Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích tổ chức đại lễ Vu Lan trực tuyến, chuyển tâm thiện thành hành động thiết thực thay vì cúng lễ rình rang, tốn kém.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (ảnh) trao đổi với PV về tinh thần mùa Vu Lan giữa đại dịch COVID-19.
Tháng 7 âm lịch là mùa Vu Lan báo hiếu của nhà Phật. Tinh thần tổ chức đại lễ Vu Lan trong bối cảnh COVID-19 có gì đặc biệt thưa Thượng tọa?
Dịp tháng 7 hằng năm là tháng Vu Lan báo hiếu, lễ hội văn hóa không riêng của Phật tử mà của nhân dân dành tri ân, báo ân, báo hiếu cửu huyền thất tổ, tri ân anh linh các anh hùng liệt sĩ. Đây là sự kết hợp giữa văn hóa Phật giáo với truyền thống tri ân, báo ân của dân tộc Việt Nam.
Dịch bệnh COVID-19 về cơ bản được kiểm soát tốt nhưng vẫn diễn biến cục bộ ở một số địa phương, vì vậy tinh thần chung của Hòa thượng, Chủ tịch Hội đồng trị sự là nhắc nhở trước hết phải thực hiện tốt phòng, chống dịch. Giáo hội khuyến cáo các Ban Trị sự thực hiện theo tình hình thực tế và yêu cầu của địa phương. Có nơi vẫn tổ chức đại lễ Vu Lan nhưng có những tỉnh Giáo hội có văn bản yêu cầu không tổ chức.
Trong giai đoạn đại dịch đầu tiên, Giáo hội từng tổ chức đại lễ Phật đản trực tuyến, dịp này tiếp tục khuyến khích các khóa lễ Vu Lan, lễ hội Bông hồng cài áo trực tuyến. Việc cầu siêu cho cửu huyền thất tổ và các anh hùng liệt sĩ diễn ra theo tinh thần giãn cách xã hội, không tập trung đông Phật tử và được truyền hình trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội kể cả mạng xã hội Butta và các kênh khác. Người dân có thể đăng ký cầu siêu trực tuyến để các nhà sư làm lễ. Như vậy chúng ta vẫn đảm bảo được nhu cầu tâm linh, đảm bảo sự thành kính và bày tỏ lòng tri ân.
Tối 1/9 (tức 14 tháng 7 âm lịch) Giáo hội tổ chức lễ Vu Lan ba miền qua cầu truyền hình trực tuyến không khán giả, từ ba điểm cầu tại chùa Quán Sứ, chùa Giác Ngộ và Nghĩa trang đồi A1 (Điện Biên). Khán giả khắp các vùng miền kể cả Việt kiều có thể dõi theo nghi lễ. Chúng ta sẽ có mùa lễ trọn vẹn trong bối cảnh chống dịch. Rút kinh nghiệm từ đại lễ Phật đản, đại lễ Vu Lan trực tuyến này tin rằng sẽ hiệu quả hơn, đến với đông đảo phật tử và nhân dân hơn nữa.
Nhiều người lo ngại không tới chùa hành lễ sẽ không trọn vẹn lòng thành kính?
Thành kính cốt ở cái tâm. Phật tại tâm. Không phải chúng ta sắm sửa lễ nghi thật to thật nhiều bằng đồ không thật như vàng mã mới là lòng thành. Tưởng nhớ tổ tiên vốn là việc thường trực nhưng tháng 7 là thời gian sống chậm lại, dành những khoảnh khắc tĩnh lặng nhất, thanh tịnh nhất để tưởng nhớ và cầu nguyện.
Vu Lan để nhớ công dưỡng dục sinh thành, được thể hiện bằng hành động thiết thực. Người còn cha mẹ hãy yêu thương chăm sóc, bởi sau này có muốn cũng không được. Ai mà cha mẹ quá vãng, thì dành thời gian tưởng niệm và hành động thiết thực như ủng hộ quỹ phòng chống dịch, cưu mang người khó khăn yếu thế. Đó là cách hồi hướng công đức cho ông bà tổ tiên. Vì thế dù có ở đâu ta cũng có thể bày tỏ tấm lòng thành. Không cần lo rằng trực tuyến sẽ làm bớt đi sự trọn vẹn về đạo hiếu. Quan trọng nhất là ta có thực tâm thành kính hay không.
Hơn nữa, Chính phủ đang tập trung vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Giáo hội cũng vậy, đang đi theo lộ trình đó. Xu hướng thuyết pháp trực tuyến, thực hành bày tỏ nghi lễ trực tuyến cũng là xu hướng văn minh trong tương lai.
Nhiều người bạc đãi cha mẹ nhưng khi họ thác đi rồi lại sắm sanh lễ lớn, cúng lễ rình rang. Lễ Vu Lan trong trường hợp này trở nên hình thức và vô nghĩa. Vậy Giáo hội có hướng dẫn cụ thể nào để mùa Vu Lan thực sự ý nghĩa?
Trong văn bản mới nhất của Ban Thường trực Hội đồng trị sự hướng dẫn thực hiện đại lễ Vu Lan, Giáo hội đề nghị Ban Trị sự GHPGVN các cấp, tăng ni phật tử các chùa, cơ sở tự viện đẩy mạnh an sinh xã hội, tham gia ủng hộ quỹ phòng chống dịch bệnh. Việc từ thiện vốn làm thường xuyên nhưng thời gian này cần tập trung cao hơn. Đạo Phật có tứ ân, ta không chỉ ơn cha mẹ, ơn Tam Bảo còn ơn Tổ quốc, ơn các anh hùng liệt sĩ.
Dân ta đốt vàng mã cực nhiều mỗi mùa Vu Lan về. Sau hai năm Giáo hội có công văn khuyến cáo không dâng không đốt vàng mã nơi cửa Phật, khuyến cáo ấy có thực sự mang lại kết quả thưa Thượng tọa?
Đúng là câu chuyện đốt vàng mã luôn được quan tâm mỗi dịp lễ tết, rằm tháng Bảy. Sau hai năm Giáo hội ra công văn yêu cầu các chùa của Giáo hội không đốt vàng mã, đến nay chấm dứt hẳn chưa thì chưa thể do tập quán ăn sâu vào đời sống nhưng có chuyển biến tích cực. Vàng mã rất ít được sử dụng trong các ngôi chùa. Không chỉ ra văn bản suông, Giáo hội thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu nhà chùa chịu trách nhiệm. Tết nguyên đán vừa rồi, Giáo hội tiếp tục khuyến cáo các chùa và tăng ni phật tử gương mẫu không sử dụng vàng mã.
Không chỉ đốt vàng mã mà phóng sinh cũng là một trong những nghi thức dược dân chú trọng mùa Vu Lan. Trong khi phóng sinh ngày nay nhiều khi xa rời tinh thần của nhà Phật. Giáo hội có quan điểm ra sao trước hiện tượng phóng sinh số lượng lớn, gây nguy hại cho môi trường như vừa qua?
Phóng sinh là một pháp tu của Phật tử nhằm bày tỏ lòng từ bi, thực hành một trong năm giới của Phật giáo. Phóng sinh là việc làm thường xuyên và không chỉ coi trọng tính mạng của con người.
Hiện nay đúng là có một số pháp hội phóng sinh với số lượng lớn. Giáo hội đã chủ động ký kết công tác với Cục Thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Trị sự GHPGVN tại các tỉnh thành ký kết với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các tỉnh nhằm thống nhất quan điểm về thực hành nghi lễ phóng sinh.
Đối với những pháp hội lớn, việc phóng sinh vừa thể hiện pháp tu, lòng từ bi, tăng trưởng bồ đề tâm đồng thời phải đảm bảo đa dạng sinh học, tránh xâm hại nguồn thủy sản bằng các loại thủy sinh nguy hiểm. Không phóng sinh lấy số lượng nhiều, phải hiểu có khi chỉ là cứu mạng sống của một con kiến, con chim hay con cá. Ta nên đặt trọn tâm từ bi vào việc cứu sống một sinh mạng là hơn.
Xin cảm ơn Thượng tọa!
(Nguồn: Tiền Phong)