Hiện nay, nguồn lực đầu tư công gặp nhiều khó khăn, việc thúc đẩy tăng trưởng KT-XH phụ thuộc rất lớn vào năng lực thu hút các dòng tiền đầu tư của toàn xã hội. Tuy nhiên, đối với tỉnh Quảng Trị, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội hằng năm không lớn, năm 2023, kế hoạch đặt ra tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 27.000 tỉ đồng. Do đó, việc thực hiện các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào các lĩnh vực xã hội hóa (XHH) như: y tế, giáo dục, dạy nghề, thể thao, văn hóa… có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy nhanh hơn và bền vững phát triển KT-XH của tỉnh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định rõ các chương trình, đề án, lĩnh vực mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong toàn tỉnh nhằm tạo ra sự phát triển mạnh mẽ trong nhiệm kỳ 2021 - 2025. Đồng thời, đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân giai đoạn 2020 - 2025 đạt từ 7,5% - 8% và giai đoạn 2025 - 2030 đạt trên 8%. Tỉ trọng vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP giai đoạn 2020 - 2025 là 50%, giai đoạn 2025 - 2030 chiếm dưới 45%.
Những năm qua, bên cạnh một số kết quả tích cực về công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh tế thì các lĩnh vực xã hội như: y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp huy động đầu tư các nguồn lực của xã hội vẫn còn khiêm tốn và hạn chế. Mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách chung theo hướng đẩy mạnh XHH thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng nhưng hoạt động đầu tư, hợp tác của khối tư nhân vào các lĩnh vực XHH bằng các hình thức liên kết, hợp tác kinh doanh, đối tác công - tư còn đơn lẻ, không tạo sự đột phá trong toàn hệ thống.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đã xác định, cần phải có các giải pháp mang tính đột phá trong thu hút đầu tư và XHH đầu tư nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài vốn ngân sách nhà nước. Theo định kỳ, cứ 3 năm 1 lần, trên cơ sở đảm bảo các quy định của Chính phủ, tỉnh ban hành quy định danh mục, lĩnh vực và địa bàn ưu đãi XHH, chế độ miễn giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện XHH trên địa bàn tỉnh nhằm vừa tạo hành lang pháp lý áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, vừa tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực cần thực hiện XHH.
Việc xây dựng chính sách khuyến khích XHH cũng nhằm tạo môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn, tin cậy để thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, thể thao, văn hóa, môi trường, giám định tư pháp. Các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư XHH được thực hiện là phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn của địa phương, nhất là trong bối cảnh ngân sách tỉnh còn hạn chế, phải cân đối cho nhiều mục tiêu khác nhau để phát triển toàn diện, đồng bộ KT-XH ở địa phương. Đồng thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng thực tiễn của nhà đầu tư.
Một trong những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh là miễn tiền thuê đất cho các dự án XHH về lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, thể thao, văn hóa, môi trường, giám định tư pháp. Chính sách được xây dựng trên cơ sở tuân thủ các quy định tại các văn bản pháp luật của Nhà nước như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Thuế…
Coi trọng và đối xử bình đẳng đối với các sở sở thực hiện XHH, sản phẩm và dịch vụ của các cơ sở thực hiện XHH. Các dự án XHH đầu tư trên địa bàn tỉnh đáp ứng các điều kiện hưởng các mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi đầu tư cao nhất. Các dự án XHH này cũng phải phù hợp với điều kiện, khả năng đáp ứng của tỉnh và chỉ áp dụng với các cơ sở thực hiện XHH được thành lập, cấp phép hoạt động đảm bảo theo quy hoạch và các tiêu chí về quy mô, tiêu chuẩn theo quy định nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Đối tượng áp dụng là các cơ sở ngoài công lập có đủ các điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực XHH; các tổ chức, cá nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có các dự án đầu tư liên doanh, liên kết hoặc các cơ sở hoạt động theo lĩnh vực XHH có đủ điều kiện hoạt động theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các cơ sở sự nghiệp công lập góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật thành lập các cơ sở hạch toán độc lập hoặc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XHH theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ngành nghề ưu đãi và đặc biệt ưu đãi đầu tư; địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Điều kiện được hưởng chế độ miễn tiền thuê đất là cơ sở thực hiện XHH phải thuộc danh mục các loại hình và đáp ứng các tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành của Chính phủ; theo danh mục, lĩnh vực, địa bàn khuyến khích XHH được UBND tỉnh phê duyệt và công bố. Dự án XHH phải phù hợp với quy hoạch của tỉnh và các quy hoạch khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cơ sở thực hiện XHH sử dụng đất với nhiều lĩnh vực hoặc trên nhiều địa bàn khác nhau thì được hưởng chế độ miễn tiền thuê đất theo diện tích thuê của từng lĩnh vực hoặc địa bàn tương ứng.
Các dự án đầu tư vào lĩnh vực XHH được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 3 năm. Sau thời gian xây dựng, được miễn 5 năm đối với các cơ sở thực hiện XHH nhưng không thuộc danh mục ngành, nghề ưu đãi; được miễn 8 năm đối với các cơ sở thực hiện XHH đồng thời thuộc danh mục ngành, nghề ưu đãi; miễn tiền thuê đất 16 năm đối với các cơ sở thực hiện XHH đồng thời thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư và các cơ sở XHH tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà. Đối với địa bàn ưu đãi XHH mức 2 tại các đô thị loại V được miễn tiền thuê đất từ 12 năm đến hết toàn bộ thời hạn thuê tùy theo từng lĩnh vực và địa điểm XHH.
Thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực XHH là thu hút được nhiều nguồn lực của toàn xã hội để đầu tư phát triển các lĩnh vực xã hội trên địa bàn, góp phần thúc đẩy nền KT-XH của tỉnh phát triển.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)