Hỗ trợ để người dân “sống chống với lũ,” ứng phó với nguy cơ sạt lở đất và lũ quét là những giải pháp căn cơ để giảm thiểu thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra.
Cũng như những địa phương khác trên dải đất miền Trung, ở tỉnh Quảng Trị lũ lụt và sạt lở đất luôn là nỗi lo thường trực của người dân mỗi khi mùa mưa bão đến.
Do đó, hỗ trợ để người dân “sống chống với lũ,” ứng phó với nguy cơ sạt lở đất và lũ quét là những giải pháp căn cơ để giảm thiểu thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra.
Sống chung với lũ lụt
Hộ ông Lê Bá Hàn sinh sống ở vùng thấp trũng ven lưu vực sông Thạch Hãn, đoạn qua thôn Bích La Thượng, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong.
Theo ông Lê Bá Hàn, những năm trước lũ nhỏ thì nước chỉ dâng lên đến sân trước nhà. Năm nào lũ lớn như tháng 10 vừa qua thì nhà bị ngập sâu đến 2m. Tuy nhiên, gia đình không phải đi chạy lũ mặc dù các đợt lũ vừa qua tương đương với lũ lịch sử năm 1999.
Ông Hàn cho biết liền kề với ngôi nhà cấp 4, gia đình có xây dựng thêm một gian nhà kiên cố rộng chừng 30m2. Gian nhà này đặc biệt ở chỗ, có thêm gác lửng cao hơn mặt đất đến 3,5m. Do đó khi có lũ lớn, gian nhà này là nơi tránh trú an toàn của 7 thành viên trong gia đình và có chỗ để cất trữ được nhiều tài sản.
Đợt lũ lụt đặc biệt lớn vừa qua, ở vùng thấp trũng Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh nhiều người dân đã giữ được tính mạng nhờ nhà tránh lũ.
Hồi giữa tháng 10 vừa qua, giữa lúc nước lũ dâng cao đoàn chúng tôi di chuyển bằng thuyền và tiếp cận được ngôi nhà tránh lũ 2 tầng ở thôn Trung Đơn, xã Hải Định, huyện Hải Lăng. Lúc đó, ngôi nhà tránh lũ này là nơi trú ngụ an toàn cho khoảng 50 người dân địa phương.
Ông Lý Đình Du, thôn Trung Đơn, xã Hải Định, cho biết nước lũ lên quá nhanh gây ngập toàn bộ nhà cửa và tài sản. Giữa biển nước mênh mông, bà con được lực lượng cứu hộ cứu nạn di dời đến ngôi nhà tránh lũ, nhờ đó mới được an toàn trong suốt nhiều ngày mưa lũ hoành hành.
Thực tế, người dân đều đã biết về hiệu quả của nhà tránh lũ. Tuy nhiên, xây dựng mỗi căn nhà kiên cố để tránh lũ cũng hết từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn đối với bà con nông dân. Vì vậy, số nhà tránh lũ được xây dựng chưa đáp ứng được nhu cầu tránh trú mỗi khi có lũ lớn xảy ra.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có trên 1.950 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà ở phòng tránh bão lụt, theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, đạt gần 94% trong tổng số nhà tránh bão lụt đã được chính quyền địa phương này phê duyệt.
Tỉnh còn trên 130 nhà tránh bão lụt chưa triển khai xây dựng được là do điều kiện của những hộ dân quá khó khăn.
Tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà tránh bão lũ, đồng thời khuyến khích hộ có điều kiện xây dựng nhà loại này.
Ngoài nhà tránh lũ, phương tiện để di chuyển trong điều kiện đường giao thông bị ngập lụt cũng rất quan trọng.
Căn nhà phao tránh lũ đã hoàn thiện. (Nguồn: Nhà chống lũ)
Sau khi đi kiểm tra việc di dời dân tránh lũ vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết lũ lên nhanh nên gây ngập sâu trên diện rộng trong thời gian ngắn. Do đó, rất nhiều người dân cần được hỗ trợ di dời đến nơi an toàn, nhưng phương tiện di chuyển trong điều kiện ngập lụt bị thiếu, cụ thể là ca nô, ghe thuyền.
Qua khảo sát, các địa phương ở vùng thấp trũng Quảng Trị cần trên 430 chiếc thuyền để di chuyển khi xảy ra ngập lụt trên diện rộng, tổng trị giá khoảng 2,6 tỷ đồng.
Hiện nay, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Trị đã và đang vận động các cá nhân, tổ chức trong cả nước tài trợ cho địa phương số thuyền này, để giúp người dân đi lại an toàn hơn khi có lũ lụt.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho rằng, để phòng chống bão lũ hiệu quả hơn, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cần ưu tiên cho mua sắm trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn và hạ tầng các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời đầu tư xây dựng thêm các tuyến đường giao thông quan trọng để phá thế huyết mạch, độc đạo của Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây như hiện nay.
Về cách thức sản xuất để giảm thiệt hại do lũ lụt, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị cho rằng cần nghiên cứu chọn lọc những giống cây trồng ngắn ngày, cực ngắn, bổ sung vào cơ cấu giống nhằm tránh điều kiện bất lợi của thiên tai dịch bệnh.
Đối với vùng thấp trũng, cần hỗ trợ hướng dẫn xây dựng chuồng nuôi chống lũ, gia cố nâng cấp chuồng trại kiên cố chống bão. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn và hỗ trợ nhân rộng các mô hình nuôi tôm trong nhà kính nhà lưới, nuôi cá trong bể xi măng.
Cảnh báo, di dời kịp thời khỏi vùng sạt lở
Bà Nguyễn Thị Cúc, ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa sinh sống ngay sát hiện trường vụ sạt lở đất khiến 22 cán bộ, chiến sỹ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 hy sinh ngày 18/10 vừa qua.
Bà Cúc chia sẻ mùa mưa những năm trước, tình trạng sạt lở đất vẫn thường xuyên xảy ra nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng. Còn vụ sạt lở đất kinh hoàng ở thôn Cợp thì người dân địa phương chưa bao giờ thấy. Ngay sau vụ sạt lở đất này, người dân địa phương rất mong muốn được di dời đến nơi an toàn.
Trong số 52 người chết và 2 người mất tích ở Quảng Trị do mưa lũ, có đến 32 người chết và 1 người mất tích do sạt lở đất ở huyện miền núi Hướng Hóa. Nguyên nhân trực tiếp khiến sạt lở đất liên tiếp xảy ra là do mưa quá lớn và dài ngày làm phá vỡ kết cấu đất đá ở những quả đồi, dãy núi; trong khi việc dự báo sạt lở đất vô cùng khó khăn.
Sạt lở đất rất khó dự báo nên việc rà soát kiểm tra, cảnh báo và di dời kịp thời người dân ở vùng có nguy cao là đặc biệt quan trọng để giảm thiệt hại.
Cũng trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa vào cuối tháng 10 vừa qua, sau mưa lớn trên đỉnh núi Ta Bang thuộc thôn La Ri Lào, xã Hướng Sơn xuất hiện vết nứt dài khoảng 200m, có chiều rộng khoảng 20-50cm, nguy cơ sạt lở xảy ra bất cứ lúc nào.
Ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hướng Sơn, cho biết ngay sau khi tiếp nhận tin báo của người dân về núi Ta Bang bị nứt, chính quyền đã kiểm tra và kịp thời di dời khẩn cấp trên 170 nhân khẩu sinh sống ở dưới chân núi này đến nơi an toàn.
Theo điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo trượt lở đất đá ở các vùng miền núi của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, tỉnh Quảng Trị có 241 vị trí sạt lở; trong đó có 27 vị trí quy mô lớn, 4 vị trí quy mô rất lớn và đặc biệt lớn.
Trượt lở đất đá ở Quảng Trị thường xảy ra dọc hành lang đường Hồ Chí Minh. Mật độ vị trí sạt lở toàn tỉnh không cao, nhưng mức độ tập trung ở một vài địa bàn lại rất dày. Điển hình là ở huyện miền núi Hướng Hóa có 147 điểm sạt lở, chiếm đến 61% tổng số vị trí sạt lở đất ở Quảng Trị.
Đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị cần di dời tái định cư 1.530 hộ sinh sống ở vùng nguy cơ sạt lở đất, vùng xung yếu. Tuy nhiên, việc xây dựng các khu tái định cư đang gặp khó khăn do nguồn vốn được bố trí chưa kịp thời.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, nhu cầu di dời tái định cư để phòng tránh thiên tai còn rất nhiều, trong khi nguồn vốn bố trí của nhà nước hằng năm quá thấp, chỉ đáp ứng 15-20% so với nhu cầu thực tế. Chính sách hỗ trợ di dân vẫn còn ở mức thấp nên khó thực hiện, chưa giải quyết được những khó khăn cơ bản của dân đến định cư. Ngoài vấn đề nhu cầu về nhà ở, thì khi di dân cần phải có các chính sách riêng đối với khu vực miền núi về đào tạo nghề, hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu giúp người dân có tư liệu sản xuất.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, cho rằng việc theo dõi, cảnh báo, ứng phó, cứu hộ cứu nạn nạn nhân sạt lở đất phải được triển khai đến từng cấp cơ sở, cấp xã, cấp thôn bản và tới từng hộ dân; chính sách bảo hiểm thiên tai cần phải được thực hiện; thảm rừng cần được phục hồi và bảo vệ một cách thực chất, thực sự nghiêm túc.
Các dự án thủy điện, thủy lợi, giao thông, cơ sở hạ tầng cần được xem xét một cách cẩn trọng hơn rất nhiều. Ngoài ra, để phòng tránh, giảm nhẹ nguy cơ, hậu quả trượt lở đất đá, một điều chắc chắn là các bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo ở các tỷ lệ sẽ phải được chuyển giao kịp thời và được sử dụng triệt để, hiệu quả hơn nữa. Những diện tích được xác định là có nguy cơ cao cần xác định thêm các vị trí tương đối an toàn, có thể tìm đến sơ tán.
Dù đã chịu quá nhiều đau thương, mất mát do lũ chồng lũ, bão chồng bão nhưng trong sâu thẳm mỗi người dân Quảng Trị đều có ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Điều này đã được chứng minh xuyên suốt chiều dài lịch sử bảo vệ và xây dựng quê hương.
Ngay lúc này, ở tận vùng biên giới xa xôi Hướng Việt, Hướng Lập thuộc huyện miền núi Hướng Hóa vẫn còn bị cô lập do sạt lở đất, nhưng người dân ở đây không hề “cô đơn.”
Ngày ngày bộ đội, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cùng chung tay rửa từng chiếc ghế ngồi của học sinh bị dính bùn đất hay gùi từng cân gạo vào cho bà con ăn không bị đói. Tất cả đang chuẩn bị cho một cuộc sống mới với tinh thần như trong câu ca mà người Quảng Trị vẫn thường truyền tai nhau:
"Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây."
(Nguồn: TTXVN)