Chú trọng mở rộng mô hình trồng hoa ở An Đôn

Kô Kăn Sương |

Để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, tăng cường tình đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau làm ăn trong hội viên, nông dân, Hội Nông dân phường An Đôn, thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) đã triển khai mô hình trồng hoa tập trung tại khu đất màu mỡ cạnh sông Thạch Hãn phục vụ thị trường tết Nguyên đán.

Bước đầu, mô hình được khá nhiều hộ nông dân hưởng ứng tham gia, góp phần thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cây trồng của địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Nhiều năm về trước, bên cạnh trồng rau màu, chăn nuôi, để nâng cao thu nhập, gia đình chị Trương Thị Quỳnh Nhi ở Khu phố 1 dành khoảng 300 m2 đất trong vườn nhà để trồng các loại hoa cúc phục vụ thị trường trong các dịp lễ, tết, ngày rằm, ngày 30 và mồng 1 âm lịch hằng tháng. Tuy nhiên, với thói quen tự trồng, chăm sóc hoa theo phương thức truyền thống nên vườn hoa của gia đình chị không mấy hiệu quả.

Mô hình trồng hoa tập trung ở An Đôn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân - Ảnh: K.S
Mô hình trồng hoa tập trung ở An Đôn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân - Ảnh: K.S

Nhiều năm trước, chị được Hội Nông dân phường vận động tham gia cùng với 15 hộ nông dân khác trồng hoa tập trung vụ tết trên tổng diện tích 0,3 ha. Từ đó đến nay, hằng năm chị và các thành viên trong mô hình được hội phối hợp với các đơn vị chức năng tập huấn kỹ thuật trồng hoa, đặc biệt là ứng dụng tiến bộ khoa học, đưa các giống hoa chất lượng cao, thị trường ưa chuộng vào sản xuất...

Với kinh nghiệm trồng lâu năm và sự nhiệt tình sẵn sàng giúp đỡ những hội viên khác về kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa, chị được hội cử làm tổ trưởng mô hình trồng hoa tập trung. Chưa kể trồng rau màu, lúa, chăn nuôi, chỉ riêng trồng hoa tập trung vụ tết và trồng hoa tại vườn nhà (4 vụ/năm), bình quân mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu nhập trên 70 triệu đồng.

Chị Nhi chia sẻ: “Ngoài tham gia sản xuất với diện tích khoảng 400 m2 ở mô hình trồng hoa tập trung, gia đình tôi duy trì trồng hoa trong vườn nhà. Nhờ tham gia mô hình, tôi có thêm nhiều kiến thức trồng hoa nên diện tích hoa của gia đình tôi phát triển tốt hơn trước nhiều, cây ít sâu bệnh, hoa nở to, đẹp, bán được giá cao hơn. Đặc biệt, quá trình trồng hoa tập trung tôi được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cùng những hộ trồng hoa khác trong phường”.

Cũng như chị Nhi, bà Nguyễn Thị Ngoan ở Khu phố 1 tham gia trồng hoa tập trung với 1,5 sào. Trừ chi phí, thu nhập từ trồng hoa của gia đình bà trên 50 triệu đồng/năm. “Tôi thấy trồng hoa tập trung từ các khâu làm đất, bón phân, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch lúc nào tại mô hình cũng đông vui.

Thời gian đầu mới sản xuất, vườn hoa của ai phát triển tốt hơn thì được chọn làm điểm để mọi người tập trung học hỏi kinh nghiệm; khu vườn ai kém hiệu quả thì được lấy làm rút kinh nghiệm để vụ sau tiến bộ hơn. Vì vậy, trong mô hình này, diện tích hoa của thành viên nào cũng phát triển tốt, chất lượng và thu nhập cao hơn hẳn”.

Sau nhiều năm triển khai, mô hình trồng hoa tập trung được Đảng ủy, UBND phường An Đôn đánh giá đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trên cơ sở điều kiện khí hậu, chất đất khá phù hợp với trồng một số loại hoa cúc như: mai vàng, ánh tím, pha lê, ru bi 7 màu..., đồng thời thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng của phường, năm 2022, Hội Nông dân phường triển khai mở rộng mô hình trồng hoa tập trung từ 0,3 ha lên 0,6 ha với 26 hộ tham gia.

Để khuyến khích mô hình, UBND phường hỗ trợ 40% giống hoa cúc các loại cho các hộ tham gia trồng hoa tập trung với kinh phí 56 triệu đồng. Trong thời gian sản xuất, các thành viên được cán bộ nông nghiệp về tận mô hình hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh cho hoa.

Bình quân mỗi năm, mô hình sản xuất được 1 vụ hoa tết từ 15-18 vạn cây; giá mỗi cây hoa bán ra bình quân 5.000 đồng; tổng thu nhập từ mô hình khoảng trên 700 triệu đồng/vụ, trừ chi phí lãi trên 300 triệu đồng. Sau vụ hoa tết, cũng trên diện tích này, các thành viên lại tập trung sản xuất rau màu các loại như ngô, đậu ô ve, lạc...

Bên cạnh những thuận lợi, việc trồng hoa ở An Đôn gặp một số khó khăn như: đầu ra sản phẩm chủ yếu do nông dân tự tìm kiếm, một số tư thương đến tận vườn thu mua, còn phần lớn họ phải tự đem hoa ra các chợ trên địa bàn thị xã bán. Đôi lúc thời tiết mưa, rét thất thường ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của hoa, làm cho sản phẩm giảm chất lượng, khó bán.

Chủ tịch Hội Nông dân phường An Đôn Phan Cương cho biết: “Nếu thời tiết thuận lợi, đầu ra ổn định thì hoa là loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao hơn các loại cây khác. Thời gian tới, bên cạnh giúp tìm kiếm thị trường tiêu thụ hoa tốt hơn, hội tiếp tục khuyến khích hội viên, nông dân trên địa bàn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả.

Riêng về mô hình trồng hoa tập trung, thực hiện chủ trương của Thị ủy và Đảng ủy phường, trong năm 2023, hội phấn đấu mở rộng diện tích từ 0,6 ha lên 0,8 ha; vận động thêm các hộ nông dân tham gia sản xuất hoa tập trung để tăng thu nhập, góp phần xây dựng đô thị văn minh”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đầu tư 8 tỉ đồng xây dựng vùng trồng hoa tập trung tại phường Đông Giang

Tú Linh |

Phó Chủ tịch UBND TP. Đông Hà Nguyễn Sỹ Trong cho biết, UBND thành phố vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với 10 gói thầu có tổng trị giá hơn 8 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách của thành phố để thực hiện dự án Vùng trồng hoa chậu tập trung tại phường Đông Giang nhằm phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH của thành phố.

Mỗi năm thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ nghề trồng hoa giấy

Đức Việt |

Nhờ sự năng động, khéo léo trong phát triển kinh tế mà đến nay gia đình cựu chiến binh (CCB) Đoàn Viết Đức (59 tuổi), ở Đội 3, thôn An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ vào nghề trồng hoa giấy.

Sẽ trồng hoa Osaka vàng ở vùng Cùa - Cam Lộ vào dịp đầu Xuân 2023

Xanh EWEC |

Ngày 30/12/2022, Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đang phối hợp với UBND huyện Cam Lộ triển khai kế hoạch trồng hoa Osaka vàng ở vùng Cùa.

Nông dân làng An Lạc xuống giống trồng hoa vụ tết

Hiếu Giang |

Theo khung lịch thời vụ hằng năm, bắt đầu từ ngày 15/7 âm lịch là thời điểm các hộ trồng hoa ở làng An Lạc, phường Đông Giang, TP. Đông Hà (Quảng Trị) lại tập trung xuống giống trồng hoa cúc chậu phục vụ cho thị trường tết. COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, vì vậy tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, người trồng hoa làng An Lạc dự báo tình hình tiêu thụ hoa trên thị trường sẽ sôi động trở lại nên đã tăng số lượng hoa trồng, đa dạng các loại hoa để đáp ứng tốt cho nhu cầu của khách hàng.