Xây dựng “Trường học hạnh phúc” là mục tiêu mà ngành giáo dục Quảng Trị đang phát động đến tât cả các cơ sở giáo dục vào đầu tháng 6 vừa qua và đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà trường và đội ngũ nhà giáo. Việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” đã bước đầu tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, thu hút sự chung sức của cả thầy và trò cùng tham gia, góp phần nâng chất lượng giáo dục.
Những cái bắt tay như những người bạn hay những cái ôm trao yêu thương mà ở đó không có giới hạn khoảng cách cô trò là hình ảnh quen thuộc mà cô và trò trường Võ Thị Sáu, TP Đông Hà cùng làm với nhau mỗi ngày lên lớp.
Đây chỉ là một trong nhiều hoạt động nằm trong mô hình “Trường học hạnh phúc” mà Trường Tiểu học Võ Thị Sáu 1 trong những trường học đầu tiên của Quảng Trị xây dựng, ở đó các em được trao tình yêu thương cùng một môi trường học tập ngày càng hoàn thiện. Em Trần Xuân Khánh, lớp 5 C, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, TP Đông Hà, Quảng Trị chia sẻ: “Những giờ đọc sách ở thư viện thân thiện là khoảng thời gian giải trí bổ ích đối với chúng em. Ở thư viện thân thiện, ngoài rất nhiều loại sách thì còn có góc nghe cô giáo kể chuyện rất thú vị. Được học trong môi trường mà thầy cô giáo thân thiện, gần gũi, trường học xanh, sạch đẹp, thoáng mát, ngoài những bài giảng trên lớp chúng em còn được dạy về kỹ năng sống đã tạo cho chúng em sự háo hức muốn được đến trường mỗi ngày”.
Đối với Trường Võ Thị Sáu, khi xây dựng “Trường học hạnh phúc” nhà trường luôn xác định học sinh là chủ thể quan trọng nhất nhưng bên cạnh đó đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên nhà trường và phụ huynh cũng chính là nhân tố chính để giúp các em cảm thấy vui vẻ và hứng thú với việc đến trường hằng ngày. Đây cũng là điều kiện giúp thầy cô có thêm động lực giảng dạy và sáng tạo những phương pháp dạy học mới để các em hứng thú với môn học, những bài giảng. Cô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên lớp 5B, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, TP Đông Hà, Quảng Trị chia sẻ: “Để có một trường học thân thiện, hạnh phúc thì trước hết bắt đầu từ giáo viên cần thay đổi tư duy nhận thức, hành động và cả cảm xúc để có được các bài học hay, đầy hứng thú với học sinh, tạo ra bầu không khí thân thiện và yêu thương. Chúng tôi cố gắng lựa chọn phương pháp giáo dục tối ưu để phát huy tinh thần sáng tạo của học sinh, đem đến cho các em những tiết học hứng thú, luôn lắng nghe và tạo cho các em cơ hội bày tỏ chính kiến của mình, tạo cho học sinh tâm thế tự tin, thoải mái khi đến trường”.
Cô giáo Bùi Minh Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, có ba tiêu chí quan trọng để xây dựng nên một trường học hạnh phúc đó là yêu thương, an toàn và tôn trọng, đồng thời xác định hoạt động nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động là yếu tố quyết định để xây dựng nên một trường học hạnh phúc. “Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, học sinh và phụ huynh đều được hạnh phúc, là nơi học sinh có hứng thú, niềm vui, sự mong chờ và những rung cảm, là nơi học sinh không có áp lực học hành mà luôn được phát huy khả năng của mình, các môn học được biến hóa thành các bài học thú vị thông qua các trò chơi, trải nghiệm. Là nơi mà thầy cô giáo có các phương pháp dạy học tích cực, luôn hỗ trợ và giúp đỡ học sinh kịp thời, thiết lập được mối quan hệ tốt với học sinh, tạo cho chúng sự an tâm, tin tưởng và cảm thấy được yêu thương. Nơi ấy không có bạo lực, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo. Hiểu một cách đơn giản, trường học hạnh phúc là nơi mà cả học sinh và thầy cô đều muốn đến”
Xuất phát từ mục tiêu đó, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã có những hoạt động tích cực để tạo môi trường thân thiện, gần gũi giữa học sinh và giáo viên, tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm. Các môn học được biến hóa thành bài học thú vị qua những trò chơi, trải nghiệm. Trong tổ chức dạy học, hoạt động, kiểm tra đánh giá học sinh, nhà trường thay đổi nội dung và cách thức sinh hoạt hằng tuần, hằng tháng. Thay bằng việc đánh giá nhận xét hoặc phê bình thì học sinh sẽ được cùng nhau trao đổi, chia sẻ theo một chủ đề gợi mở nào đó của giáo viên chủ nhiệm hoặc học sinh được tham gia các tiết đọc thư viện, xây dựng thói quen và từng bước phát triển kỹ năng đọc…
Có thể nói mục tiêu xây dựng nên một “Trường học hạnh phúc” không chỉ với riêng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu mà đối với tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn Quảng Trị là hết sức thiết thực và cần thiết. Đích đến cuối cùng chính là tạo cho các em học sinh, những thế hệ tương lai một môi trường giáo dục phát triển toàn diện nhất.