Trời Quảng Trị trắng xóa mưa, nước lũ lên rất nhanh. Ở huyện miền núi Hướng Hóa, tang thương ập đến vì sạt lở đất và nước cuốn. Chỉ trong ngày 17.10 và rạng sáng 18.10, đã có ít nhất 29 người thiệt mạng, trong đó có 22 cán bộ chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337. Một dãy nhà bạt được dựng lên trong khuôn viên của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 gần đồi Tạc. Đào bới trong đống đổ nát, tìm được thi thể của quân nhân nào, lực lượng cứu hộ sẽ đưa ra dãy nhà bạt. Đến 19 giờ ngày 18.10, có 14 thi thể nạn nhân đã được tìm thấy.
Đồi Tạc lở
Nhà ông Hồ Văn Trú (SN 1972, trú tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) đối diện với doanh trại của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (Quân khu 4), đứng ở nhà là nhìn rất rõ đồi Tạc. Đồi có trước, doanh trại ở dưới chân đồi có sau, nơi này cũng chưa bao giờ có hiện tượng sạt lở hay nguy hiểm gì. Vậy mà, đang say trong giấc ngủ, ông Trú nghe tiếng nổ lớn, rồi tiếng ầm ầm bên đồi. Ông lo lắng, nhưng không dám chạy ra ngoài, thì 1 toán khoảng 20 quân nhân trong doanh trại chạy ra nhà ông, mặt hoảng hốt. “Sạt lở đất ở đồi vùi cả mấy dãy nhà rồi” - ông Trú nghe kể và nghe loáng thoáng là có nhiều người bị kẹt lại ở dưới những bức tường bị sập.
Nghe tin dữ, chúng tôi xuất phát từ TP.Đông Hà lúc 5h sáng và mò mẫm tìm vào hiện trường. Nước lũ chảy xiết khiến nhiều đoạn trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây sạt lở nghiêm trọng, nên phải cuốc bộ mấy đoạn đường rừng. 8h vào đến doanh trại, tiếng chuông báo động rền vang vì phía đồi Tạc vẫn tiếp tục sạt, đất đá vẫn kéo xuống gây nên tiếng động ầm ầm.
Vẻ mặt thất thần, anh N.N.H (35 tuổi, lái xe của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337) kể rằng, anh là người may mắn được đồng đội giải thoát khỏi vụ sạt lở. Khoảng 1 giờ ngày 18.10, anh H đang ngủ trong phòng tham mưu ở dãy phòng của Ban hành chính, lái xe và nuôi quân thì nghe tiếng nổ lớn. Chưa rõ tiếng động gì, anh nghe thêm tiếng đất đá ào ào, rồi bức tường phòng ngủ đổ ập xuống. Anh H bị thương nhẹ ở đầu và tay, nhưng may mắn chỉ bị mắc kẹt chứ không bị bức tường đè. Nghe tiếng đồng đội bên ngoài, anh H kêu cứu, từng mảng tường được lật lên, anh được lôi ra ngoài. Đêm tối, anh căng mắt nhìn, gọi nhau thì mới hay, dãy 10 phòng nơi anh ngủ chỉ còn 3 người, 7 người mất tích. Còn ở các dãy nhà khác cũng bị đất đá nhấn chìm.
Tang thương ở huyện nghèo
13h chiều 18.10, một dãy nhà bạt được dựng lên trong khuôn viên của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337. Tìm được thi thể của quân nhân nào, các lực lượng sẽ đưa ra đấy. Do đường sạt, các phương tiện cơ giới không vào được, nên cứu hộ phải đi bộ vượt qua những đoạn ách tắc. Một số xe múc ở địa bàn được huy động đến để tiến hành bốc lớp đất đá phủ lên các dãy phòng. Khi đất đá được giải tỏa, các lực lượng lật các bức tường đổ nát ra, mò mẫm tìm từng nạn nhân.
Ở phía ngoài doanh trại, người thân của các quân nhân khóc ngất lên ngất xuống. Từ sáng, hay tin con trai là chiến sĩ Lê Tuấn Anh (SN 2000, trú tại Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị) mất tích, bà Lê Thị Khuyên cùng chồng vượt mưa lũ với quãng đường hơn 100 cây số lên thôn Cợp. Vợ chồng bà không được vào hiện trường, bà Khuyên ngồi quỵ trên đường, hai tay vung vẩy, chắp vái cầu mong phép màu sẽ đến. Bà Khuyên kể, vào tối 17.10, Tuấn Anh gọi điện thoại về, hỏi thăm tình hình lũ lụt và dặn bố mẹ cẩn thận. “Con ơi con, còn vài ngày nữa con ra quân, sẽ về với ba mẹ. Răng chừ con không trả lời” - từng lời của bà Khuyên như thắt vào gan ruột của những người có mặt cạnh đó.
Cũng vào đây từ sáng sớm, bà Hà Thị Dung (trú tại thôn Quyết Tâm, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa) vào mong ngóng tin của quân nhân Lê Hương Trà. Anh Trà lái xe, dãy nhà nơi anh Trà ngủ bị vùi lấp và mất tích. Suốt dọc đường vào hiện trường, bà Dung chân cứ bước trên lớp bùn đặc, mắt thì nhòa lệ. Đến gần trưa, có thông tin về danh sách 22 quân nhân mất tích, đến 15h thì đã tìm được 11 thi thể; 19h tìm thấy thêm 3 thi thể quân nhân nữa, những người thân biết rằng hy vọng không còn nữa.
Thức từ đêm hôm qua đến chiều 18.10, ông Đặng Trọng Vân - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa - mặt trắng bạch. Ông nói rằng, tang thương không chỉ diễn ra dưới chân đồi Tạc nơi ông đang đứng, mà ở thôn Tà Rùng của xã Húc vào ngày hôm qua cũng sạt lở đất vùi lấp khiến 6 người trong 1 gia đình thiệt mạng. Chưa hết, ở xã Hướng Việt cách Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 khoảng 30km trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đau thương cũng đang bao trùm. Ở đó, vào chiều 17.10, khi nhận thông tin có 7 người đi làm rẫy bị nước lũ cô lập mất tích, UBND xã này đã lập đoàn 7 người đi tìm kiếm. Tuy nhiên, khi qua cầu tràn trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây thì nước lũ cuốn, khiến một Thượng uý Công an thiệt mạng, 4 người khác mất liên lạc và 2 người bị thương. “Bây giờ, chúng tôi chỉ mong trời ngừng mưa. Và nhận được sự hỗ trợ để nhanh chóng khắc phục hậu quả giúp người dân bớt khổ, dần ổn định cuộc sống” - ông Vân, nói trong nước mắt nghẹn ngào.
Trung tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Trực thăng đã sẵn sàng để cứu hộ vùng bị sạt lở, cô lập ở Quảng Trị
Chiều 18.10, Trung tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có mặt tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), nơi đang xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng gây hậu quả nhiều mặt, đặc biệt là làm hàng chục người bị chết và mất tích, nhiều khu vực bị cô lập. Tại đây, Trung tướng Nguyễn Tân Cương cho hay đã yêu cầu 2 trực thăng từ Đà Nẵng chờ lệnh tại sân bay Phú Bài. Chờ khi thời tiết thuận lợi, sẽ bay tiếp cận địa bàn xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa) để thả lương thực và thuốc men cho người dân. Do ảnh hưởng của mưa lũ, tuyến đường vào xã này bị chia cắt, cô lập.
Trung tướng Nguyễn Tân Cương yêu cầu việc cứu hộ tại doanh trại của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 cần chú ý việc sạt lở đã và sẽ tiếp diễn. Cần cắt cử người ở khu vực cao để quan sát và cảnh báo khi tiếp tục xảy ra việc sạt lở. Việc cứu hộ những người đang mất tích cần khẩn trương và làm xuyên đêm để sớm đưa người gặp nạn ra ngoài. L.CH
Số người mất tích giảm, đồng bào các vùng gần sông suối nhiều ngày bị ngâm trong nước
Lúc 18 giờ ngày 18.10, ông Đặng Trọng Vân - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết, trong tổng số 14 người ở xã Hướng Việt bị lũ cuốn trôi từ chiều tối 17.10 đã có 11 người trở về trong tình trạng bị thương nhẹ, hoảng loạn, lo lắng...; và vẫn cỏn 3 người bị mất tích (2 nam, 1 nữ). “Khó khăn đang bủa vây, đè nặng lên cuộc sống của người dân các vùng thấp trũng gần các khe suối, sông Sê Pôn. Nhiều nơi người dân phải chịu cảnh nước lụt vô ra nhiều lần chỉ trong chưa đầy một tuần lễ. Tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống ở những nơi ngập lụt sâu, chia cắt xảy ra khá gay gắt. Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm ủng hộ, cứu trợ khẩn cấp của cộng đồng để giúp đồng bào vượt qua khó khăn do mưa lũ gây ra...” - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa kêu gọi. L.C.C