Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị, thời gian qua TP. Đông Hà đã có nhiều chủ trương, chính sách, gần đây nhất vào tháng 2/2021, UBND thành phố ban hành Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Đông Hà đến năm 2025. Qua triển khai thực hiện, sản xuất nông nghiệp của đô thị trung tâm tỉnh lỵ bước đầu có bước chuyển biến tích cực.
Mục tiêu của Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Đông Hà đến năm 2025 là quy hoạch ổn định các vùng sản xuất, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, coi trọng đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản. Gắn sản xuất nông nghiệp với xây dựng mỹ quan đô thị, du lịch trải nghiệm…
Phấn đấu tốc độ giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1,5 - 2%; giá trị trên 1 ha canh tác đến năm 2025 đạt khoảng 100 - 110 triệu đồng; thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
“Để thực hiện, thành phố tập trung rà soát, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung. Huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng và các điều kiện phục vụ sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình mới, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về vị trí, vai trò của nông nghiệp đô thị và vận động nông dân tích cực thực hiện. Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã. Thực hiện một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị như hỗ trợ về vật tư nông nghiệp và chuyển giao khoa học công nghệ, hạ tầng cơ sở, thiết bị sản xuất; xây dựng chuỗi giá trị, kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, ưu tiên cho cây trồng, con nuôi có lợi thế, có hiệu quả kinh tế…”, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP. Đông Hà Lê Chí Hồng thông tin.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện đề án, lĩnh vực nông nghiệp của Đông Hà đã có bước chuyển biến tích cực: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2021- 2022 đạt 6,1% (kế hoạch giai đoạn 2021-2025 là 1,5-2%); giá trị trên 1 ha canh tác năm 2022 đạt 101,6 triệu đồng (kế hoạch giai đoạn 2021-2025 từ 100 -110 triệu đồng).
Một số mô hình canh tác đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao như: mô hình cánh đồng lớn, sản xuất lúa hữu cơ, sản xuất lúa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, vùng rau VietGAP, vùng trồng hoa chậu tập trung, vùng trồng cây ăn quả tổng hợp, mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn…
Để đạt được kết quả này, trong năm 2021 và 2022, thành phố đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí trên 8,4 tỉ đồng, góp phần khắc phục khó khăn về thuỷ lợi, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tổ chức 15 lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ để chuyển giao, nhân rộng các tiến bộ khoa học công nghệ; áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, trồng hoa trong nhà màng. Phát triển các mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao như: trồng lúa chất lượng cao, trồng hoa cúc đại đóa, cúc mâm xôi, hoa giấy ghép nhiều màu, nuôi lợn rừng sinh sản, nuôi ghép tôm - cá kình, tôm - cá dìa. Triển khai các giải pháp để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tăng cường liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm…
Nhiều nông dân đã thấy rõ lợi ích của phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị như tăng năng suất, giá trị sản phẩm nông sản, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần giảm thiểu các yếu tố gây ô nhiễm môi trường, cải thiện cảnh quan đô thị và giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất. Từ đó quan tâm đầu tư chuyển đổi cây trồng, con nuôi, thay đổi phương thức sản xuất.
Phát triển nông nghiệp đô thị ở Đông Hà vẫn còn gặp những khó khăn như: quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa; đầu tư cho cơ sở hạ tầng và thu hút doanh nghiệp vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản còn hạn chế; các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân chưa có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ; việc nhân rộng một số mô hình hiệu quả còn khó khăn do vốn đầu tư lớn, tính rủi ro cao nên nông dân chưa mặn mà tham gia.
Tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch, có thương hiệu vẫn gặp phải không ít “rào cản” do quy mô thị trường nhỏ hẹp và thói quen của người tiêu dùng; công tác chỉ đạo, triển khai phát triển nông nghiệp đô thị ở một số phường chưa thực sự quyết liệt.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đông Hà Nguyễn Sỹ Trong cho biết: thời gian tới, thành phố tập trung rà soát những chỉ tiêu khó đạt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy nông nghiệp đô thị phát triển nhanh hơn.
Trong đó, ưu tiên đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất tập trung; tiếp tục duy trì phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất có liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Sớm thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ưu tiên quỹ đất hợp lý để phát triển các mô hình, dự án nông nghiệp.
Tích cực hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về quy hoạch, đất đai, thủ tục hành chính để đầu tư triển khai các dự án sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Củng cố, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)