Nhằm góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương có điều kiện nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững, UBND thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã thành lập Tổ đan lát thủ công Ka Tăng - Khe Đá. Mặc dù mới đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng bước đầu tổ đan lát này đã có nhiều tín hiệu vui.
Nghề đan lát của đồng bào Vân Kiều và Pa Kô ở Quảng Trị có từ lâu đời nhưng hiện nay có nguy cơ bị mai một. Nguyên nhân chủ yếu do xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng các dụng cụ sinh hoạt hiện đại với nhiều mẫu mã mới lạ, đẹp mắt, giá thành rẻ nên nhiều người ít lựa chọn các dụng cụ sinh hoạt truyền thống để sử dụng; các nghệ nhân đan lát ngày càng lớn tuổi, thế hệ trẻ không mấy mặn mà với nghề này; thu nhập từ các sản phẩm đan lát mây tre thấp hơn so với nhiều nghề khác... Trước thực trạng này, tận dụng lợi thế địa phương có nguồn vật liệu mây, tre, nứa khá dồi dào, sau một thời gian khảo sát, nắm số lượng nghệ nhân ở khóm Ka Tăng và Khe Đá tâm huyết, có nhu cầu tăng thu nhập từ nghề đan lát, UBND thị trấn Lao Bảo đã thành lập tổ đan lát thủ công tại 2 khóm với 29 thành viên tham gia. Phấn khởi vì có điều kiện giữ gìn, phát triển nghề truyền thống cũng như tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, các thành viên Tổ đan lát thủ công Ka Tăng - Khe Đá thường xuyên cùng nhau tìm kiếm vật liệu, đan các vật dụng sinh hoạt; chia sẻ kinh nghiệm đan như thế nào cho sản phẩm bền, đẹp.
Ông Hồ Văn Xông, ở khóm Khe Tăng chia sẻ: “Nhiều năm nay, tôi sống chủ yếu bằng nghề làm thuê vận chuyển hàng hóa qua lại biên giới, tuy nhiên do ảnh hưởng của COVID-19 nên phải ở nhà, không có thu nhập. Vì biết đan các vật dụng sinh hoạt từ khi còn nhỏ nên hay tin chính quyền địa phương thành lập tổ đan lát thủ công tôi liền đăng ký tham gia. Từ đó đến nay, ngày nào tôi và các thành viên trong tổ cũng phân công nhau vào rừng tìm kiếm vật liệu, trao đổi cách đan các mẫu mã mới, đẹp để cùng làm các vật dụng sinh hoạt. Nhờ tham gia tổ đan lát mà chúng tôi giữ gìn và phát triển được nghề truyền thống của cha ông, có thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống của gia đình”.
Bà Hồ Thị Cương ở khóm Khe Đá có hoàn cảnh rất khó khăn, bản thân già yếu, không có sức lao động để thường xuyên làm nương rẫy nên việc tham gia tổ đan lát của khóm là rất phù hợp. Bà Cương cho biết: “Tôi có kinh nghiệm làm các vật dụng bằng tre nứa hơn 40 năm nên rất thích tham gia tổ đan lát. Khi có nhiều sản phẩm, chúng tôi đem ra chợ bán hoặc nhờ chính quyền, đoàn thể địa phương giới thiệu khách hàng đến mua. Tôi rất mong tổ sẽ có thêm nhiều thành viên trẻ tuổi để các nghệ nhân dạy nghề truyền thống này”. Tại buổi ra mắt vào ngày 6/4/2021, Tổ đan lát thủ công Ka Tăng - Khe Đá đã trưng bày và bán được những sản phẩm bằng mây tre phục vụ sinh hoạt như mâm cơm, dụng cụ đựng xôi, hoong xôi, gùi, lồng gà, chổi đót… với tổng số tiền thu về hơn 5 triệu đồng. Tùy theo kích cỡ, các sản phẩm có giá cả phải chăng như gùi từ 300 - 700 nghìn đồng/cái; mâm cơm từ 1 - 2 triệu đồng/cái, chổi đót 40 - 50 nghìn đồng/cái… Nếu cần mẫn, mỗi thành viên tổ đan lát có thu nhập khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Nhiều khách hàng đánh giá cao chất lượng, giá thành sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Thương ở khóm Ka Tăng cho biết: “Các sản phẩm của tổ đan lát đẹp, bền và có đặc trưng riêng. Đặc biệt, việc sử dụng đồ dùng từ thiên nhiên để làm vật dụng sinh hoạt rất an toàn cho sức khỏe và góp phần bảo vệ môi trường. Vì thế, tôi đã mua một số sản phẩm”.
Ngoài động viên tổ đan lát duy trì đan các vật dụng bằng mây, tre, nứa, UBND thị trấn Lao Bảo còn có sáng kiến mua vật liệu bằng sợi nhựa, tìm kiếm mẫu mã trên internet để giúp các thành viên sản xuất loại giỏ phục vụ chị em đi chợ. Do COVID-19 diễn biến phức tạp nên thị trấn chưa phối hợp với các đơn vị dạy nghề tập huấn cách đan lát bằng vật liệu mới. Dù làm quen với mẫu, vật liệu sợi nhựa trong thời gian rất ngắn nhưng các thành viên trong tổ tiếp cận rất nhanh, tự mày mò, hướng dẫn nhau đan giỏ nhựa với nhiều kích cỡ khác nhau. Dự kiến, khi đưa vào sản xuất thường xuyên, bình quân mỗi người đan được 3 - 5 giỏ/ngày, với giá bán từ 30 - 80 nghìn đồng/ cái, trừ chi phí các thành viên trong tổ có thu nhập từ 80 - 150 nghìn đồng/người/ngày. Hiện nay, tổ đan lát đang tập trung làm 160 giỏ nhựa do Sở Tài nguyên và Môi trường đặt hàng để tặng cho các hộ nghèo, cận nghèo ở các khóm Ka Tăng, Khe Đá và Ka Túp nhằm tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng túi ni lon để bảo vệ môi trường.
Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo Lê Bá Hùng cho biết: “Nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, UBND thị trấn đã thành lập Tổ đan lát thủ công Ka Tăng - Khe Đá. Để tổ hoạt động hiệu quả, chính quyền liên kết với Hội Phụ nữ thị trấn để tìm đầu ra cho sản phẩm. Về lâu dài, UBND thị trấn sẽ làm việc với các cơ quan chức năng xem xét mở cửa hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại thị trấn, tìm thị trường đầu ra ổn định. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân, khôi phục nghề đan lát truyền thống, thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm các sản phẩm đặc trưng cũng như văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)