Đến bây giờ ngồi trò chuyện cùng tôi trong căn nhà nhỏ tại thôn Na Nẫm (xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), ông Nguyễn Như Chiến (Sinh năm 1950) vẫn không giấu được sự xúc động và hoảng hốt sau những ngày bị lạc trong rừng. Chuyến đi rừng vào cuối năm 2020 để lại trong cụ ông 71 tuổi quá nhiều cảm xúc.
Sáng sớm ngày 29/12/2020, ông Chiến dậy sớm hơn mọi ngày. Phần vì hôm ấy thời tiết đẹp, phần vì ông được người khác nhờ ông vào rừng kiếm một ít loại rễ cây về làm thuốc chữa xương khớp. Năm nay 71 tuổi, ông Chiến đã có hàng chục năm kinh nghiệm tìm và sử dụng những rễ cây này làm thuốc cho người làng. Những bài thuốc của ông ít tốn kém lại hiệu quả nên thường được người trong làng nhờ cậy. Ăn sáng xong, ông cầm lấy cây rựa và cuốc đào thuốc rồi lên đường. Ra đến cổng, ông lại ngần ngừ quay vào nhà lấy vài gói mì tôm và bình nước cho vào túi đeo. Lúc đó ông không ngờ được rằng hành động đó đã cứu mạng mình trong những ngày gặp biến cố.
Khu vực ông Chiến đào rễ thuốc là khu vực rừng 365, lối vào ở ngay phía sau nhà ông. Một khu vực rộng lớn địa hình đồi núi phức tạp và cây cối rậm rạp. Tuy nhiên ông Chiến cũng đã có hàng chục năm tìm thuốc ở khu vực này nên nắm rất rõ địa hình và phương hướng. Mải mê tìm thuốc, ông Chiến tiến sâu vào rừng lúc nào không rõ, chỉ biết là lúc hái thuốc xong thì cũng là lúc ông nhận ra mình đã bị lạc, hoàn toàn mất phương hướng.
“Bây giờ ở nhà nghĩ lại, tôi vẫn có thể định hình mình đã đi theo lộ trình như thế nào, nhưng lúc bị lạc tầm nhìn bị hạn chế thì quả thực tôi cũng hoang mang cực độ” – ông Chiến nhớ lại.
Hoảng hốt nhận ra mình lạc giữa 4 bề rừng núi, trời cũng đã dần đổ về chiều. Sau vài lần cắt rừng thử xác định phương hướng nhưng vô hiệu, ông trấn tĩnh lại và chấp nhận tình thế rằng mình đã bị lạc. Bằng kinh nghiệm của người đi rừng, ông chặt cành cây, lá cọ dựng tạm một chỗ ngủ qua đêm và lấy mì tôm ăn qua cơn đói.
Ngay trong tối đó tại xã Triệu Nguyên, một nhóm người cũng được thành lập và đi vào rừng tìm kiếm ông Chiến.
6 giờ, anh Nguyễn Thanh Hùng, trưởng thôn Na Nẫm đang chuẩn bị dọn cơm tối thì nhận được điện thoại từ anh Nguyễn Như Lộc (con trai ông Chiến). “Chắc lại kêu qua nhậu nhẹt chi đây?” – anh Hùng nghĩ thầm. Thông tin từ phía con trai ông Chiến cung cấp khiến anh quên cả đói. Anh vội phán đoán nhanh, nếu ông Chiến đi qua đêm thì sẽ báo trước với gia đình. Dù ông có nhiều kinh nghiệm nhưng một khi đã vào rừng thì chẳng thể biết trước được điều gì. Tức tốc anh báo cáo tình hình lên uỷ ban xã rồi chạy sang nhà văn hóa thôn dùng loa phát thanh phát thông báo khẩn về việc ông Chiến mất tích và vận động người tình nguyện tập trung tham gia tìm kiếm. Một lúc sau, anh Hùng sang đến nhà ông Chiến thì đã có hơn 10 người tập trung ở đó, cộng thêm 3 người là người nhà ông Chiến nữa, cả nhóm mang theo đèn pin và tiến hành tìm kiếm ở khu vực bìa rừng. Suốt vài giờ đồng hồ, họ hú hét kêu gọi, đốt lửa làm hiệu mong ông Chiến nhận thấy. Đêm càng lúc càng khuya, không có dấu hiệu nào của ông Chiến, cả nhóm đành quay trở về. Đến sáng hôm sau, nhóm tìm kiếm lại huy động được gần 50 người, trong đó có cả lực lượng công an, quân sự xã và tiến sâu vào rừng mong tìm thấy ông Chiến nhưng vẫn không phát hiện được gì thêm sau một ngày dài tìm kiếm.
Ông Chiến tỉnh dậy khi trời đã sáng, qua một đêm ngủ trong rừng ông cảm thấy khá mệt mỏi nhưng bản năng sinh tồn thúc đẩy ông tiếp tục tiến về phía trước. Ngày thứ 2 lạc trong rừng, thời tiết đã lạnh hơn và có cả mưa phùn đậm đặc. 4 bề rừng núi đều bị mưa che phủ mờ. Dù rất đói nhưng ông vẫn quyết định giữ lại 2 gói mì tôm cho bữa trưa. Qua vài giờ đồng hồ đi bộ, ông phát hiện một khe suối liền dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống tiếp sức. Như ông biết, khe suối này sẽ chảy về hướng xã Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ) nên ông Chiến quyết định đi ngược khe để trở về hướng Triệu Nguyên. Cứ như vậy trong suốt buổi chiều hôm đó, ông đã leo ngược khe suối trong nhiều giờ đồng hồ đến khi tối mịt. Đêm đến kiệt sức, ông tìm một góc khuất rồi cứ thế nằm ngủ dưới cơn mưa lạnh giá của mùa đông.
Cũng trong tối hôm đó, bầu không khí trong ngôi nhà nhỏ của ông Chiến lại hết sức nặng nề. Những người đàn ông trong làng ngồi bàn bạc phương hướng tổ chức tìm kiếm, chị em phụ nữ thì ở bên trong an ủi vợ con ông Chiến. Việc một cụ ông đã ở tuổi “Thất thập cổ lai hy” lạc trong rừng đã hai ngày giữa thời tiết khắc nghiệt khiến ai cũng cảm thấy lành ít dữ nhiều. Phương án tìm kiếm cuối cùng cũng được chốt lại với 4 nhóm tham gia. Lãnh đạo xã cũng liên hệ với Trại giam Nghĩa An (xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ) để phối hợp tìm kiếm, giữ lại chút hi vọng mong manh cho gia đình ông chiến và cả những người trong thôn.
Sáng ngày 31, toàn xã Triệu Nguyên đã huy động tới gần 150 người tham gia tìm kiếm. Cũng lúc này, ông Chiến đã vượt qua khe suối, từ vị trí đồi cao nơi ông đứng đã có thể nhìn thấy nhà cửa trong làng ở bên dưới. Tới tận trưa thì ông đã lần về tới tới khu vực rẫy nhà mình ông kiệt sức rồi kiệt sức gục xuống, lương thực ông mang theo cũng đã cạn kiệt. Dù rất cố gắng nhưng đôi chân run rẩy đã không giúp ông hành động như mong muốn. Đúng lúc này 3 người trong nhóm tìm kiếm bất ngờ phát hiện ra ông Chiến nằm bên bìa rừng. Họ nhanh chóng cõng ông về nhà và thông báo đến đoàn cứu hộ. Tin vui tìm thấy ông Chiến lan rộng khắp toàn xã trong ngày cuối năm 2020.
“Đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn thấy vui, không ngờ bà con thương mình như thế, tình cảm này dẫu có bao nhiêu tiền bạc, chắc chắn cũng không thể mua được” – ông Chiến nói. Những người ngồi trong nhà đều cười vang.