghiệm toàn diện trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Quảng nêu rõ: “Thành phố quyết định từ 8h sáng ngày 16/8 phải thực hiện biện pháp cao hơn là cho dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn thành phố, trừ các hoạt động về phòng, chống dịch và các hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm. Việc giãn cách để nhằm mục tiêu đầu tiên là cắt đứt tất cả các nguồn lây nhiễm từ ngày này sang người khác. Thứ hai là để đảm bảo được hiệu quả cho việc xét nghiệm một cách toàn diện trên địa bàn toàn thành phố để chúng ta bóc tách và đưa các F0 này ra khỏi cộng đồng. Đây là mục tiêu lớn nhất của thành phố trong thời gian tới".
Về công tác truyền thông, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Đỗ Tiến Sỹ cho biết, VOV là cơ quan truyền thông đa phương tiện, với 4 loại hình báo chí, luôn vào cuộc kịp thời, mọi lúc mọi nơi để đưa những thông tin cần thiết, đúng và chính xác nhất về tình hình dịch Covid-19. Tới đây VOV sẽ có thêm nhiều chương trình hay, xúc động, ý nghĩa, là món ăn tinh thần cho người dân, tiếp thêm động lực chống dịch Covid-19.
“VOV luôn cố gắng thông tin kịp thời hoạt động của Ban chỉ đạo. Hiện nay chúng tôi có phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo in. VOV xác định phải tập trung phản bác thông tin sai sự thật, tin giả, tập trung thực hiện nhiều tin bài sâu. Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/8, sau 3 ngày Thủ tướng có chỉ đạo cần phải tăng cường hoạt động chính trị, văn hóa, văn nghệ, tư vấn, trên phương tiện thông tin và truyền thông, thì ngay ngày 16/8, trên kênh VOV Giao thông Quốc gia và làm trước hết đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội sẽ có những chuyên mục "Hãy nói để trao đổi, hãy nói để chia sẻ, hãy ca để cùng vui". Chúng tôi rất mong các đồng chí lãnh đạo địa phương, Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh, thành sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phóng viên các cơ quan thường trú ở các địa phương, tiếp tục ủng hộ để phóng viên có nhiều tin bài sinh động phong phú và thực sự hấp dẫn, để phản ánh thật sinh động công cuộc phòng, chống Covid-19 dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo các tỉnh, thành".
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ các tỉnh, thành phố đạt kết quả tích cực, đạt mục tiêu đề ra. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực hết sức trách nhiệm vì nhân dân, làm việc quên ngày đêm, nhất là các tỉnh, thành phố có ổ dịch như TP.HCM, Bình Dương.
Thủ tướng nhấn mạnh bài học kinh nghiệm về việc lãnh đạo, chỉ đạo cần tập trung chuyên sâu, dứt khoát, mạnh mẽ, nhất quán, có sự vào cuộc của nhân dân.
“Về lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung thống nhất chuyên sâu quyết liệt mạnh mẽ, dứt khoát, phải có sự vào cuộc của nhân dân. Nhân dân mà nhận thức được, nhân dân tham gia được và nhân dân ủng hộ, nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt của Ban chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì mới có kết quả. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải là một pháo đài, nhất là cơ sở. Mỗi người dân phải là một chiến sĩ, chiến thắng của lòng dân, chiến thắng của người dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dưới sự tổ chức của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Những bài học kinh nghiệm này chúng ta phải quán triệt sâu sắc và phải tổ chức thực hiện", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ, tình hình đang diễn biến phức tạp, có nơi nghiêm trọng. Tinh thần vẫn là "chống dịch như chống giặc", huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân tham gia chống dịch. Các tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16 phải ưu tiên cho chống dịch, chỗ nào an toàn thì phải sản xuất phát triển kinh tế.
Thủ tướng đề nghị, nghiên cứu ưu tiên tiêm vaccine hướng đến cho số người trên 50 tuổi. Nghiên cứu có điểm tiêm riêng cho người cao tuổi. Điều tra, xử lý nghiêm tiêu cực trong tiêm vaccine, hoặc để xảy ra lây nhiễm khi tiêm.
Thủ tướng khẳng định dứt khoát: “Bộ Y tế là cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm về đánh giá chất lượng, cấp phép, bảo quản và tiêm miễn phí cho toàn dân, không có dịch vụ gì cả. Đồng chí nào tổ chức tiêm dịch vụ là kỷ luật ngay".
Về công tác thực hiện phòng, chống dịch, Thủ tướng nêu rõ, tổ chức thực hiện ở các cấp vẫn là khâu yếu, do đó phải rà soát và kiện toàn. Về thực hiện các giải pháp giãn cách xã hội, phải thực hiện nghiêm, thực chất đúng tinh thần “ai ở đâu thì ở đó”.
“Về thực hiện các giải pháp về giãn cách xã hội, khi quyết định thực hiện giãn cách xã hội thì phải thực hiện nghiêm thực chất đúng tinh thần, ai ở đâu thì ở đó, người cách ly với người và đặc biệt là nguồn lây phải cách ly nhanh chóng, loại để điều trị một cách phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Tranh thủ thời gian gọi là “thời gian vàng” về giãn cách này để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất, không để lây lan, không để phát triển ra diện rộng. Giãn cách xã hội để chống dịch, chống dịch thì phải cách ly, người với người, ai ở đâu ở đấy. Đặc biệt là nhanh chóng phát hiện nguồn lây, mà nhanh chóng phát hiện nguồn lây thì phải xét nghiệm, không xét nghiệm sao phát hiện được. Còn xét nghiệm thế nào cho khoa học hiệu quả với tình hình, tiết kiệm thì các đồng chí phải quyết định và lựa chọn", Thủ tướng chỉ đạo.
Về công tác xét nghiệm, các địa phương phong toả thì thần tốc xét nghiệm, nơi nào có ổ dịch thì phong toả nghiêm ngặt, tách nguồn lây, điều trị phù hợp. Tổ chức điều phối lấy mẫu, trả kết quả nhanh nhất, không để nguồn lây ra ngoài, bảo đảm khoa học, hiệu quả. Về công tác cách ly, các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh từng địa bàn, từng trường hợp cụ thể thì tập trung và thí điểm cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện.
“Không để lây nhiễm chéo nếu cách ly tập trung, nếu thí điểm cách ly tại nhà, không để lây ra cộng đồng .Về công tác điều trị các cơ sở điều trị bệnh viện dã chiến, bệnh viện tư nhân phải đảm bảo các điều kiện về môi trường, ô xy, về y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư, chăm sóc phù hợp về dinh dưỡng, thể chất, tinh thần nhằm giảm tỷ lệ F0 có triệu chứng, chú ý việc bảo đảm điều kiện và điều trị can thiệp y tế kịp thời nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong", Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý.
Thủ tướng cũng yêu cầu tạo thuận lợi tối đa về quy trình thủ tục hành chính đầu tư, mua sắm trang thiết bị; lãnh đạo địa phương phải kịp thời, chủ động mua sắm phục vụ phòng chống dịch.
Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện lại các quy định về chăm sóc, điều trị người mắc bệnh, những người nghi mắc bệnh đang cách ly, giảm tỷ lệ người mắc và người bệnh nặng, giảm tỷ lệ người bệnh diễn biến nặng hơn ở các tầng điều trị, tổ chức việc huy động, tập huấn, phân bổ nhân lực cần thiết cho các địa phương có số người bệnh lớn như TP.HCM, Bình Dương. Loại bỏ ngay các giấy tờ thủ tục hành chính khi bệnh nhân vào cấp cứu, nguyên tắc “nhập viện trước, thủ tục sau”.
Các địa phương tăng cường hoạt động hiệu quả các Tổ Covid cộng đồng. Không để người dân thiếu ăn thiếu mặc, đáp ứng yêu cầu mọi lúc mọi nơi. Về giao thông vận tải, các địa phương phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ để bảo đảm lưu thông, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Tăng cường phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện lưu thông hàng hoá nhất là hàng hoá thiết yếu, phục vụ phòng chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân, sản xuất hàng hoá.
Bộ Y tế, Bộ Công thương, Công đoàn các cấp, các địa phương lắng nghe các ý kiến, phản ánh ý kiến của doanh nghiệp và người dân, từ đó khẩn trương hướng dẫn phù hợp để bảo đảm an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm cho người nghèo, lao động mất việc, nhân rộng mô hình túi an sinh xã hội, không để ai bị thiếu ăn. Chính phủ thống nhất hỗ trợ hoàn toàn việc mai táng bệnh nhân tử vong do Covid-19 theo quy định và vận dụng ở mức tối đa có thể.
Thông tin về dịch bệnh phải công khai, minh bạch để người dân nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Tăng cường thông tin về kiến thức phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì cùng các cơ quan liên quan thúc đẩy chuyển đổi số, bộ hoàn thành các nền tảng công nghệ, đo các chỉ số di chuyển ở các địa phương áp dụng trong phòng chống dịch. Tổ chức năm học mới phải phù hợp tình hình, nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ em, đẩy mạnh ngoại giao vaccine, thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố phải gặp gỡ doanh nghiệp để xử lý, tháo gỡ khó khăn; tăng cường tổ chức hiến máu nhân đạo.
(Nguồn: VOV)